Về Châu Thới nghe danh “Ông già lựu đạn”

Thứ Sáu, 26/07/2024 | 16:32

Theo lời mời của Quân - Viện trưởng Viện Kiểm sát TP. Bạc Liêu, tôi về ấp Bà Chăng B (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) trong một buổi chiều tàn. Cái mảnh đất tôi vừa đặt chân đến với những ngôi nhà tường đẹp, lộ làng thẳng thóm thì ở dưới tầng sâu của lớp bụi thời gian, tầng sâu thẳm của không gian hôm nay đang chứa đựng một quá khứ bi hùng. Nó bi hùng đến nỗi nếu ta vạch lớp bụi thời gian lên xem thì ta sẽ rụng rời, rồi ứa nước mắt.

Ông Ngô Văn Ngộ. Ảnh: H.A.T

Nó là một cái xóm quê mùa, có ngọn gió đồng phóng khoáng đi qua như trăm ngàn làng quê thơ mộng và hiu hắt buồn khi chiều xuống của làng quê Việt Nam. Nhưng nó lại không bình thường, vì đó là một cái ấp nổi tiếng của Bạc Liêu bởi cường độ chiến tranh và cũng bởi là vùng căn cứ thành đồng lũy thép của cách mạng.

Khách về, hai bà chị, một ông anh và cô em út của Quân đến ngôi nhà ông ngoại của Quân mà người chị thứ Tư đang ở để thờ phượng. Họ ngồi ăn cơm với khách, vui một cách hồn nhiên. Họ giục khách ăn đi bằng thứ ngôn ngữ: “Cậu ăn đi, cá chị kho đó”, “Anh ăn đi, bông súng ở dưới đìa em mới hái lên đó”…  Cái tình nằm trong ngôn ngữ quê nghèo mà rất thuần hậu. Nó có được từ những làng xóm thuần nông, những vùng căn cứ kháng chiến mà kẻ rời quê ra chợ lâu năm như tôi mới vừa gặp lại. Tôi ăn chén cơm của họ bới và cứ bồi hồi như gặp lại một một mảnh trăng xưa, của một đời sống nhà nông hiền hòa đã đi khỏi đời tôi từ lâu lắm.

Họ là gái quê, là trai cày sâu cuốc bẫm, lời của họ chân quê mộc mạc như ngọn cỏ quê trên đồng, thế nhưng nó chứa một câu chuyện lớn lao, vĩ đại và hoàn toàn làm cho khách ngạc nhiên về cuộc chiến tranh của gần 50 năm trước đã từng diễn ra trên mảnh đất này. Đó là một câu chuyện rất xưa cũ, nhiều người không còn nhớ thế mà người kể lẫn người nghe đều thổn thức bởi nó có quá nhiều máu và nước mắt, bởi nó quá đỗi kiên trung, quá đỗi anh hùng.

Câu chuyện bắt đầu từ ông chủ đầu tiên của ngôi nhà mà chúng tôi đang ngồi ăn cơm và cũng là ông ngoại của những người tiếp cơm tôi. Ông tên Ngô Văn Ngộ (quê ở Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Ông sinh năm 1901 và mất năm 1996. Vào nửa đầu thế kỷ XX, vì trốn chạy ách thực dân phong kiến, vì nghèo đói, gia đình ông bồng bế lên chiếc xuồng cui rồi từ giã sông Tiền để về miệt Hậu giang. Một miền đất hứa, “Đất làm chơi ăn thiệt” với một hy vọng cháy bổng để tự do làm chủ mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Hồi đó đất Minh Diệu còn hoang vu, xưa nữa thì rừng tràm U Minh Hạ kéo dài tận đây. Năm 1904 mà người đời gọi là “năm Thìn bão lụt”, trận bão khủng khiếp đã quét sạch cánh rừng tràm U Minh Hạ xuống tận Cà Mau để lại nơi đây một vùng đất cẩm thủy, phèn xì lên vàng oánh. Gia đình ông Tư Ngộ đã đào những cây tràm cụt lên mà che chòi để cắm dùi khẩn hoang trên một vùng đất rừng chồi lúp xúp và đầy sậy, lác, cỏ năn… xanh rì. Bao nhiêu mồ hôi đổ xuống, họ đã khai khẩn hơn 100 công đất. Họ cấy những giống lúa mùa muộn tuy năng suất thấp nhưng được cái là xứ này cá mắm nhiều vô số kể… Nên gia đình ông Tư Ngộ dần dần khá lên, nhà có hơn 10 con trâu phục vụ việc cày cấy. Đất là đất của mình, trời là trời của ta, với sức vóc tráng kiện, hồn nhiên vui tính, ông Tư Ngộ lao động hết mình. Gia đình cứ thế mà ấm no, thịnh vượng.

