PHÁT TRIỂN MỚI DOANH NGHIỆP: LOAY HOAY VỚI NHỮNG CÁI KHÓ

Thứ Hai, 06/05/2024 | 16:06

Với những khó khăn trong thu hút đầu tư như hiện nay, việc phát triển và khuyến khích thành lập mới doanh nghiệp (DN) được kỳ vọng sẽ tạo thêm nguồn lực để bổ sung cho nền kinh tế. Điều này không chỉ có ý nghĩa chiến lược trong việc hoàn thành các chỉ tiêu vào cuối nhiệm kỳ, mà còn tạo nên những tiền đề, động lực cho giai đoạn tiếp theo.

Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh phản ánh các khó khăn trong sản xuất - kinh doanh với lãnh đạo tỉnh tại “Cà phê - Điểm tâm sáng với doanh nghiệp” định kỳ hàng tháng.

CHƯA CÓ THƯƠNG HIỆU ĐỦ MẠNH

Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt với nhiều chương trình, kế hoạch phát triển DN, doanh nhân được ban hành, nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh, hiệu quả của khu vực DN ngoài nhà nước. Với phương châm “đồng hành, chia khó cùng DN”, Bạc Liêu đã tích cực triển khai và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tạo thuận lợi cho DN phát triển. Theo thống kê, trong giai đoạn 2020 - 2023, có khoảng 1.470 DN thành lập mới, với vốn đăng ký 19.500 tỷ đồng. Nếu so với giai đoạn 4 năm liền kề của nhiệm kỳ trước (2016 - 2019) thì số DN tăng 20% và số vốn đăng ký tăng 50%.

Dù phát triển khá nhanh về số lượng, thế nhưng nhìn trên tổng thể số DN phát triển vẫn còn thấp và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có của tỉnh. Do quy mô DN chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, vốn đầu tư ít, cộng với công nghệ sản xuất còn lạc hậu, thiếu lao động kỹ thuật cao, trình độ quản lý, quản trị còn hạn chế nên DN Bạc Liêu chưa có nhiều thương hiệu mạnh đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế.

Thêm vào đó, môi trường kinh doanh mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của DN. Việc triển khai và thực hiện các chính sách hỗ trợ DN phát huy hiệu quả chưa cao…

Sự phát triển của doanh nghiệp góp phần tăng thu ngân sách và tham gia giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương.

PHÁT TRIỂN MỚI GẶP KHÓ

Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh nên việc thực hiện các chính sách cho DN được triển khai khá quyết liệt. Trong đó, có việc thực hiện tốt Nghị quyết  09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cùng các nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ về hỗ trợ DN, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh… Hiệu quả từ các chủ trương, chính sách này đã tác động tích cực đến tình hình phát triển DN cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh thường xuyên tổ chức đối thoại với DN thông qua mô hình “Cà phê - Điểm tâm sáng với DN”. Được tổ chức định kỳ hàng tháng, hoạt động này giúp lãnh đạo tỉnh lắng nghe và giải quyết kịp thời các khó khăn, kiến nghị của DN trong quá trình sản xuất - kinh doanh, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho DN an tâm hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tạo ấn tượng tốt cho DN về một nền hành chính đặt sự phát triển của DN làm mục tiêu hàng đầu.

Cùng với những thuận lợi thì việc phát triển DN trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Ngoài nguyên nhân khách quan Bạc Liêu nằm xa các trung tâm kinh tế lớn, quy mô nền kinh tế và xuất phát điểm còn thấp nên việc mời gọi thu hút đầu tư gặp nhiều trở ngại, còn xuất phát từ thực trạng các chủ hộ kinh doanh còn mang nặng tâm lý nếu phát triển thành DN sẽ quản lý không được do ít vốn, rủi ro cao. Đây là một trong những nguyên nhân khiến số lượng DN thành lập mới nhiều năm chưa đạt theo kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, một số huyện, thị xã, thành phố chưa thật sự quyết liệt trong công tác tuyên truyền, vận động phát triển DN. Công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh thời gian qua cũng chưa thật sự hiệu quả, chỉ số PCI của tỉnh xếp hạng còn thấp, chưa thu hút được thêm nhiều DN gia nhập thị trường. Công tác tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN còn gặp nhiều khó khăn…

Sự phát triển về số lượng và chất lượng của DN sẽ góp phần quyết định vào việc thực hiện mục tiêu đưa nước ta đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp và thực hiện các mục tiêu tiếp theo đến năm 2030 và năm 2045. Thiết nghĩ, để hiện thực hóa khát vọng trở thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước, Bạc Liêu cũng phải tập trung tối đa cho nhiệm vụ này bằng những giải pháp cả trước mắt và lâu dài.

LƯ TRUNG

Xét theo mật độ DN (số DN /1.000 người dân) thì Bạc Liêu có khoảng 2,4 DN đang hoạt động (số liệu năm 2022), thuộc nhóm thấp nhất cả nước, cùng nhóm với các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Đồng Tháp; thấp hơn bình quân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (3,7 DN) và bình quân cả nước (8,3 DN). Đến cuối năm 2023, Bạc Liêu có khoảng 2.700 DN đăng ký hoạt động và xếp 13/13 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Có khoảng 69% số DN có số vốn kinh doanh dưới 10 tỷ đồng, khoảng 24% số DN có quy mô vốn kinh doanh từ 10 - 50 tỷ đồng, khoảng 5% số DN có quy mô vốn kinh doanh từ 50 - 200 tỷ đồng và chỉ có khoảng 2% số DN có quy mô vốn kinh doanh trên 200 tỷ đồng. Về cơ cấu, chiếm tới 93% tổng số DN toàn tỉnh là DN nhỏ và siêu nhỏ (có quy mô vốn dưới 50 tỷ đồng). Đây chính là hạn chế khiến DN Bạc Liêu chưa thể tham gia đầu tư vào những dự án lớn với chức năng dẫn dắt nền kinh tế.

* Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Chí Nguyện: Thực hiện đồng bộ vào 7 nhiệm vụ, giải pháp

Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển số lượng DN, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển DN giai đoạn 2023 - 2025 và đặt mục tiêu mỗi năm phát triển từ 400 - 446 DN nhằm đạt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025 có 2.000 DN thành lập mới. Để hoàn thành chỉ tiêu này, Bạc Liêu cần thực hiện đồng bộ vào 7 nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phát triển DN thuộc ngành, địa phương mình quản lý. Trong đó, phải định hướng phát triển DN phù hợp với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.

Hai là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; chỉ đạo thường xuyên quan tâm theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc của DN. Quan tâm xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong DN thuộc mọi thành phần kinh tế, gắn với công tác phát triển đảng viên.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức vai trò phát triển DN; tạo sự thống nhất xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của DN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông, thông tin điện tử cơ quan nhà nước, Hiệp hội DN tỉnh... về các chính sách hỗ trợ DN, nhằm thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh có tiềm năng chuyển đổi thành DN trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, thực hiện quyết liệt các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh ngay trong năm nay và những năm tiếp theo; quyết liệt phấn đấu đưa chỉ số PCI nằm trong nhóm khá của cả nước trong năm 2025. Tiếp tục duy trì họp mặt đối thoại DN, nâng cao chất lượng giải quyết các nội dung kiến nghị, khó khăn vướng mắc của DN, nhà đầu tư. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các tập đoàn kinh tế, DN có uy tín, năng lực tài chính đầu tư vào các dự án trên địa bàn tỉnh.

Năm là, đẩy mạnh phát triển số lượng DN thông qua phát động các chương trình khởi nghiệp. Trong đó, chú trọng khơi dậy niềm đam mê, khát vọng làm giàu chính đáng của lực lượng thanh niên, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Khuyến khích các doanh nhân thành đạt tham gia các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng, đào tạo cho doanh nhân khác để nhân rộng mô hình kinh doanh, đồng thời thú hút thêm DN mới gia nhập thị trường.

Sáu là, UBND rà soát, đánh giá, phân loại các hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi để vận động chuyển sang DN; đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ kinh doanh, trong đó nhấn mạnh các lợi ích thiết thực khi thành lập DN, như chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ, khả năng tiếp cận nguồn vốn, quyền thế chấp tài sản, đặc biệt là tính minh bạch và tư cách pháp nhân trong giao dịch với đối tác trong và ngoài nước… Triển khai các hoạt động hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi sang loại hình DN; tổ chức tuyên dương kịp thời các hộ kinh doanh tiêu biểu, có doanh thu lớn, có đóng góp tích cực cho xã hội.

Bảy là, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN như: Hỗ trợ DN tiếp cận với các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật mới; Hỗ trợ chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận mặt bằng sản xuất - kinh doanh; Hỗ trợ tiếp cận tín dụng; Hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; Hỗ trợ liên kết ngành, chuỗi giá trị…

* Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình - Hồ Văn Linh: Thực hiện mô hình “Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện”

Ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, huyện Hòa Bình đã xác định chỉ tiêu phát triển mới 250 DN là một chỉ tiêu quan trọng, góp phần tăng trưởng kinh tế của huyện. Từ đó, huyện tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại, tập trung quyết liệt các biện pháp, giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác vận động, phát triển DN, phấn đấu đến năm 2025 thành lập mới 250 DN. Kết quả từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn huyện đã thành lập mới 213 DN, đạt 85,2% so với chỉ tiêu Nghị quyết, với tổng số vốn đăng ký gần 4.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giai đoạn 2020 - 2023, có 3 DN tạm ngừng kinh doanh, với số vốn đăng ký ban đầu 2,1 tỷ đồng; 4 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, với số vốn đăng ký ban đầu 241 tỷ đồng và đã giải thể 8 DN, với số vốn đăng ký ban đầu 10,9 tỷ đồng. Bình quân một năm có khoảng 2 - 3 DN rút lui khỏi thị trường.

Tuy nhiên, số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động vẫn lớn hơn số DN tạm ngừng và rút lui khỏi thị trường. Thực tế cho thấy lực lượng DN vẫn tiếp tục tăng trưởng và đây là một kết quả đáng ghi nhận khi đặt trong bối cảnh quốc tế, trong nước có rất nhiều khó khăn, biến động.

Để tiếp tục phát triển DN và tăng cường nguồn lực cho nền kinh tế, huyện Hòa Bình sẽ tiếp tục rà soát quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh; tập trung nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả các dịch vụ công quốc gia. Kiên quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, làm tăng chí phí, thời gian thực hiện của người dân, DN. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Cùng với đó, phát huy mạnh mẽ vai trò của Câu lạc bộ DN trên địa bàn huyện làm vai trò kết nối giữa DN với các cơ quan quản lý nhà nước; giữa DN với thị trường trong nước, quốc tế, tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho DN, nhất là DN mới thành lập, DN nhỏ và vừa. Nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, tạo mọi điều kiện hỗ trợ DN hoạt động và phát triển; thực hiện mô hình “Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện” đem đến sự hài lòng cho tổ chức, DN trong thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.