Tùy bút - Tản văn

Bến sông

Thứ Sáu, 03/01/2014 | 19:21

Bạn bè Hà kể, Hà là đứa hiền hậu, dễ thương mà cũng là đứa lấy chồng sớm nhất trong nhóm ngũ long của lớp 12B2 ngày trước. Nhà Hà nghèo, không có điều kiện để đi học xa. Má Hà đã nhiều tuổi lại thường hay bệnh trong ngôi nhà chỉ có hai mẹ con, nên chính Hà đã không nghe lời má, quyết định thôi học. Những tưởng sẽ đỡ đần cho má ít nhiều trong việc mưu sinh, thật ra, thôi học Hà chưa làm được gì hơn là giúp má việc bếp núc và trông nom việc mua bán hàng ngày.

Hai năm sau Hà lập gia đình, theo chồng, người cùng quê. Tiếng là lấy chồng gần mà bơi xuồng cả tiếng đồng hồ mới tới. Má Hà trở lại hình ảnh neo đơn từ cái thời chưa có Hà trên đời. Có điều, bây giờ bà già hơn, cô đơn hơn, khó khăn hơn trong cảnh bà trót mang lấy vào đời.

Má Hà ngày trước chèo ghe đến những vùng quê, theo kinh rạch ngoằn ngoèo dẫn vào xóm nhỏ để bán hàng nông sản trên sông. Bà dừng lại trên bến sông này từ ngày bất chợt biết mình đã trót mang nặng kỷ niệm tình yêu trong người. Đứa con đó sau này bà đặt tên Hà để nhớ về những dòng sông cuộc đời mình đã từng ngược xuôi, cơ cực.

Bà Năm đã không về lại quê xưa lần nào từ dạo đó. Bà không dám về, dẫu nơi đó thấp thỏm trong lòng bà những khi trời chuyển mùa, lập đông chuẩn bị đón mừng năm mới. Những buổi chiều chạnh lòng, đau đáu về một vuông trời thơ cũ. Ngày mùng một, ngày rằm, những ngày lễ tết, theo những người trong xóm, bà cũng lập bàn thờ ông Thiên trước sân căn chòi lá nhỏ. Bình bông nho nhỏ, dĩa trái cây èo uột quê nghèo, một lư hương, bà thắp nhang khấn vái. Lần đầu, bà không biết vái như thế nào cho phải. Nhưng lần nào thắp nhang, bà cũng quay về hướng quê mình lạy thêm ba lạy, cho phía trước và những gì còn lại trong cuộc đời mình mà từ lâu rồi bà không còn biết đến nữa.


Bến sông - nơi một thời dừng chân trở thành thân thuộc gắn bó cuộc đời mình. Từ đó, vẫn là những món hàng nông sản quen thuộc ấy, khi nhà đã thành xóm, gần và nhiều hơn, má Hà luộc, nướng khoai, bắp, đậu phộng, và róc những khúc mía vỏ màu vàng bên cạnh những loại bí, dưa, đường, đậu, thuốc hút và những công cụ làm nông cho người trong xóm. Đó là trọn cuộc mưu sinh của bà. Dần dà, cái chòi lá nho nhỏ thành căn nhà nửa trên bờ, nửa dưới sông, thành tiệm tạp hóa nhỏ, đắt hàng.

* * *

Người ta nói, bến sông bên lở, bên bồi. Vậy mà hầu như hai mươi năm nay, không biết bên kia sông bến có được bồi không, chớ trên bến sông này bà Năm chỉ thấy bực sông ngày càng lở nhiều hơn. Ngày trước, tức là gần hai mươi năm đó, lần đầu tiên bà ghé bến sông này để bán hàng nông sản chở từ miệt Hậu Giang về. Lúc đó, xóm còn thưa thớt, nhưng bởi gần ngã ba sông nên người tới lui, qua lại cũng thường.

Gia đình bà ở vùng trên cũng sống nghề mua bán hàng nông sản trên sông, cũng neo đơn, nghèo khó. Bà thân gái dặm trường, một mình, một ghe, mùa nào thức ấy, khi thì dưa leo, khi thì bí bầu, khi thì khoai mì, khoai lang… chèo xa xa một chút để bán được mau mắn, nhiều hàng. Trong nhiều năm chèo ghe bán hàng như vậy, trong trăm ngàn bến bờ bà ghé lại, nơi bán chậm, nơi bán nhanh, nơi vui, chốn buồn nhưng chỉ có bến sông này là nơi bà không ngờ là bến sông định mệnh cuộc đời bà.

Đôi khi bà nghĩ, có lẽ, người ta chắc cũng có cái mà người đời thường gọi là số phận nào đó đã định sẵn cho mình. Trong gần hai mươi năm bà Năm nghĩ đến điều đó, nếu không, cớ gì bà đã dừng lại trên bến sông này để cuối cùng không rời đi được nữa. Ngày đó, dòng sông hẹp hơn bây giờ nhiều lắm. Hai bên bờ là những cụm dừa nước bịt khù, xa xa mới có một khoảng trống, là đường lên bờ của nhà hoặc khoảnh đất của ai đó. Thôn xóm yên bình và lặng lẽ. Trong ngày, nghe tiếng chim kêu bầy, tiếng nước róc rách chảy qua bập dừa nước khi con nước lớn ròng nhiều hơn nghe được tiếng người. Gẫm lại, cũng là một bến sông buồn.

Bà Năm vui với cảnh đời buồn khổ do chính mình quyết định. Căn chòi nho nhỏ trên bến sông, nơi chiếc ghe chở hàng nông sản của bà thường ghé, làm một bến hẹn bao năm chờ một người về. Người đó không về, chỉ một giọt máu còn ở lại, giờ đây đã bắt đầu ngược xuôi trên đường đời với bao nhiêu buồn vui, trắc trở. Căn chòi nhỏ tạm bợ bằng những loại cây rừng và lá dừa nước ven sông không biết bao nhiêu lần sửa sang, cất lại nó vẫn nho nhỏ và lạnh lùng. Bà ước nguyện sau cùng, mong dòng sông nhỏ của bà - con Hà, đời nó sau này sẽ dừng lại ở một bến sông vui vầy, hạnh phúc hơn, không phải như bà.

* * *

Tiếng xuồng máy còn xa đã nghe thấy tiếng người. Bà Năm cố gắng bước xuống giường, ra phía sau nhà, vén tấm bạt lên nghe ngóng. Trên xuồng máy là một người quen trong xóm với gia đình bên chồng Hà chở cá ra chợ bán. Thấy bà Năm, người ngồi trước mũi xuồng lập lại câu trước đó mà người đó biết chắc là bà nghe chưa rõ. - Con Hà nó sanh rồi, đêm hôm qua, con trai, ba ký bảy… sẵn cho bà Năm hay - Bà Năm chưa kịp cám ơn, chiếc xuồng máy đã vượt qua căn chòi nhỏ, ra tới ngã ba sông.

Bà Năm lụi cụi trở vào, mấy hôm nay trời trở lạnh, đau khớp, đi đứng khó khăn. Bà loay hoay, không biết lấy món gì, mua món gì để đi thăm con trước khi suy nghĩ bà có bơi xuồng cả tiếng đồng hồ vô thăm nó nổi hay không. Nhưng bà biết chắc, đây là niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời mình mà bà từng mong mỏi. Hạnh phúc chính là những điều dung dị, đủ sức làm ấm áp tâm hồn đã từ lâu tưởng chừng hoang vắng…

Bạc Liêu, tháng giêng, hai ngàn mười bốn

Tạp văn: Trần Xuân Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.