Và cho đến khi Pháp tái chiếm Nam Kỳ, tái chiếm tỉnh Bạc Liêu. Pháp thiết lập chính quyền ban hành nhiều chính sách điền địa ủng hộ giới địa chủ. Một hôm, gia đình ông Tư Ngộ được hương chức hội tề và tầng khạo vào thông báo rằng đất họ làm trên địa bộ của nhà nước, là đất của ông hội đồng Trần Trinh Trạch (ông lớn Trạch, cha Công tử Bạc Liêu). Gia đình ông Tư Ngộ từ người chủ trở thành kiếp tá điền làm ruộng hằng năm phải nộp lúa ruộng cho chủ đất. Họ cướp đất có được từ mồ hôi, nước mắt của gia đình ông Tư Ngộ một cách dã tâm như thế!

Đến thập kỷ 30 của thế kỷ XX, Đảng Cộng sản ra đời, chính quyền cách mạng ở Bạc Liêu được thành lập. Mục đích của họ là đánh Tây, giành chính quyền, giành độc lập dân tộc và giành đất cho dân cày. Mục đích ấy đáp ứng được nỗi khát vọng của gia đình ông Tư Ngộ và đại đa số nông dân đang trong kiếp tá điền. Thế là ông Tư Ngộ cùng gia đình mình ủng hộ cách mạng, đi theo kháng chiến đánh Tây, đuổi Nhật bằng những đóng góp thiết thực, như góp công, góp của cho phong trào kháng chiến. Chính quyền kháng chiến ngày một lớn mạnh, tổ chức đời sống kháng chiến như những lớp học “bình dân học vụ”, tổ chức chợ kháng chiến ở Vĩnh Hưng, đó là cái chợ không có “nói thách”. Gia đình ông Tư Ngộ hòa mình vào đời sống kháng chiến một cách hồ hởi, đêm đêm họ đốt lá dừa nước sáng rực để già trẻ, gái trai đi học văn hóa. Đến năm 1945, cách mạng giành chính quyền rồi ban hành chính sách ruộng đất, tịch thu đất địa chủ cấp cho dân nghèo. Từ đó không phải chỉ có gia đình ông Tư mà đại đa số nông dân xã Châu Thới và tỉnh Bạc Liêu, cả miền Nam đất đai được “hồi cố chủ”, được về tay nông dân. Cách mạng đã đáp ứng khát vọng lớn nhất của đời nông dân là “người cày có ruộng”. Mục tiêu, lý tưởng của cách mạng cũng là mục tiêu, lý tưởng của đời nông dân. Công cuộc cách mạng ấy là của Đảng Cộng sản, của Bác Hồ.

Phan Trung Nghĩa

(còn tiếp)

(tiếp theo số báo 3951)

Thế rồi đất nước bị chia cắt hai miền. Những anh, những chú từng cấp đất chia sẻ đói lạnh với ông Tư Ngộ và người dân Châu Thới đi tập kết ra Bắc. Ông Tư Ngộ và bà con cảm thấy hụt hẫng, bơ vơ. Và rồi đế quốc Mỹ nhảy vào hất cẳng thực dân Pháp, thôn tính miền Nam. Họ dựng lên bộ máy có tên gọi là Việt Nam Cộng Hòa đệ nhất, rồi đệ nhị. Tổng thống Ngô Đình Diệm rồi đến Nguyễn Văn Thiệu…

Lý tưởng của họ đi ngược lại mục tiêu, lý tưởng của cách mạng, ngược lại lợi ích của nông dân và gia đình ông Tư Ngộ. Với chiến lược “Bình định nông thôn trong vòng 18 tháng”, “Việt Nam hóa chiến tranh”…, mạng lưới chính quyền và đồn bót của Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngày càng mở rộng, khắp các hang cùng ngõ hẻm của nông thôn. Những người như ông Tư Ngộ được kháng chiến trả lại và cấp đất cho họ thì giờ chính quyền Sài Gòn vào yêu cầu đóng lúa ruộng như lúc trước cách mạng và thối tô - tức là trả lại cho họ số lúa ruộng mà trong 9 năm kháng Pháp nông dân không đóng. Họ muốn xóa bỏ thành quả cách mạng, xóa đi tình cảm của nông dân với kháng chiến, với Bác Hồ. Họ tước đoạt miếng cơm, manh áo trên tay người nông dân.

