Tín dụng “đen”: Dễ dàng cho vay, mạnh tay đòi nợ

Thứ Hai, 06/04/2020 | 18:11

Thủ tục đơn giản, không cần thế chấp, có tiền trong ngày… là những lời mời chào ngọt ngào của bên cho vay đưa ra để dẫn dụ “con mồi”. Khi người vay tiền chịu không nổi lãi suất ngất ngưởng dẫn đến chậm trả, hoặc mất khả năng trả, bên cho vay “khủng bố” đòi nợ, từ nhắn tin, gọi điện liên tục, đến tạt nước sơn, hăm dọa… Đó là kiểu “dễ dàng cho vay, mạnh tay đòi nợ” của tội phạm “tín dụng đen” hoành hành trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Nhà của một hộ dân ở ấp Cái Dày, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi bị tạt xăng, nước sơn để đòi nợ vào mùng 2 Tết Canh Tý. Ảnh: N.Q

SA BẪY VAY TIỀN QUA APP

Một viên chức ở TP. Bạc Liêu đang điêu đứng vì sa bẫy vay tiền qua app (ứng dụng trên điện thoại di động). Vốn trước đây người này đứng ra vay dùm người quen mấy chục triệu đồng, mỗi tháng phải trả lãi khoảng 5 triệu rưỡi cho chủ nợ ở phường 7. Bên nhờ vay tiền không đưa tiền trả lãi và gốc nhiều tháng liền, để mặc bên lãnh nợ xoay sở tiền bạc khắp nơi. Đến một lúc không còn biết mượn tiền ai để đóng lãi hàng tháng, viên chức nọ phải cậy đến dịch vụ cho vay qua app.

Lúc đầu, viên chức này vay 1 triệu đồng, chỉ cần chụp ảnh giấy chứng minh nhân dân và tải ứng dụng về điện thoại là vài tiếng đồng hồ sau, tiền vay được chuyển vào tài khoản tín dụng. Quả thật, thủ tục nhanh gọn, song người vay chỉ nhận được 700 ngàn đồng, bởi bên vay đã trừ phí và lấy trước tiền lãi, tổng cộng 300 ngàn đồng. Thời gian phải trả tiền vay cũng chỉ được một, hai hôm. Đến hạn trả nợ, nhân viên của công ty cho vay lại giới thiệu với người vay một ứng dụng mượn tiền khác, với số tiền được vay cao hơn, 1,5 triệu đồng. Cũng tương tự lần trước, tiền phí và tiền lãi bị trừ thẳng vào tiền vay, nên thực tế viên chức này chỉ nhận được 1 triệu đồng.

Cứ như thế, viên chức trên lần lượt lún sâu vào nợ vay qua mạng và đến nay đã trải qua 7 ứng dụng cho vay trực tuyến, đó là Lendbox, Vivu, SaigonCash, MoVay, Cho bạn tiền, Lala và VIP VAY. Đứng sau các ứng dụng này chỉ là một công ty cho vay tiêu dùng. Từ số tiền vay ban đầu 1 triệu đồng, đến nay số nợ vọt lên hơn 15 triệu đồng. Có những lần vay chậm trả so với thời hạn thanh toán chỉ vài giờ, bên vay lập tức nhắn tin nội dung thô tục, hàm ý đe dọa: “nhanh nha. Dm m dung gion mat”, “deo nha” (chửi tục),…

ĐÒI NỢ KIỂU “XÃ HỘI ĐEN”

Người mà viên chức nêu trên lãnh nợ dùm cũng vay tiền qua app. Khi con nợ chậm trả, chúng tung ra những chiêu đòi nợ đậm chất “xã hội đen”, thậm chí những người quen biết của con nợ cũng bị liên lụy. Chúng nhắn tin lên Facebook của người quen bên vay tiền “thông báo” bạn của bạn đang thiếu công ty một khoản tiền. Việc này diễn ra nhiều lần, với nhiều người và ngoài Facebook, chúng còn gửi tin nhắn đến tài khoản Zalo, tin nhắn SMS.

