Văn chương​ bồi dưỡng tâm hồn cho lớp trẻ

Thứ Tư, 03/07/2024 | 15:47

“Văn học là nhân học” (M. Gorki), trong nhiều chức năng khác nhau, học văn trước hết là học cách làm người! Riêng đối với giới trẻ, văn học không chỉ giúp các bạn hoàn thiện, phát triển về mặt ngôn ngữ, trí tuệ mà còn bồi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách và khơi gợi những giá trị đạo đức tốt đẹp trong lứa tuổi này.

Buổi giao lưu giữa các nhà văn, nhà thơ thuộc Hội Văn học Việt Nam với sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu.

Hiểu giá trị của văn chương

Một lần về Bạc Liêu nói chuyện văn chương với anh chị em hội viên các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ rằng: “Con đường sáng tạo văn chương không bao giờ ra khỏi con đường chính là chủ nghĩa nhân văn cao cả. Văn chương biến sự kiện trong đời sống, trên đường phố thành sự kiện bên trong tâm hồn, sự kiện mang tính mỹ học, gieo vào hồn chúng ta bởi những cái đẹp”. Phân tích giá trị tự thân của văn chương, nhà thơ mong muốn Bạc Liêu và các tỉnh, thành cần có động thái, giải pháp để kích thích tình yêu văn chương trong độc giả, đặc biệt là giới trẻ. Bởi như trên đã nói, khơi gợi những giá trị đạo đức tốt đẹp là điều mà văn chương làm được, mà điều này thì luôn cần cho tuổi trẻ!

Cũng trong chuyến đi này, các nhà văn, nhà thơ đã trực tiếp gặp gỡ những sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu. Được dịp tiếp xúc với các cây bút nổi tiếng như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Trần Đăng Khoa..., các bạn trẻ đã thể hiện sự hâm mộ và phấn khích! Thế nhưng, cũng tiếc thay khi có quá ít câu hỏi trong buổi giao lưu với các vị khách mời văn chương đặc biệt này. Ngoài những bài thơ thời trẻ nhỏ của nhà thơ Trần Đăng Khoa mà gần như ai cũng thuộc nằm lòng, thì chưa có những câu hỏi đề cập đến những tác phẩm văn học nổi tiếng khác, trong khi những nhà văn, nhà thơ này đã có không ít tác phẩm văn học đương đại với nhiều giải thưởng lớn!

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định rằng: “Văn chương luôn mở ra con đường, thắp lên một tia sáng trong bóng tối. Văn chương mang lại cho con người niềm hy vọng, sự cảm thông”. Chỉ bấy nhiêu, văn chương đủ trở thành nguồn năng lượng sống đặc biệt cho tuổi trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước, lớp người đầy hoài bão khi bước chân về phía trước. Cho nên, các trường học khi dạy các em, nhất là ở môn Ngữ văn, cần làm cho học sinh hiểu được giá trị của văn chương. Đó không chỉ là những bài vở, tác phẩm học để “trả bài”, để hoàn thành những bài kiểm tra, đề thi, mà phải thấy được giá trị phía sau những áng văn thơ mà khi chấp bút, người viết đã gieo mỹ cảm vào đó để hướng người đọc đến sống đẹp, sống nhân văn.

Cần khuyến khích cho trẻ nhỏ tình yêu sách, thích đọc sách để hun đúc tình yêu văn chương ở các em. Ảnh: C.T

Yêu cái đẹp để sống đẹp

Phân tích những giá trị trên để thấy được những nét đẹp tiềm ẩn làm nên sức mạnh mềm của văn chương. Tìm đến, yêu văn chương cũng chính là cách để các bạn trẻ sống đẹp, sống tử tế hơn lên. Nhưng làm cách nào để giới trẻ, học sinh yêu thích môn văn lại là một chuyện khác. Những bài văn chữ nghĩa nguệch ngoạc, đọc không ra, viết chiếu lệ, những đề kiểm tra, bài thi thiên về văn chương mà các em trình bày kiểu... gạch đầu dòng từng ý thì coi như... hỏng!

Từng là người trực tiếp quản lý và giảng dạy môn Ngữ văn, cũng là hội viên Chi hội Văn học (Liên hiệp các Hội VH-NT Bạc Liêu), ông Đỗ Tấn Lực - nguyên giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bạc Liêu, cho rằng: “Mục tiêu quan trọng nhất của môn Ngữ văn trong nhà trường là phát triển năng lực văn ở học sinh, đó là kỹ năng và năng lực tư duy qua môn học. Dạy văn trước hết là dạy kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ, trong đó đọc và viết là quan trọng nhất. Phát triển năng lực văn chương cũng là phát triển năng lực người, tức vấn đề về giá trị, vấn đề làm người”. Từ đó, theo ông Lực, một trong những giải pháp là tổ chức các cuộc thi bình văn, thơ, các tác phẩm trong nhà trường để kích thích hứng thú học văn, góp phần khắc phục tình trạng chán học môn Ngữ văn ở học sinh. Có thể nghiên cứu tham mưu để các cơ quan như Liên hiệp các Hội VH-NT phối hợp với Báo Bạc Liêu và ngành Giáo dục xuất bản phụ chương “Văn học và nhà trường” chẳng hạn, để tạo sân chơi bổ ích làm cho đời sống văn học tỉnh nhà thêm phong phú, lành mạnh, đem lại giá trị nhân văn trong môi trường giáo dục.

Văn học không phải là toán học để đưa ra công thức giảng dạy, mà nó tùy vào cách tiếp nhận, năng lượng sống của mỗi người khi tiếp cận với văn chương. Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa thì “học văn tự học là hay nhất, mà trước hết, cần phải xây dựng văn hóa đọc”. Có ý kiến cho rằng, giới trẻ bây giờ đang “lạnh lòng” với văn chương. Câu này chính xác hơn khi nói “một bộ phận giới trẻ” thôi, bởi thỉnh thoảng, chúng ta phải thán phục khi đọc những bài văn, đoạn thơ của các bạn trẻ trên mạng xã hội, những bài thi về văn chương đọc mà “nổi gai óc” vì sự cảm thụ văn chương quá sâu sắc của các em khi tuổi còn rất trẻ!

Nếu có sự “lạnh lòng” đó, thì nhiệm vụ của người lớn, của thầy cô là thắp lên ngọn lửa yêu mến văn chương ở lớp trẻ, ngay từ khi các em còn nhỏ. Cha mẹ và thầy cô cần tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với văn học một cách thường xuyên và hiệu quả để trẻ có thể phát triển toàn diện. Đó cũng là cách làm thiết thực, từ xa, từ sớm để “xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, nhìn từ vai trò của văn chương.

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.