Giáo dục - Học Đường

Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, năm học 2023 - 2024: Ươm mầm tài năng khoa học trong tương lai

Thứ Tư, 24/01/2024 | 15:46

Sở GD-ĐT vừa tổ chức thành công Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật (KH-KT) cấp tỉnh học sinh trung học, năm học 2023 - 2024. Cuộc thi được tổ chức 2 năm/lần với mục đích khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu KH-KT; vận dụng kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống. Đồng thời, gắn hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh với việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, góp phần phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Đặc biệt, với những hoạt động thiết thực, hiệu quả, cuộc thi còn góp phần ươm mầm tài năng khoa học trong tương lai.

Ban tổ chức trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt 3 giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, năm học 2023 - 2024. Ảnh: C.K

Quan tâm giáo dục STEM

STEM là phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng trong thực tiễn. Một trong những nội dung, hình thức tổ chức giáo dục STEM chính là tổ chức hoạt động nghiên cứu KH-KT theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Theo đó, từ năm 2012, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Cuộc thi KH-KT học sinh trung học. Ngành Giáo dục Bạc Liêu cũng đã bắt đầu tổ chức cuộc thi từ năm học 2014 - 2015.

Tại cuộc thi trong năm học 2023 - 2024 này, có 85 dự án của 150 tác giả, nhóm tác giả là học sinh trung học đến từ 26 đơn vị. Trong đó, cấp THCS có 35 dự án, cấp THPT có 50 dự án. So với cuộc thi lần trước tăng 2 dự án và 17 tác giả, nhóm tác giả.

Các dự án dự thi thuộc những lĩnh vực: khoa học xã hội hành vi; hóa sinh; y sinh và khoa học sức khỏe; hóa học; khoa học trái đất và môi trường; hệ thống nhúng; năng lượng; vật lý, kỹ thuật cơ khí; kỹ thuật môi trường; rô-bốt và máy thông minh; phần mềm hệ thống. Các dự án được chấm qua 2 vòng, gồm vòng 1: Ban giám khảo chấm điểm dựa trên hồ sơ nghiên cứu; vòng 2: chấm sản phẩm, dự án thực tế từ sự trình bày trực tiếp của tác giả, nhóm tác giả và trả lời những câu hỏi của Ban giám khảo.

Ông Dương Hồng Tân - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi KH-KT cấp tỉnh học sinh trung học, năm học 2023 - 2024, cho biết: “Cuộc thi này là sân chơi bổ ích, là cơ hội để học sinh giới thiệu kết quả nghiên cứu KH-KT của mình. Qua đó thể hiện khả năng nghiên cứu, giao tiếp, thuyết trình… góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, gắn việc học đi đôi với hành. Việc khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu KH-KT, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề thực tiễn của cuộc sống không những phát triển năng lực học sinh mà còn góp phần nâng cao chất lượng dạy - học trong nhà trường. Đặc biệt, với việc phát động phong trào nghiên cứu KH-KT còn mở ra cơ hội cho học sinh tiếp cận với thế giới khoa học, góp phần ươm mầm tài năng khoa học trong tương lai”.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, qua cuộc thi cho thấy các cấp quản lý đã có sự quan tâm đúng mức đến hoạt động nghiên cứu KH-KT từ việc xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đề ra. Phần lớn dự án có nhiều ý tưởng mới, hiện đại, sáng tạo, có thể triển khai ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống, giúp tiết kiệm chi phí…

Tác giả trình bày dự án dự thi với Ban giám khảo.

Giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn trong học tập

Nhìn chung, hầu như tất cả 85 dự án tham gia, dù được nghiên cứu ở lĩnh vực nào thì tính hiệu quả của dự án cũng luôn hướng đến giải quyết những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt là các vấn đề thực tiễn phát sinh trong quá trình dạy và học ở các trường. Có thể kể đến các dự án mang tính khả thi, tính thực tiễn cao đã được Ban giám khảo đánh giá cao qua 2 vòng chấm như: “Tích hợp AI vào điểm tin báo hằng ngày” (Đoàn Trần Việt Hà - Trường THPT Chuyên Bạc Liêu); “Hệ thống chống trượt ngã cầu thang, lan can trong trường học” (Huỳnh Gia Như, Quách Bảo Vân - Trường THPT Võ Văn Kiệt); “Thiết kế giá treo và tủ đa năng trong phòng học bộ môn điều khiển bằng giọng nói” (Nguyễn Thị Thúy An, Mai Khánh Băng - Trường THCS Nguyễn Minh Nhựt, huyện Vĩnh Lợi); “Thiết bị thông minh điểm danh từ xa” (Ngô Trường Huy, Phạm Như Huỳnh - Trường THCS Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi)…

Bên cạnh các dự án nghiên cứu của các lĩnh vực phần mềm hệ thống, kỹ thuật cơ khí, hệ thống nhúng…, thì lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi cũng được quan tâm với nhiều dự án nghiên cứu về hành vi, ứng xử thường gặp của lứa tuổi học trò nhằm tìm ra giải pháp để hỗ trợ, giúp ngăn ngừa các hành vi chưa tốt của các em. Có thể kể đến các dự án như: “Nâng cao nhận thức và rèn luyện kỹ năng cho học sinh THCS Võ Thị Sáu - TP. Bạc Liêu phòng vệ bản thân trong thời đại công nghệ số” (Huỳnh Ngọc Thùy Anh, Nguyễn Mai Phương - Trường THCS Võ Thị Sáu, TP. Bạc Liêu); “Một số giải pháp góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ở Trường THCS Thạnh Bình” (Nguyễn Thảo Vy, Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trường THCS Thạnh Bình, TX. Giá Rai); “Nhận diện và những giải pháp ngăn ngừa hành vi bắt nạt học đường qua mạng xã hội ở học sinh Trung học cơ sở” (Huỳnh Lan Anh - Trường THCS Hòa Bình, huyện Hòa Bình); “Cái tôi học đường” dưới góc nhìn của học sinh Trường THPT Điền Hải” (Trần Thị Bích Trâm, Nguyễn Thị Thiên Kim - Trường THPT Điền Hải, huyện Đông Hải)…

Ông Dương Hồng Tân cho biết thêm: Sự bùng nổ tri thức, công nghệ sản xuất và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang làm thay đổi các nội dung trong giáo dục - đào tạo, thay đổi hình thức, phương pháp tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá. Vì thế, nhà trường phải thay đổi cách đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của người học; người dạy và người học đều phải thay đổi cách dạy, cách học để bắt kịp xu thế của thời đại. Một trong những cách thay đổi đó là phải đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả giáo dục STEM trong ngành Giáo dục.

Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.