Không chịu nổi áp lực mà bên cho vay gây ra, đã có trường hợp phải đi khỏi nơi cư trú. Người dân kể đôi vợ chồng công nhân nhà máy may ở huyện Vĩnh Lợi, chỉ vì món nợ chưa đến chục triệu đồng mà phải đóng cửa nhà, bỏ đi tỉnh khác mưu sinh. Cũng tại huyện này, một gia đình ở ấp Cái Dày, thị trấn Châu Hưng bị chủ nợ tạt nước sơn, xăng ngay mùng 2 Tết Canh Tý 2020. Theo UBND thị trấn Châu Hưng, chiều mùng 1 Tết, chị Đ. đã nhận tin nhắn hăm dọa vụ việc nêu trên. Trước đó, chị Đ. - người cho vay tiền góp ở địa phương có vay bạc nóng của nhiều người, lên tới hơn 3 tỷ đồng để về cho người khác vay lại. Cuối năm 2019, chị không còn khả năng thanh toán nên liên tục có nhiều tin nhắn đe dọa tính mạng, khủng bố tinh thần gửi đến. Công an tỉnh nhận định vụ việc có dấu hiệu của tội phạm “tín dụng đen” và giao Công an huyện Vĩnh Lợi điều tra.

Quảng cáo cho vay tiền theo kiểu “tín dụng đen” xuất hiện tràn lan ở các khu dân cư.

HOÀNH HÀNH KHẮP TỈNH

Có thể khẳng định, hành vi cho vay nặng lãi theo kiểu “tín dụng đen” hoành hành khắp tỉnh chỉ mới vài năm trở lại đây. Riêng cuối tháng 2/2020, người dân các phường nội ô TP. Bạc Liêu lại thấy nhiều tờ rơi “Cho mượn tiền mặt” vương vãi trên mặt đường. Tờ rơi có nội dung: “Giải ngân trong ngày; thủ tục đơn giản; chỉ cần chúng minh, hộ khẩu; có thể mượn từ 2 đến 50tr đồng; giới thiệu khách sẽ có tiền cà phê; LH: 0915.874…”. Còn người dân huyện Hòa Bình kể lại một sáng thức dậy, bà con thấy dọc Quốc lộ 1A, đoạn qua ấp Thị Trấn A và ấp Thị Trấn A1 “trắng xóa” tờ rơi “Cho vay tiền không cần thế chấp”. Sau khi tiếp nhận tin báo của người dân, chính quyền thị trấn đã cho lực lượng đi thu gom các tờ rơi này.

Công an thị trấn Hòa Bình thừa nhận có hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn, song công tác đấu tranh gặp khó khăn. Người dân vay tiền thì không báo chính quyền, đến khi trả không nổi, bị “khủng bố” mới đi trình báo. Cuối năm 2019, Công an thị trấn đã mời làm việc 2 đối tượng mới bắt đầu cho vay nặng lãi. Đơn vị xử lý hành chính 1 người, còn 1 trường hợp chuyển lên Công an huyện.

Ban Chỉ huy Công an thị trấn Hòa Bình cho biết: “Các đối tượng cho vay tiền lãi suất cao thường len lỏi, hóng chuyện ở các quán nước, nơi tập trung đông người để nắm người thật sự cần vay tiền. Khi xác định được “con mồi”, chúng sẽ tiếp cận gần, gọi điện xác nhận một lần nữa để xem người muốn vay tiền có đi cùng ai hay không. Thấy an toàn, chúng mới ra mặt gặp khách hàng, giao dịch”.

Những người cho vay tiền đa phần đều đến từ các tỉnh phía Bắc, Tây nguyên và tuổi đời trên dưới 30, xăm trổ đầy người. Như trường hợp 2 đối tượng có hành vi cho vay nặng lãi theo kiểu “tín dụng đen” bị phát hiện tại huyện Vĩnh Lợi đầu tháng 1/2019, là Vũ Hoàng Phúc (sinh năm 1999) và Vũ Trấn Hưng (sinh năm 1993) đều quê tỉnh Thái Bình. Hai đối tượng này bắt đầu hoạt động “tín dụng đen” tại Bạc Liêu từ tháng 10/2018. Chúng cho vay từ 20 triệu đồng trở xuống, có khi lãi suất đến 300%, vay 5 triệu đồng phải trả 15 triệu đồng.