Và không chỉ có thế, chính quyền Diệm còn lê máy chém khắp nơi truy bức những người kháng chiến cũ. Đêm đêm, người ta nghe trong khu Vinh Điền, khu trù mật tiếng khóc than, oán hận vì chính quyền Sài Gòn tra khảo, đánh đập dã man những người mà chúng tình nghi là cộng sản.

Đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, Trung ương Đảng có chủ trương đấu tranh vũ trang. Ông Tư Ngộ và đại đa số nông dân miền Nam đón nhận chủ trương này như nắng hạn gặp mưa rào. Nhân dân miền Nam hồn nhiên, hồ hởi đi theo cách mạng như hồi 9 năm đánh Pháp. Cách mạng về, xây dựng lực lượng và tổ chức các khu căn cứ để chuẩn bị kháng chiến lâu dài cho công cuộc đánh Mỹ.

Nhà ông Tư Ngộ được chọn làm cơ sở cách mạng. Ông biết như thế là rất nguy hiểm, có thể đánh đổi mạng sống của gia đình. Nhưng một lòng một dạ kiên trung theo Đảng, ông đã hồn nhiên chấp nhận. Từ năm 1960 cho đến kết thúc cuộc chiến tranh đánh Mỹ, ông cùng với ông Sáu Vàng (Bí thư Chi bộ ấp) vận động con cháu, cùng với vợ chồng mình đào rất nhiều hầm bí mật để nuôi giấu, chở che cán bộ cách mạng. Chỉ trong nhà ông đã có 3 hầm, nếu cộng xung quanh vườn nhà ông có đến hơn 10 hầm. Đó là nơi “chém vè” của nhiều thế hệ lãnh đạo Huyện ủy Vĩnh Lợi, Tỉnh ủy Bạc Liêu. Những Bí thư Huyện ủy được ông chở che cưu mang như ông Năm Hiển, ông Ba Hiếu, cũng như một số cán bộ lãnh đạo của xã Minh Diệu, xã Châu Thới…

Người chị thứ tư của Quân, tức con ông Tư Ngộ, kể mới mười mấy tuổi chị đã đi đổ nò, giăng lưới, cắm câu… Kiếm cá, tép rồi nấu cơm và mang vào hầm bí mật cho các anh, các chú. Chị không ý thức rằng làm những việc ấy là ủng hộ cách mạng, chỉ thấy cha mẹ, anh em làm là chị làm, giống như cái nếp sống của gia đình, nó phải như thế.

Trong những năm nuôi giấu cán bộ, không dừng lại việc đào hầm, nuôi cơm mà mỗi khi cán bộ, chiến sĩ đi đánh trận hy sinh, ông Tư Ngộ đứng ra lo chôn cất anh em. Thậm chí khi mua quan tài không được, ông đã lấy ván ngựa rất quý của nhà mình ra để làm áo quan cho chiến sĩ. Ông vừa tẩm liệm anh em vừa khóc như mưa, rồi thường lẩm bẩm: “Tội nghiệp các em các cháu xa nhà, xa quê, vì nước quên thân đến khi nhắm mắt lìa trần không có mặt cha mẹ, vợ con bên cạnh”. Có những trận bị giặc bao dí, đơn vị rút hết, chỉ còn lại tử sĩ, ông Tư Ngộ đã chống xuồng đi chở 3 - 4 anh em hy sinh ngoài đồng đem về chôn cất. Gia đình ông đã che chở, chăm sóc cho hơn 40 thương binh nặng, nằm rải rác trong các hầm bí mật ở nhà và vườn ông. Lúc đó giặc đóng đồn khắp nơi, quân y huyện và tỉnh không có thuốc men điều trị cho thương bệnh binh, ông Tư Ngộ chèo xuồng ra chợ Bạc Liêu rồi vận động ông Tư Đậu, bác sĩ Hưởng, những người có cảm tình với cách mạng để mua thuốc Tây, thiết bị y tế, rồi “xăm mình” trở về căn cứ Châu Thới để kịp cứu mạng du kích, bộ đội và phục vụ kháng chiến. Vận chuyển như thế mà bọn giặc phát hiện thì ông bị xử bắn là cái chắc.

