Tùy bút - Tản văn

Ông Chín đờn cò

Thứ Sáu, 20/12/2013 | 17:18

Căn nhà nhỏ, điểm sinh hoạt văn hóa của xã cách nhà tôi vài công đất, vài ba đêm lại thấy thành viên trong nhóm đờn ca tài tử cà rịch cà tang ngang qua nhà tôi đến nơi sinh hoạt. Trong đó, bác Tư là người lớn tuổi nhất, thi thoảng ghé lại nhà tôi. Bác Tư nhấm nháp ly trà và đôi khi kể vài kỷ niệm với ông ngoại tôi. Những câu chuyện cũ về ông ngoại tôi gắn với chuyện đờn ca xướng hát ngày xưa với bác Tư, khiến mẹ tôi vui, chợt làm sống lại kỷ niệm tưởng đã chìm trong ký ức.

Bác Tư kêu ngoại tôi bằng bác - bác Chín đờn cò - là bạn đờn ca ngày xưa với ông ngoại tôi. Sanh tiền, bà ngoại tôi thường kể chuyện thuở mới quen nhau, ông ngoại tôi từng lén nhà đi học đờn, học ca khi rỗi rảnh chuyện ruộng đồng. Ngoại tôi mê đờn ca đến đỗi lặn lội cấy thuê, gặt mướn để dành tiền mua cho bằng được cây đờn cho riêng mình. Người ngoại tôi gửi tiền mua giùm cây đờn ngoài chợ, là ông chủ ghe hàng tạp hóa thường ghé bến nhà tôi, lại cũng là tay đờn kìm có hạng. Ngày ông chủ ghe hàng mang đờn về thì tặng luôn cho ngoại tôi làm kỷ niệm. Ông nói - Dân mộ điệu, có bạn đờn là thêm vui, chứ tiền tài như phấn thổ. Ngay chiều hôm đó, trước mũi ghe hàng, bên mâm trà, ông chủ ghe hàng thủ cây đờn kìm, ngoại tôi cây đờn cò đờn bên nhau đến khi trời sập tối giữa sóng nước bềnh bồng thấp thỏm tiếng song loan.

Ai đời - là cách nói của bà ngoại tôi - Phải chi ổng học đờn kìm, đờn tranh hay là đờn bầu gì cũng cam, dè đâu ổng học đờn cò! Lúc đờn ca trong đám tiệc, hay tụ hội bạn bè không nói chi. Ở nhà, lúc buồn, ổng mang đờn ra kéo, một mình ổng, cứ ò e! ò e!... nghe rợn sống lưng, cứ như nhà có đám!...

Cái lý đó của bà ngoại, chắc ông ngoại tôi đã có lần nghe, nên khi lớn lên, ít khi thấy ông ngoại tôi kéo đờn cò một mình trong nhà. Tiếng đờn cò nghe buồn dữ thiệt. Tay trái ngoại giữ dọc nhị và bấm dây đờn bằng lòng ngón tay. Tay phải kéo cung vĩ đẩy đưa, hòa hợp nhịp nhàng để âm vang reo lên từ ống nhị, một đầu bịch da rắn ngân lên giai điệu da diết, u hoài. Không chỉ đồng điệu của cung vĩ với dây đờn, nó còn là tiếng lòng của người cầm cung vĩ. Ngân lên cùng tiếng đờn, cung vĩ rưng rưng, dọc đờn rưng rưng, người đờn rưng rưng theo cung bậc bổng trầm… Có lẽ do ngoại tôi chơi đờn cò, hay như có người nói vì ông ngoại tôi ốm như… cây đờn cò mà cái biệt danh ông Chín đờn cò có từ đó đến bây giờ.


Tôi cảm nhận nỗi buồn từ âm thanh bổng trầm da diết của cây đờn cò thôi chứ không biết bản đờn nào, cái hay của nó ra sao khi hòa điệu cùng với những cây đờn khác trong buổi đờn ca. Chắc vì tránh kéo đờn trong nhà, nghe buồn như cách nói của bà ngoại tôi nên có buổi chiều tôi thấy ông ngoại ngồi kéo đờn một mình trên thảm rễ của hàng dừa cạnh ao vườn. Đó cũng là lần tôi nghe ngoại kéo đờn lâu nhất. Vời vợi nỗi buồn, là khi nhìn từ lưng ông, lưng khòm trong bộ bà ba trăng trắng, ánh mắt chơi vơi trên mặt nước ao vườn. Tiếng đờn như đang trôi trên mặt nước, tiếng đờn vực dậy, làm gợn sóng tự chốn xa xăm từ trong tâm khảm…

Cây đờn cũ kỹ treo trên vách cạnh bàn thờ, cũng là nơi ông ngoại tôi lúc còn sống vẫn thường treo, nay trở thành kỷ vật và có lẽ cũng là kỷ vật duy nhất của ngoại tôi còn lại kể từ khi ông qua đời. Mỗi khi có ai săm soi cây đờn, là bà ngoại tôi lúc còn sống, và mẹ tôi bây giờ đã nói trước - Của ổng đó à!... Ý muốn mọi người cẩn thận, bởi lúc còn sống, cây đờn cò là bảo vật của ngoại tôi. Hôm bác Tư ghé nhà muốn mượn cây đờn của ngoại tôi để chuẩn bị cho đợt thi đờn ca nào đó, chần chừ lâu lắm mẹ tôi mới bằng lòng, trước khi thêm một câu - Anh Tư thì được! sợ người ngoài không biết, làm hư của cha tôi, tiếc lắm!...

Cây đờn cò của ngoại tôi, muốn kéo đờn thì phải sửa sang, chỉn chu lại mới dùng được bởi đờn treo trên vách đã lâu rồi, không dùng đến. Bác Tư cố nài chẳng qua vì nó là kỷ niệm của ngoại tôi, nó đã có mặt không nhớ bao nhiêu lần trên chiếu đờn, trong các đám tiệc trong xóm từ bao nhiêu năm trước. Ngoại tôi mất, nhưng cây đờn cò với bác Tư vốn biết mặt nhau đã từ lâu lắm.

*

Mấy đêm nhóm đờn ca tài tử tập ở nhà sinh hoạt văn hóa xã, mẹ tôi và tôi đêm nào cũng đi xem. Muốn nghe tiếng đờn do bác Tư đờn từ cây đờn cò của ngoại. Không biết trong nghề, ngoại tôi xưa đờn hay như thế nào mà bác Tư vẫn khiêm tốn nói rằng, tiếng đờn của bác không êm như tiếng đờn xưa của ngoại. Mẹ tôi và tôi đều không hiểu nhiều nghệ thuật đờn ca, nhưng rất thích nghe, từ thuở nhỏ. Điều hơn hết là qua tiếng đờn cò, nhớ hình ảnh ngoại xưa, nhớ tiếng đờn ngày nào của ngoại còn lẩn khuất đâu đó trong bề bộn đời thường tự dưng luống những ngậm ngùi.

Tôi nhận ra tiếng đờn cò hay hơn khi hòa vào những tiếng đờn khác trong ban đờn ca tài tử. Nó dìu dặt, du dương, u hoài nhưng không buồn, không ai oán như lời của bà ngoại xưa vẫn nói. Có lẽ, đó chính là điều tôi chưa được biết. Khi cùng với ban nhạc, với tập thể, với mọi người thì giai điệu mới thật sự bước lên nấc cao của sự hòa quyện thanh tao, hài hòa mà lắng sâu, trĩu nặng lòng người…

Bạc Liêu, tháng mười hai, hai ngàn mười ba

Tạp văn: Trần Xuân Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.