Những con đường nối nhịp nông thôn và thành thị

Thứ Năm, 23/04/2015 | 09:01

Có thể nói, chưa lúc nào hệ thống giao thông của Bạc Liêu phát triển mạnh như những năm sau ngày tái lập. Những con đường nhựa hóa, bê-tông hóa gần như phủ kín nông thôn, bộ mặt nông thôn khởi sắc từng ngày. Thậm chí, có vài địa phương 5 lần được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc vì sự nghiệp xây dựng hệ thống giao thông, góp phần không nhỏ trong việc đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển...

Chỉ tính 10 năm sau ngày tái lập tỉnh (1997 - 2006), phong trào xây dựng giao thông nông thôn của tỉnh đã gặt hái nhiều thành tựu quan trọng. Huyện Hồng Dân và Phước Long 5 lần được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc. Cùng thời gian này, các huyện: Phước Long, Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Giá Rai… còn được Bộ GT-VT tặng 13 Cờ thi đua xuất sắc. Ngoài ra, các xã còn được tặng 13 bằng khen của Bộ về những đóng góp trong phong trào xây dựng giao thông nông thôn.


Bức tranh giao thông ngày tái lập

Còn nhớ khi mới tái lập tỉnh, hạ tầng về giao thông - vận tải (GT-VT) của Bạc Liêu rất kém. Theo thống kê của ngành GT-VT, về mạng lưới giao thông đường bộ, ngoài Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài 63,7km và 21 cây cầu do Trung ương quản lý, hạ tầng giao thông của Bạc Liêu gần như không có gì. Tổng số đường địa phương quản lý (cả đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị và đường giao thông nông thôn - GTNT) gồm 160km đường kiên cố các loại. Trong đó chỉ có 44km đường nhựa, 68km đường đá dăm và đất đỏ miền Đông, gần 12km đường đá cấp phối, 25km đường bê-tông xi măng, còn lại là hơn 900km đường đất đen. Đến năm 1997, tỉnh Bạc Liêu chưa có đường bê-tông nhựa nóng kể cả đường đô thị. Khi đó, cả tỉnh chỉ có 11/37 xã và 3/6 thị trấn có đường kiên cố cho xe 4 bánh đi đến trung tâm xã, thị trấn, các địa phương này chủ yếu nằm dọc Quốc lộ 1A và đường tỉnh. Chỉ có 30% số ấp có lộ GTNT ấp liền ấp đi qua, lưu thông đi lại của người dân bằng đường bộ vô cùng khó khăn, việc vận chuyển hàng hóa và hành khách chủ yếu bằng đường sông…

Xác định tầm quan trọng của việc phát triển hạ tầng giao thông sẽ thúc đẩy phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng…, ngay từ những ngày đầu mới tái lập, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Bằng Công văn số 31/CV-TU/1997, Tỉnh ủy đã chỉ thị toàn tỉnh đẩy mạnh phong trào làm GTNT và thủy nông nội đồng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Khi đó, hầu hết các huyện, thị đều tổ chức ra quân làm GTNT với mục tiêu phấn đấu từng bước hoàn chỉnh và kiên cố hóa hệ thống các công trình GTNT, tạo sự chuyển biến tích cực về đời sống kinh tế - xã hội trong tỉnh. Chỉ thị của Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh, tập trung phát triển nông thôn nhằm kéo giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Và để xây dựng, phát triển hệ thống giao thông phù hợp với định hướng đó, ngành GT-VT tỉnh đã quy hoạch phát triển mạng lưới GT-VT giai đoạn 1997 - 2010, định hướng đến năm 2020.

Cán bộ và nhân dân huyện Phước Long đầy ắp niềm vui trong ngày cắt băng khánh thành, thông xe 10 cây cầu “nối nhịp bờ vui” do Tổng Công ty Cổ phần bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn tài trợ. Ảnh: T.Đ

…Và cuộc cách mạng cho hệ thống giao thông tỉnh

Kể từ năm 2010, khi chủ trương xây dựng nông thôn mới (XDNTM) do Bộ Chính trị phát động lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân thì cũng là lúc phong trào xây dựng GTNT ở tỉnh Bạc Liêu được dấy lên. Khi đó, Phước Long vinh dự được Trung ương chọn là 1 trong 5 huyện của cả nước làm điểm chỉ đạo XDNTM. Và kể từ đó, phong trào làm GTNT theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” phát triển mạnh chưa từng có ở địa phương này. “Chính sự đồng thuận, quyết tâm cao từ cán bộ, đảng viên đến quần chúng nhân dân đã làm nên kỳ tích trong XDNTM”, ông Trần Hoàng Duyên - Bí thư Huyện ủy Phước Long kiêm Trưởng Ban chỉ đạo XDNTM huyện đúc kết.

Chỉ trong 4 năm (2011 - 2014), Phước Long đã xây dựng đường cho xe 4 bánh về trung tâm xã được 16km; hơn 228km đường bê-tông trục ấp, liên ấp và 213km đường bê-tông ngõ xóm. Song song đó, có đến 183 cây cầu bê-tông cốt thép được xây dựng hoàn thành. Giờ đây, Phước Long có quyền tự hào trở thành địa phương dẫn đầu trong tỉnh và cả nước có hệ thống giao thông “cứng hóa” phủ kín các tuyến đường, các loại xe dễ dàng lưu thông trong hai mùa mưa nắng.

Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh cho biết, tính đến cuối năm 2014, với sự kỳ quyết của tỉnh cộng với sự đồng thuận, chung sức, chung lòng của nhân dân mà toàn tỉnh đã thực hiện “cứng hóa” được hơn 1.000km đường GTNT với kinh phí hơn 560 tỷ đồng. Và nếu so với những ngày đầu tái lập tỉnh, Bạc Liêu chỉ có 21 cây cầu bê-tông cốt thép thì nay có thêm 783 cây cầu “nối nhịp bờ vui”. Không dừng ở đó, hàng loạt cây cầu trọng yếu do Trung ương đầu tư như: cầu Ninh Quới, cầu Bạc Liêu 2, cầu Bạc Liêu 3, cầu Phước Long 2, cầu Phó Sinh, cầu Giá Rai, Hộ Phòng… với tổng vốn hàng ngàn tỷ đồng đã nâng tầm Bạc Liêu lên diện mạo mới.

Sở GT-VT cho biết, định hướng đến năm 2020, sẽ có 100% xã, thị trấn có đường cho xe ô tô đi đến trung tâm hành chính bằng đường nhựa và cầu bê-tông cốt thép tải trọng dành cho đoàn xe đến 13 tấn; 100% nhựa hóa đường liên xã cho những xã chưa có đường ô tô đến trung tâm; thay toàn bộ cầu gỗ địa phương trên tuyến đường GTNT có quy hoạch bằng cầu cơ bản và bán cơ bản; 100% ấp có đường GTNT ấp liền ấp bằng đường kiên cố, mặt đường bằng nhựa hoặc bê-tông xi măng… Một lần nữa, với quyết tâm, sự chung sức, chung lòng đóng góp sức người, sức của của chính quyền và nhân dân Bạc Liêu, tin rằng định hướng ấy sẽ sớm trở thành hiện thực.

Tấn Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.