Lưu giữ, tiếp nối văn hóa Khmer từ “cái nôi” gia đình

Thứ Tư, 03/07/2024 | 15:51

Không chỉ là điểm tựa tinh thần vững chắc của mỗi người, nơi nuôi dưỡng hạnh phúc mà nhiều gia đình Khmer còn là “cái nôi” để lưu giữ và tiếp nối văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ môi trường gia đình đã góp phần giúp những nét văn hóa lâu đời, độc đáo của đồng bào Khmer được bảo tồn, phát huy giá trị qua nhiều thế hệ.

Vợ chồng chị Na Uy - anh Danh Suộl (bìa trái) trong chuyến biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào Khmer.

GÌN GIỮ CHO ĐỜI SAU

Dù cuộc sống hiện đại đã thay đổi phần nào một số phong tục, tập quán của đồng bào Khmer nhưng những nét đẹp của lễ hội văn hóa vẫn được gìn giữ dưới những mái nhà ở phum sóc. Đơn cử như gia đình bà Thạch Thị Niêm (ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) là một trong những gia đình còn làm bánh truyền thống vào các dịp lễ, tết.

Đến nhà bà Niêm vào dịp giáp tết Chôl-chnăm-thmây năm 2024, gian bếp gia đình luôn đỏ lửa để làm các loại bánh như: bánh gừng, bánh ớt, bánh tét. Ở đó, bà Niêm dạy con gái và đứa cháu 10 tuổi cách nặn, chiên chiếc bánh gừng sao cho đẹp mắt, không bị dai. Bà làm nhiều loại bánh vì một phần để dành cho con cháu ở xa về thưởng thức, phần còn lại bán cho mọi người trong xóm. Năm nay đã 70 tuổi, từng nhiều lần có ý định nghỉ làm bánh vì sức khỏe yếu, nhưng vì muốn giữ cảnh gia đình quây quần, bảo tồn hương vị tết xưa nên bà vẫn duy trì. Bà Niêm chia sẻ: “Ngày tết hay các dịp lễ mà không làm bánh thì tôi thấy trong nhà như thiếu không khí vui tươi, đầm ấm. Vì vậy, dù lớn tuổi nhưng tôi vẫn cố gắng giữ nghề để truyền dạy, vun đắp niềm tự hào về văn hóa dân tộc cho con cháu”.

Có cùng đam mê và hoạt động chung đơn vị, nhiều ca sĩ, diễn viên tại Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu đã nên vợ chồng, trong đó phải kể đến vợ chồng chị Sơn Thị Na Uy và anh Danh Suộl. Chị Na Uy sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật Khmer, với cha là nhạc công và mẹ là diễn viên dù kê. Hiện, chị Na Uy là diễn viên, biên đạo múa cho các các chương trình nghệ thuật Khmer, còn anh Suộl là ca sĩ. Với tình yêu mãnh liệt dành cho nghệ thuật, anh chị thường dạy cho con những điệu múa, ca khúc về phum sóc.

Bà Thạch Thị Niêm dạy con, cháu lành bánh gừng để giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Ảnh: H.T

TẠO SỨC LAN TỎA TRONG CỘNG ĐỒNG

Bảo tồn văn hóa dân tộc Khmer trong gia đình là một cách làm hay, hiệu quả trong tình hình hiện nay khi nhiều nét văn hóa truyền thống đang tiềm ẩn nguy cơ mai một. Đồng thời, làm tốt việc này còn góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng gia đình hạnh phúc, khu dân cư văn hóa. Chính vì vậy, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở xã có đông đồng bào Khmer sinh sống cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa từ gia đình; kịp thời tuyên dương những gia đình tiêu biểu trong duy trì, phát triển văn hóa Khmer để làm gương cho cộng đồng noi theo.

Bên cạnh đó là tổ chức các hội thi về văn nghệ, làm bánh dân gian, trình diễn trang phục truyền thống… dành cho gia đình nhằm tạo sân chơi để các thành viên thêm gắn kết, bày tỏ tình cảm yêu thương, biết quý trọng các giá trị văn hóa của dân tộc. Từ đó, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng để nhà nhà, người người chung tay giữ gìn văn hóa Khmer.

Chuyện về gia đình bà Niêm, vợ chồng chị Na Uy đã chứng minh gia đình chính là “cái nôi” ấm áp nhất để những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer được nuôi dưỡng, thăng hoa và trường tồn trước những thách thức của đời sống hiện đại. Ngược lại, chính những nét đẹp văn hóa của cha ông là “chất keo” để kết nối, xây đắp hạnh phúc cho nhiều gia đình ở phum sóc.

HỮU THỌ - THANH MAI

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.