Giảm nghèo - Việc làm

TP. Bạc Liêu: Chăm lo toàn diện, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Thứ Hai, 11/12/2023 | 16:25

Hỗ trợ xây nhà ở, dạy nghề và giới thiệu việc làm, cho vay vốn... là những hoạt động thiết thực chăm lo đời sống cho người nghèo luôn được các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội TP. Bạc Liêu quan tâm thực hiện. Qua đó đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, đảm bảo tốt công tác an sinh xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Khai giảng lớp kỹ thuật nuôi tôm sú quảng canh cải tiến cho nông dân xã Vĩnh Trạch Đông.

Dạy nghề, học nghề để giảm nghèo bền vững

Theo Phòng LĐ-TB&XH thành phố, đào tạo nghề, giải quyết việc làm là giải pháp căn bản để tạo sinh kế bền vững cho hộ nghèo, cận nghèo và các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là “chìa khóa” để các địa phương thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho bà con. Với phương châm “dạy những cái nông dân cần”, thời gian qua, Phòng LĐ-TB&XH TP. Bạc Liêu đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành các văn bản thể chế hóa các chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hướng vào đối tượng người lao động tại chỗ, các lớp dạy nghề được bà con tích cực tham gia và phát huy hiệu quả.

Hơn hết, để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả và sát với thực tiễn ở các địa phương, Phòng LĐ-TB&XH thành phố đã phối hợp với UBND các xã tổ chức điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề; nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ. Công tác điều tra được thực hiện từ các xã, phường, khóm, ấp tới từng hộ gia đình trên cơ sở nhu cầu thực tiễn của người dân trước khi tiến hành mở lớp đào tạo.

Năm 2023, với nguồn vốn được phân bổ từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới là 1,6 tỷ đồng (năm 2022 chuyển sang 300 triệu đồng), thành phố đã mở được 20 lớp đào tạo nghề nuôi vịt, gà, nấu ăn, nuôi tôm… cho lao động nông thôn tại các xã Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông và Hiệp Thành.

Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2023, thành phố cũng đã mở được 16 lớp đào tạo nghề chăn nuôi vịt, cua, nấu ăn, trồng màu… cho lao động nông thôn 3 xã: Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông và Hiệp Thành, với tổng nguồn vốn gần 1,6 tỷ đồng (năm 2022 chuyển sang gần 500 triệu đồng).

Thông qua các lớp đào tạo nghề đã nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn của lao động, góp phần tạo thêm nhiều việc làm với mức thu nhập ổn định cho người lao động. Người lao động đã đổi mới cách làm ăn, mở rộng sản xuất - kinh doanh hoặc tìm được việc làm mới có thu nhập cao hơn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Hỗ trợ con giống cho các học viên xã Vĩnh Trạch sau khi đào tạo nghề.

Hiện thực hóa giấc mơ an cư

Cùng với đào tạo nghề thì công tác hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, đặc biệt là những trường hợp thuộc diện gia đình chính sách cũng được các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn TP. Bạc Liêu quyết liệt thực hiện. Từng căn nhà kiên cố được hình thành không chỉ giúp người nghèo an cư, mà còn là điểm tựa vững vàng để họ vươn lên trong cuộc sống.

Trước đây, vợ chồng chị Sơn Thị Đèo (ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông) rất chí thú làm ăn, cuộc sống tuy không khá giả nhưng cũng không quá khó khăn. Thế nhưng tai ương lại ập đến, chồng chị mắc bệnh ngặt nghèo và đã mất vào năm 2021 - sau một thời gian chữa trị, để lại chị một mình gồng gánh nuôi 2 con còn nhỏ dại trong căn nhà lá cũ nát có thể sập bất cứ lúc nào. Thương cho hoàn cảnh mẹ con chị Đèo, xã Vĩnh Trạch Đông đã hỗ trợ cất căn nhà kiên cố. “Giờ có căn nhà vững chắc trú ngụ, tôi đã không còn thấp thỏm lo âu, an tâm đi làm kiếm tiền chăm lo cho các con”, chị Đèo chia sẻ.         

Còn với gia đình bà Nguyễn Thị De (ấp Giồng Giữa, xã Hiệp Thành), căn nhà vừa hoàn thành cách đây hơn 4 tháng không chỉ đơn giản là chỗ ở, mà còn có giá trị tinh thần rất lớn. Không đất sản xuất, bà sống cùng người con gái và 4 cháu nhỏ, trong đó có một cháu bị khuyết tật bẩm sinh. Căn nhà trú ngụ đã xuống cấp trầm trọng, nền sụt lún, ẩm thấp, mỗi khi mưa lớn thì nước tràn vào nhà khiến mọi sinh hoạt đều khó khăn. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của bà De, Hội LHPN TP. Bạc Liêu đã vận động Công ty Điện lực Bạc Liêu hỗ trợ căn nhà tình thương trị giá 50 triệu đồng, giúp mấy bà cháu có được căn nhà khang trang. “Có được căn nhà mới như một giấc mơ mà tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến. Tất cả đều là nhờ các cấp ủy đảng, chính quyền, Hội Phụ nữ và mạnh thường quân đã giúp đỡ gia đình tôi”, bà De xúc động nói.

Bàn giao nhà tình thương cho hộ nghèo xã Vĩnh Trạch. Ảnh: T.Q

Với mục tiêu giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở cải thiện điều kiện sống, ngoài nguồn vốn của Trung ương và tỉnh, hằng năm UBND thành phố còn chỉ đạo cho các ban, ngành, đoàn thể, các phường, xã tranh thủ vận động nhiều nguồn lực để xây cất mới nhà tình thương. Tính riêng trong năm 2023, thành phố triển khai hỗ trợ xây dựng mới 116 căn nhà cho hộ gặp khó khăn về nhà ở (mỗi căn trị giá 50 triệu đồng). Trong đó, 14 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, 102 căn nhà tình thương cho hộ nghèo, cận nghèo và gia đình thanh niên tại ngũ. Ngoài ra, các phường, xã cũng tự thân vận động được 49 căn nhà tình thương cho người nghèo.

Việc xây cất nhà tình thương luôn được rà soát, xem xét kỹ để giúp đúng người, đúng đối tượng. Thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chung tay hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ khó khăn về nhà ở, để người dân trên địa bàn không phải sống trong những ngôi nhà tạm, xuống cấp.

Có thể thấy, sự đầu tư, hỗ trợ bằng vật chất của các cấp, các ngành và toàn xã hội chính là điểm tựa, đòn bẩy để những người nghèo có đủ năng lực, đủ điều kiện thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, để không bị bỏ lại phía sau thì bản thân người nghèo cũng phải nêu cao ý thức tự lực tự cường vươn lên để thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, sự hỗ trợ, giúp đỡ của xã hội.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.