Mùa mưa bão: Người dân cần chủ động phòng, chống thiên tai

Thứ Tư, 08/05/2024 | 16:32

Những cơn mưa đầu mùa xuất hiện đã giúp cho nền nhiệt tại một số khu vực trong tỉnh bớt nóng bức. Tuy nhiên, đi cùng với đó là tình trạng dông lốc, sấm sét cũng rất nguy hiểm nên người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Dây điện được chống đỡ tạm bằng cây gỗ đơn sơ rất dễ đổ ngã khi có mưa to, gió lớn gây nguy hiểm khôn lường.

Canh cánh nỗi lo mùa mưa bão

Năm nào cũng vậy, bước vào mùa mưa là thường xuất hiện các trận dông lốc, mưa bão làm sập nhà cửa, cây cối, ngập úng cục bộ ở nhiều nơi, gây thiệt hại về người, tài sản và hoạt động sản xuất - kinh doanh. Ông Đào Văn Lê (xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân) bày tỏ: “Mưa xuống thì thời tiết bớt nóng bức, ngột ngạt, nhưng mấy trận mưa đầu mùa vừa qua sấm chớp, dông gió quá khiến nhiều người lo lắng sẽ xuất hiện tình trạng dông lốc, sét đánh làm ảnh hưởng đến nhà cửa, vườn tược và sinh kế làm ăn”.

Cũng theo nhiều bà con chia sẻ, nỗi lo tai nạn mưa đầu mùa không chỉ đến từ bầu trời mà còn dưới mặt đất khi mà tại nhiều nơi, để có điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất, bà con thường kéo điện truyền tải đi rất xa. Phần nhiều những trụ điện tạm này chỉ được làm bằng cây gỗ địa phương, theo thời gian cũng đã hư hỏng, mục chân, nếu không sớm được thay thế thì trong điều kiện thời tiết mưa to, gió lớn sẽ dễ bị ngã đổ, rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở đất tại các tuyến kênh, nhất là những cụm dân cư nằm dọc theo hạ và thượng nguồn các cống ngăn mặn chạy dọc Quốc lộ 1A cũng canh cánh nỗi lo sạt lở nhà cửa.

Chị Nguyễn Thị Minh Lang (TX. Giá Rai) không giấu được vẻ lo lắng: “Dù chính quyền địa phương đã cho khảo sát, nắm tình hình sạt lở và cho cắm các biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao nhưng làm sao biết chính xác khi nào thì sạt lở và sạt lở ở đâu. Do vậy, những hộ có nhà ven sông như chúng tôi luôn sống trong lo âu”.

Qua thống kê cho thấy, nhiều năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện hơn 10 loại thiên tai với các cấp độ rủi ro khác nhau, như: áp thấp nhiệt đới, lốc và sét, hạn hán và xâm nhập mặn, ngập lụt, sạt lở đất, nước dâng do triều cường, gió mạnh trên biển… Chỉ tính riêng năm 2023, các loại hình thiên tai đã gây thiệt hại cho tỉnh hơn 10 tỷ đồng.

Khi trời chuyển mưa, nông dân không nên tiếp tục làm đồng mà cần tìm nơi tránh trú an toàn. Ảnh: C.L

Chủ động phòng, chống

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, mùa mưa chính thức bắt đầu từ giữa tháng 5/2024. Tuy nhiên, lượng mưa còn ít, chưa đều, chỉ rải rác vài nơi. Trong khoảng thời gian đầu mùa mưa, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như: dông lốc, sấm sét. Dự báo mưa đầu mùa sẽ kéo dài đến hết tháng 5 và đầu tháng 6. Từ giữa tháng 6/2024, mưa bắt đầu tăng về diện và lượng. Do vậy, những ngày tới, tình hình thời tiết trong tỉnh sẽ phổ biến là những ngày có mưa dông, xen kẽ với những ngày không mưa và nắng nóng. Đặc biệt, các cơn mưa kèm dông lốc, sấm sét tiếp tục xuất hiện nhiều vào buổi chiều và tối.

Trước những diễn biến phức tạp của hiện tượng thời tiết cực đoan, Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đề nghị các sở, ngành liên quan và các địa phương phối hợp truyền phát các thông tin cảnh báo diễn biến khí tượng, thủy văn, bão, áp thấp nhiệt đới và thời tiết nguy hiểm để các cấp, ngành và người dân chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời. Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và người dân kiểm tra, chằng chéo, gia cố nhà cửa, công trình kết cấu hạ tầng; tổ chức cắt tỉa cành cây đề phòng lốc và gió mạnh; hỗ trợ, hướng dẫn người dân chằng chéo nhà an toàn, phòng ngừa tốc mái, xiêu vẹo khi có mưa lớn, dông lốc...

Đối với hiện tượng sấm sét, mỗi người dân cũng cần trang bị các kiến thức để phòng tránh tai nạn, đảm bảo an toàn cho bản thân. Ông Lai Thanh Ẩn - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, khuyến cáo: “Hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: dông lốc, sấm sét... thường xuất hiện vào đầu mùa mưa. Dấu hiệu nhận biết khi sắp có dông lốc, sấm sét là những đám mây xám đen lớn xuất hiện trên bầu trời, chân mây hạ thấp, người dân cần lưu ý để đề phòng. Khi có dông lốc, sấm sét nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt. Không nên dùng điện thoại và rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có dông, sấm sét để đảm bảo an toàn... Trường hợp khi đang ở giữa đồng trống, người dân cần hạ thấp người; ngồi chụm 2 chân sát nhau tạo thành một điểm duy nhất tiếp xúc với mặt đất; tránh xa những nơi có nước, các vật bằng kim loại như: cuốc, liềm, máy nông cụ, xe đạp, xe máy để tránh sét đánh trúng...”.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.