Vài đề xuất cho cây đờn kìm và Nhà hát Ba nón lá

Thứ Hai, 04/03/2024 | 16:29

Cây đờn kìm cách điệu nguy nga trên Quảng trường Hùng Vương, giữa trung tâm TP. Bạc Liêu, từ khi thành hình đến nay đã trở thành biểu tượng văn hóa của Bạc Liêu. Gần đó, Nhà hát Cao Văn Lầu mà mọi người quen gọi là Nhà hát Ba nón lá cũng góp thêm một không gian văn hóa đặc biệt cho xứ sở bản “Dạ cổ hoài lang” (DCHL), đất vọng cổ này.

Toàn cảnh Quảng trường Hùng Vương - điểm du lịch tiêu biểu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Bạc Liêu.

THÊM "PHẦN HỒN" CHO ĐỜN KÌM

Có thể nói, cây đờn kìm cách điệu từ khi có mặt trên Quảng trường Hùng Vương chỉ một thời gian trở thành biểu tượng của tỉnh. Khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, hễ nhìn thấy hình ảnh cây đờn kìm cách điệu, ai cũng biết đó là Bạc Liêu.

Với những công trình văn hóa trên Quảng trường Hùng Vương, Công ty TNHH MTV dịch vụ Biểu Tượng Việt và kiến trúc sư (KTS) Hạnh Vương - người trực tiếp thiết kế - đã rất thành công trong việc “đưa nghệ thuật đi vào cuộc sống” - cũng chính là thông điệp của Công ty khi thiết kế các công trình nói chung. Thành công này đã góp phần xây dựng thương hiệu cho vùng đất Bạc Liêu, nhất là biểu tượng cây đờn kìm!

Mới đây, trên Facebook, thêm một hiến kế cho biểu tượng văn hóa tỉnh Bạc Liêu này. Quan trọng là, ý kiến này đã nhận được phản hồi cụ thể từ chính tác giả thiết kế cây đờn kìm - KTS Hạnh Vương. “Cây đờn kìm có gắn thêm âm thanh được không? Ví dụ như bản DCHL, 20 bản Tổ của Đờn ca tài tử (ĐCTT) chẳng hạn”, khi đưa ra đề xuất này, chủ tài khoản Facebook nêu trên cho rằng: Cây đờn kìm đã đẹp về ngoại hình, tuy nhiên rất cần có phần hồn hỗ trợ. Để khi ngắm cây đờn kìm, rồi được nghe nhạc từ đó vang lên, người xem, người nghe sẽ tò mò tìm hiểu muốn biết đó là bài bản nhạc gì; từ đó sẽ hiểu thêm về “lai lịch” của cây đờn kìm, của bản DCHL và kể cả các bài bản của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đang hiện diện trên Quảng trường Hùng Vương, nơi vùng đất được mệnh danh là một trong những chiếc nôi quan trọng của nghệ thuật này.

Gắn thêm hệ thống âm thanh để tạo phần “hồn” cho cây đờn kìm là đề xuất cần được quan tâm.

THÊM  “PHẦN SẮC CHO BA NÓN LÁ

KTS Hạnh Vương khi tiếp nhận góp ý trên đã phúc đáp rất cụ thể, tiếp tục thể hiện tâm huyết của bản thân nói riêng và trách nhiệm của đơn vị thi công công trình nói chung khi bàn về “đứa con đẻ” của mình. KTS Hạnh Vương phân tích: “Thiết kế từ đầu, tác giả đã thể hiện đầy đủ: Hình (biểu tượng) - Sắc (ánh sáng nghệ thuật kết hợp nhạc nước chuyển động) - Thanh là phần hồn của biểu tượng (tiếng - âm thanh - âm nhạc… hệ thống âm thanh loa gắn âm xung quanh thành hồ)… Tác giả khi thiết kế đã đề xuất tỉnh Bạc Liêu sáng tác nhạc cho biểu tượng đờn kìm để phát ra hệ thống âm thanh loa đã thiết kế lắp đặt sẵn rồi”. Phân tích những nội dung trên, KTS Hạnh Vương chia sẻ mong muốn “rất cần đề xuất của người dân Bạc Liêu để ngành chức năng, lãnh đạo địa phương có phương án sớm thiết kế phần “hồn - nhạc” riêng cho biểu tượng văn hóa tỉnh Bạc Liêu, để biểu tượng có đủ đầy phần hình và thanh”.

Cùng với góp ý nên bổ sung âm thanh cho cây đờn kìm cách điệu, còn thêm một đề xuất là trình chiếu hiệu ứng ánh sáng đèn Led trên đỉnh chóp của Nhà hát Ba nón lá! Góp ý này cho rằng nếu có thể thực hiện thì việc chiếu ánh sáng nên phục vụ trong những ngày cuối tuần (thời điểm thích hợp cho hoạt động thưởng thức, vui chơi giải trí, đông du khách đến với địa phương…) để tạo một cảnh quan đẹp mắt về đêm trên không gian rộng lớn của Quảng trường Hùng Vương - xứng tầm điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long!

Âm thanh DCHL và những điệu thức Xuân tình, Lưu thủy trường… (những bài bản ĐCTT) ngọt ngào, tha thiết ngân nga từ cây đờn kìm cách điệu, ánh sáng đa sắc tỏa ra từ những cánh sen - bệ đỡ cây đờn kìm - và thêm nữa cách đó không xa sẽ là Nhà hát Ba nón lá, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các mô hình ánh sáng bằng đèn Led lung linh màu sắc trên đỉnh nón về đêm. Những đề xuất trên khiến ta hình dung được một khung cảnh đẹp làm mãn nhãn người nhìn, một “chiếc view” đẹp của Bạc Liêu trong đêm, cũng như gợi một không gian âm nhạc đầy chất văn hóa Bạc Liêu từ thanh âm đờn kìm cách điệu!

Đã có đề xuất việc trình chiếu hiệu ứng ánh sáng đèn Led trên đỉnh Nhà hát Ba nón lá để tăng sức hút, vẻ đẹp của ba  chiếc nón lá về đêm. Ảnh: H.T

Nhìn sang tỉnh bạn, màn phun lửa và nước kết hợp với hiệu ứng ánh sáng từ 15.000 chiếc đèn led được gắn trên cầu Rồng ở TP. Đà Nẵng là điểm thu hút khách trong và ngoài nước. Không quá tham vọng như vậy, nhưng cây đờn kìm cách điệu và Nhà hát Ba nón lá của Bạc Liêu (những biểu tượng đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là lớn nhất đất nước) nếu tiếp tục được thiết kế thêm phần âm thanh, ánh sáng thì chắc chắn tạo sức hút mạnh hơn nữa theo cách riêng của mình.

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.