Những người viết sử sau này rồi sẽ lấy làm ngạc nhiên, ông Tư Ngộ thật ra không đứng chân trong một tổ chức nào của Đảng, của cách mạng, ông chỉ là một nông dân bình thường như trăm ngàn nông dân miền Nam đang quằn quại đau thương. Thế mà tinh thần, ý chí việc làm của ông cứ lạc quan như người cách mạng. Người Châu Thới còn nhớ như in những năm 1969 - 1972, Huyện ủy Vĩnh Lợi giao cho Hội Phụ nữ huyện làm nòng cốt thành lập đoàn biểu tình kéo ra tiểu khu Bạc Liêu để chống đàn áp, bắt lính, bắt giết bừa bãi của quân lực Việt Nam cộng hòa thì ông Tư Ngộ tham gia vận động bà con xóm làng và con cháu mình tham gia đoàn biểu tình. Có những cuộc biểu tình chính quyền Sài Gòn ra lệnh đàn áp dã man, dùng súng bắn xối xả làm cho chị Nguyễn Thị Út trúng đạn hy sinh.

Trong lúc giặc bố ráp, lùng sục khắp ấp Bà Chăng B thì ông Tư Ngộ cho anh xây cái bồ lúa trong nhà để ví mỗi năm hơn 500 giạ lúa làm quỹ phục vụ kháng chiến.

Nhà văn Phan Trung Nghĩa

(còn tiếp)

(tiếp theo số báo 3952)

Tháng 9/1972, chỉ huy Trung đoàn D10 - đơn vị chủ lực của Miền về bàn với ông Tư Ngộ rằng: Tin tình báo cho biết là ngày N, 2 tiểu đoàn chủ lực của tiểu khu Bạc Liêu sẽ tiến vào càn quét khu căn cứ Châu Thới. Đơn vị D10 có ý định chọn nhà ông làm sở chỉ huy để tổ chức chiến đấu chống càn.

Không phải chỉ có ông Tư Ngộ mà ai cũng hiểu rằng như thế là biến ngôi nhà xây dựng mấy chục năm của mình thành một địa điểm tập trung hỏa lực của quân lực Việt Nam cộng hòa. Đó là một cuộc thi gan của máu và mồ hôi, nước mắt. Không biết sức mạnh nào tích tụ trong một ông già nông dân lam lũ, tính tình phóng khoáng và tốt bụng với xóm giềng mà ông Tư Ngộ lại hồn nhiên, hăng hái chấp thuận. Chẳng những thế, sau khi đưa vợ con đi lánh nạn ở nơi an toàn thì ông cùng với cán bộ chiến sĩ D10 cưa tràm cổ thụ vườn nhà để làm hầm chỉ huy của trận chống càn. Tràm không đủ dùng, ông đã cho cưa cột nhà, dò cộ (phương tiện vận chuyển mạ, lúa, dùng trâu kéo của gia đình) để làm hầm chỉ huy. Và ông cho lấy luôn 2 bộ ngựa gõ mà ông cưng như ngọc như ngà của mình ra để làm nắp hầm.

Những người sống ở Bà Chăng B thời ấy đều không thể quên, 7 giờ sáng ngày N của tháng 9 năm ấy. Lúc ấy lúa ngoài đồng đã xanh rì. Đây là cuộc càn quét cấp chiến lược với quân số trung đoàn, có máy bay quần thảo yểm trợ và xe lội nước M113 cùng với bộ binh của quân lực Việt Nam cộng hòa ủng hộ tiến vào cái làng quê dân dã và thơ mộng mà chúng thừa biết đó là những căn cứ Huyện ủy Vĩnh Lợi và của cơ quan của tỉnh. Và giặc đã càn quét vào đúng ngay địa điểm và kế hoạch mai phục của đơn vị D10.