Theo Công an tỉnh, hoạt động cho vay kiểu “tín dụng đen” gần đây có giảm so với năm 2019. Chúng cho vay với lãi suất gần tới mức theo quy định để lách luật. Hiện nổi lên hiện tượng vay tiền qua app. Khi cài ứng dụng vay tiền vào điện thoại thì mặc định nó sẽ sao chép toàn bộ danh bạ điện thoại. Khi người vay chậm trả hay không liên lạc được, bên công ty cho vay sẽ gọi cho những số điện thoại có trong danh bạ, theo thứ tự người thân, đồng nghiệp, bạn bè của khách hàng. Các công ty tài chính thường nhắm đến người nghèo khó để lôi kéo, cho vay tiền, và “né” quy định lãi suất bằng cách trừ thẳng phí và các khoản khác vào tiền cho vay. Từ năm 2019 đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh đã triệt phá 29 vụ cho vay kiểu “tín dụng đen”, củng cố hồ sơ tất cả các vụ và chuyển về công an cấp huyện xử lý.

“Tín dụng đen” đã khiến nhiều người, nhiều hộ dân lâm vào cảnh khốn cùng, phải trốn khỏi nơi cư trú. Thủ tục vay đơn giản, giải ngân nhanh chóng đã trở thành cái bẫy tài chính tín dụng đối với người cần tiền gấp, không tài sản thế chấp. Năm 2019, UBND tỉnh đã có kế hoạch thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xử lý tình trạng cho vay lãi nặng. Thực hiện quyết liệt kế hoạch, các cấp, các ngành trong tỉnh đã từng bước làm dừng, làm giảm hoạt động cho vay theo kiểu “tín dụng đen”. Để đẩy lùi hơn nữa, tiến tới triệt xóa hoàn toàn các hình thức cho vay lãi nặng thiết nghĩ cần các giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn, kể cả chỉnh sửa các văn bản pháp luật.

NGUYỄN QUỐC

Mức phạt chưa đủ sức răn đe

Theo Đại tá Dương Tứ Phương, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh, mức xử phạt hành vi cho vay với lãi suất cao theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 là cải tạo không giam giữ tối đa 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm là chưa đủ sức răn đe. Bộ luật Hình sự quy định, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị coi là phạm tội cho vay lãi nặng.

Trung tá Phan Thành Được, Phó trưởng Công an TP. Bạc Liêu: Có người hiểu luật đứng sau đối tượng cho vay lãi nặng

“Tín dụng đen” xuất hiện trên địa bàn TP. Bạc Liêu khoảng 3 năm trở lại đây. Đối tượng cho vay đến từ các tỉnh, thành phố miền Bắc, hoạt động với nhiều hình thức, lập các công ty núp bóng cũng có.

Trong năm 2019, Công an thành phố đã rà soát, mời, gọi hỏi, lập hồ sơ trên 50 đối tượng. Qua đó, tiến hành xác minh nhưng chưa đủ căn cứ xử lý hành vi theo quy định của pháp luật. Về người vay tiền, thời gian qua có khoảng 40 - 50 người, đa phần là người dân nghèo, được vay tối đa 10 triệu đồng. Người vay tiền chưa hợp tác tốt với cơ quan điều tra để xử lý hành vi cho vay lãi nặng.

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP. Bạc Liêu và kế hoạch của Công an tỉnh, căn cứ tình hình địa phương, Ban chỉ huy Công an thành phố chỉ đạo các đội nghiệp vụ, công an các phường, xã rà soát các cơ sở kinh doanh có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”, kiểm tra, xử lý triệt để. Đồng thời, các lực lượng tuần tra tiến hành bóc gỡ những quảng cáo cho vay lãi nặng. Nội dung quảng cáo không rõ ràng, đầy đủ thông tin nên người dân không hiểu hết, dễ vướng vào vay lãi nặng. Đây là mặt công tác phải thực hiện quyết liệt, lâu dài và triệt để. Từ đó, tình hình cơ bản tạm ổn.

Những đối tượng cho vay lãi nặng thường có người đứng đằng sau hỗ trợ, đó là người có hiểu biết pháp luật và có nhiều tiền. Cho nên, đối tượng cho vay biết một số kẽ hở của quy định pháp luật để lợi dụng. Theo Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ, việc cho vay thế chấp bằng giấy tờ có giá trị có lãi suất vượt mức quy định thì bị xử phạt hành chính về cho vay lãi nặng. Còn bọn chúng cho vay tín chấp, chỉ cần cung cấp bản sao chứng minh nhân dân, hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô, xe máy. Chúng tôi đang kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh Nghị định 167 để xử lý hành vi cho vay lãi nặng.

M.Q (lược ghi)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.