Và một trận chiến đấu vô cùng ác liệt với đầy đủ ý nghĩa của từ này diễn ra. Giặc hùng hổ bao nhiêu, bắn phá ác liệt bao nhiêu thì chúng được đáp trả như thế, bởi khắp nơi đã có bộ đội ta mai phục chờ sẵn. Cuộc chiến kết thúc vì giặc tháo chạy. Dân Châu Thới miêu tả rằng, thây giặc nằm khắp đồng, chúng kéo thây làm sập lúa một đường rất dài, ngang cả tầm đất, cái đường kéo thây đầy máu. Đơn vị D10 cũng lập tức rút quân vì sợ địch phản công. Ông Tư Ngộ từ hầm tránh đạn, từ trong một trận chiến ác liệt đi ra. Ông bình thản thả tầm mắt nhìn cái khung cảnh đổ nát, tan hoang vì đạn bom của căn nhà, mảnh ruộng, thửa vườn mình. Người ta không biết ông nghĩ gì mà đôi mắt ông bình thản nhấp nháy vui, một niềm vui của người nông dân cày xong thửa ruộng.

Đó là tấc lòng, là đỉnh cao của sự hồn nhiên hy sinh vì nước chăng? Sau đó người ta thấy ông lấy xuồng chống lên đồng mà tìm anh em tử sĩ hy sinh của đơn vị D10. Ông lục lạo trong cánh đồng lúa xanh um và tìm được 4 chiến sĩ D10, rồi chở về nhà, để lo hậu sự. Lúc này người ta mới thấy đôi mắt ông đỏ hoe.

Ông Tư Ngộ không chỉ đến với cách mạng bằng công sức, của cải mà còn đóng góp cả những núm ruột của mình. Em ruột của ông trở thành anh hùng lực lượng vũ trang (Ngô Trung Trực), hai con trai ông là liệt sĩ Ngô Văn Kiệm, hy sinh năm 1970 và liệt sĩ Ngô Văn Út, hy sinh năm 1968; hai cháu ngoại là liệt sĩ Lê Hồng Sương, hy sinh năm 1962 và liệt sĩ Lê Hoàng Dũng, hy sinh năm 1972... Để rồi vợ ông là bà Nguyễn Thị Kiều trở thành Bà mẹ Việt Nam anh hùng, con gái ông cũng là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Vỹ, trước làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Minh Hải).

Minh họa: V.T

Gia đình ông Tư Ngộ về vùng Châu Thới khẩn hoang rất sớm, có thể gọi là những người khai minh ở xứ này. Vợ chồng ông lại là những người nông dân thật thà, lam lũ. Gia đình ông có đến hơn 100 công ruộng, hơn 10 con trâu, nhà ông có đôi ba bộ ngựa gõ dày cả tấc… Gia sản này nếu biết bảo toàn để chỉ sống cho mình, thì cuộc đời của gia đình ông sẽ không lo đói khổ. Từ năm 1971 - 1975, chính quyền Sài Gòn thực hiện quốc sách ấp chiến lược gom dân trong vòng 18 tháng họ thành lập các ấp Tân Sinh ở trục lộ 4, các chi khu, tiểu khu rồi phát tôn, phát gạo và các phương tiện giải trí như “Radio ấp chiến lược”… Đài tâm lý chiến ra rả ngày đêm, cán bộ bình định, mặc áo đen đi đến từng xóm làng rao giảng, dụ dỗ dân di dời nhà đến những nơi họ kiểm soát. Nhằm bứng dân ra khỏi vùng căn cứ, tiêu diệt nguồn lực của cách mạng.

Mặt khác, chính quyền Sài Gòn cho đóng đồn dày đặc, để bao ví, kiểm soát hoạt động cách mạng cũng như ngăn chặn đóng góp của nông dân cho cách mạng. Từ năm 1960 - 1973, họ bố trí các đồn Bình Thới, đồn Vĩnh Hưng, đồn Bàu Sen, đồn Xã Vinh… Các đồn này bao vây toàn bộ Châu Thới và Bà Chăng B. Thế nhưng một điều lạ lùng là hoạt động nuôi chứa cách mạng của Nhân dân Châu Thới, Bà Chăng B và gia đình ông Tư Ngộ dường như không có gì thay đổi. Vợ con ông vẫn đi đặt nò bắt cá, rồi nấu cơm mang đến từng hầm cho cán bộ, vẫn còn đó những đôi mắt tinh tường cảnh giới để chở che cho những mầm sống của Đảng, của cách mạng.

Dụ dỗ bằng lời không được thì Mỹ ngụy áp dụng đạn bom, càn quét buộc dân Châu Thới phải rời bỏ quê hương của mình. Đêm đêm thì trực thăng, máy bay, cá lẹp soi đèn sáng rực tới con kiến bò còn nhìn thấy, đại liên trên máy bay bắn một phút hàng ngàn viên đạn, cứ thế chúng xả xuống làng quê Châu Thới nghe như bò rống. Chiều chiều thì đầm già (máy bay L19) lượn lờ thả đôi mắt cú vọ chỉ điểm cho pháo binh bắn và nó phóng pháo vào nhà dân. Người Châu Thới không thể quên được vào một ngày của năm 1963, giặc tiến quân nhiều mũi từ Bạc Liêu, cầu Sập vào… rồi bắt, giết cả một xóm. Ba ngày sau, dân trong ấp chạy giặc về thì mùi của người chết, của trâu, heo… dậy lên khắp xóm, người ta đếm được đến hơn 100 thây người, trong đó chỉ có 3 anh em du kích xã hy sinh.

(tiếp theo số báo 3953)

Nhớ một ngày giặc càn của năm... Trên trời thì máy bay bắn xuống, dưới đất thì bộ binh dày đặc bắn giết không gớm tay. Chúng càn vào nhà ông Tư Ngộ, một viên đạn đại liên từ máy bay bắn trúng lưng của đứa cháu nội ông. Thằng bé mới 3 - 4 tuổi, nó bụ bẫm và suốt ngày cứ lẽo đẽo theo ông bà nội. Nó chết trên tay bà nội, máu me đầm đìa.

Trong nỗi đau đớn tột cùng này, bà Nguyễn Thị Kiều - vợ ông Tư Ngộ vẫn không quên một tấc lòng của dân Châu Thới với cách mạng. Một tên giặc đang lùng sục nhà bà Kiều vì chúng thừa biết nhà bà có hầm bí mật. Thực tế là hôm ấy có 3 anh em du kích xã đang “ém” trên bồ lúa của bà, nơi rất dễ phát hiện. Thế là nén niềm đau, bà Kiều giằng xé không cho giặc lên bồ lúa với lý do phải bồi thường vì bắn chết người vô tội. Sự quyết liệt dữ dội của bà được trỗi lên từ niềm đau mất cháu nội, đã làm cho giặc khiếp sợ, chúng bỏ đi và các chiến sĩ cách mạng được cứu.

Cũng ít đó không lâu, giặc càn vào và phát hiện trong thềm đìa vườn ông Tư Ngộ có một cái hầm bí mật (hầm cá trê). Chúng ném lựu đạn vào rồi bắt ông Tư Ngộ phải lặn xuống đìa để lôi 3 tử sĩ là du kích xã Châu Thới lên. Ông kéo lên bờ 3 anh em du kích đã chết. Tên chỉ huy hỏi: “Thằng nào là cháu ngoại của ông? Nó là chỉ huy du kích Châu Thới”. Ông nhìn đứa cháu ngoại của mình đang nằm trên thềm đìa, nó trắng trẻo, rất đẹp trai mà cũng vô cùng dũng cảm, giờ nó đã bỏ vợ chồng ông mà đi. Ông rớt nước mắt vào tim rồi trả lời: “Không có!”.

Thế đấy, cuộc chiến này đã đưa ông Tư Ngộ và gia đình ông cùng với Nhân dân Châu Thới vào cái vòng đời tàn khốc như thế. Lúc đó cả Châu Thới, cả Bà Chăng B biến thành cái chảo lửa, cái túi của chiến tranh. Tiếng khóc than dậy khắp làng quê vì súng đạn của bọn lính càn quét, vì pháo bắn vào, vì máy bay từ trên trời rải bom xuống có những gia đình chết hết vì pháo, vì bom bắn trúng nắp hầm.

Vậy mà người ta thấy gia đình ông Tư Ngộ và nhiều người Châu Thới vẫn kiên gan bám trụ, quyết giữ nhà cửa, ruộng vườn, hồn nhiên nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Họ không chọn một cuộc sống cho riêng mình mà đó là một cuộc đời gắn với đại nghĩa. Họ vẫn hồn nhiên tiếp sức cho cách mạng trong một đời sống mà cái chết luôn cận kề. Còn nhớ năm 1968, ta tổng tấn công Mậu Thân. Ông Tư Ngộ và vợ đã bàn nhau ủng hộ cách mạng 300 giạ lúa và chiếc ghe lườn 6 tấn, nó là tài sản quý giá của gia đình ông.

Biết được tiếng tăm gan lì của ông, một bữa Thiếu tá Mã Thành Nghĩa - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 411 của tiểu khu Bạc Liêu dẫn quân vào ghé nhà ông. Nó nhìn ông bằng đôi mắt vằn đỏ, đó là đôi mắt của kẻ ác, say máu người, nghe nói cách đó không lâu nó đã mổ mật mấy đứa trẻ giữ trâu 7 - 8 tuổi ở Vĩnh Hưng vì chúng không chỉ căn cứ Mỹ Trinh cho chúng. Mã Thành Nghĩa là sĩ quan ác ôn của chính quyền Sài Gòn bởi những hành động giết người, hãm hiếp phụ nữ ở các vùng giải phóng. Nghĩa nhìn ông Tư Ngộ từ đầu đến chân rồi bảo: “Sao ông còn ở đây hoài vậy “ông già lựu đạn”, sao không ra ấp chiến lược mà ở đây tiếp tế cho Cộng sản hoài vậy? Ông biết tôi là ai không?”. Dân Bạc Liêu có ai còn lạ gì Mã Thành Nghĩa, thế nhưng ông Tư Ngộ giả đò không biết. Rồi bảo: “Không biết! Nghe nói thằng đó nó ác ôn lắm, nó giết trẻ con, hãm hiếp phụ nữ”. Mặt Thiếu tá Nghĩa đỏ phừng phừng, mắt nó sộc lên như máu rồi rút súng ra, dí vào đầu ông Tư Ngộ. Sau một phút chần chừ nó hạ súng xuống rồi bảo: “Bữa nay tôi ăn chay, nếu không cái đầu ông sẽ có mấy lổ rồi. Tôi không muốn thấy mặt ông ở xứ này nữa”.

Từ đó cái biệt danh “Ông già lựu đạn” được dân Bà Chăng B gọi ông thay cho cái tên Tư Ngộ, với ý chí gan lì và mạnh như thứ vũ khí này. Và biệt danh ấy cứ dần dần nổi tiếng.

Bằng mọi cách không “bứng” được ông và gia đình đi khỏi Bà Chăng B, giặc dùng đến hạ kế. Đầu năm 1969, chúng vào bắt ông Tư Ngộ rồi đưa ra giam ở nhà tù Sóc Trăng 1 năm. Ở đó, ông Tư Ngộ được nếm đủ mọi thứ tra tấn cực hình. Từ chích điện, đến cho “đi máy bay” (trói hai tay ra sau lưng rồi treo ngược lên trần nhà)… Để buộc ông thừa nhận nhà ông là cơ sở nuôi giấu cách mạng và chỉ ra hầm bí mật. Thế nhưng, ông Tư Ngộ vẫn tỏ ra cứng cỏi như tảng đá. Không làm được gì, chính quyền Sài Gòn buộc phải thả ông trong sự cay cú.

Thường thì khi bị những cú sốc trong đời như thế có người trở nên “sọc dưa”, có người “nổi da gà” rồi tìm đường lánh nạn, còn ông Tư Ngộ thì ra tù về nhà, về quê điềm nhiên mà sống. Vẫn là cái nếp sống cũ cứ tự nhiên lặp lại như ngàn năm phải thế. Ông vẫn đi cày, vẫn nuôi giấu cán bộ, vẫn làm những việc có ích cho cách mạng, cho đời.

Sau chiến tranh, đặc biệt là từ khi ông Tư Ngộ qua đời, cuộc đời nhìn ông lạ lắm, rất nhiều suy nghĩ. Ông Tư Ngộ là ai nhỉ? Ông không ở trong bất cứ một biên chế nào của cách mạng mà hoạt động của ông, của đời ông lại gắn liền với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của cách mạng. Rồi ông chỉ là một ông già nông dân chân chất, hiền lành, lam lũ nhưng một lòng một dạ đi theo cách mạng. Việc làm của ông, tinh thần, tình cảm của ông là đại biểu cho khí phách của người nông dân Nam Bộ thành đồng. Ông là “Ông già lựu đạn”, gan góc một tấc không đi, một ly không rời, quyết bám trụ để che chở, nuôi dưỡng những ngọn lửa của cách mạng. Và trên tất cả, ông là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ông là danh nhân của làng Bà Chăng B và xã Châu Thới anh hùng. Trong con người nông dân hiền lành lại có một khí phách anh hùng, đó là khí phách Việt Nam.

Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.