Linh hoạt điều tiết nước mùa hạn, mặn

Thứ Sáu, 15/03/2024 | 15:36

Để chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2024, UBND tỉnh đã ban hành “Kế hoạch sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu (hạn hán, xâm nhập mặn) vụ mùa 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”. Kế hoạch nhằm tạo sự thống nhất cao trong công tác điều hành, chỉ đạo sản xuất, đồng thời, chủ động đưa ra các kịch bản, giải pháp ứng phó với nắng nóng, xâm nhập mặn.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT kiểm tra vận hành cống Hộ Phòng (TX. Giá Rai). Ảnh: M.Đ

Đủ nước ngọt cho vụ lúa Đông Xuân

Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng - Thủy văn, mùa khô năm 2023 - 2024 Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được dự báo khả năng xuất hiện xâm nhập mặn sớm, ở mức sâu hơn trung bình nhiều năm. Đồng thời nguồn nước ngọt về ĐBSCL trong mùa khô 2023 - 2024 cũng có khả năng thiếu hụt từ 10 - 15% so với trung bình nhiều năm. Các tác động của hạn hán, xâm nhập mặn được dự báo sẽ ảnh hưởng đến tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, nhờ chủ động đưa ra kế hoạch và các kịch bản ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn nên đến nay tỉnh chưa ghi nhận ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp.

Ở tiểu vùng giữ ngọt ổn định, vụ lúa đông xuân được gieo trồng với diện tích hơn 45.000ha. Hiện nông dân đã thu hoạch được hơn 2.600ha, năng suất bình quân từ 8 - 8,5 tấn/ha. Dự kiến, nông dân sẽ thu hoạch dứt điểm vụ mùa này vào cuối tháng 4/2024. Riêng ở TX. Giá Rai, các trà lúa đông xuân nhỏ nhất cũng được 60 ngày tuổi và đang phát triển tốt. Ông Huỳnh Thanh Toàn - Trưởng phòng Kinh tế TX. Giá Rai, nhận định: “Hiện mực nước ngọt trên kênh còn khá cao, đủ để nông dân bơm một đợt nước cung cấp cho lúa ngay thời điểm đón đòng. Vì thế, nguồn nước ngọt phục vụ các trà lúa đông xuân là đảm bảo”. Ngoài TX. Giá Rai, mực nước trên các kênh rạch tại tiểu vùng giữ ngọt phía Bắc Quốc lộ 1A hiện khá dồi dào với cao trình là 0,0 - 0,05m, tăng 0,1m so với đợt Tết âm lịch. Mực nước ngọt tại khu vực Ngã Năm - Sóc Trăng hiện có cao trình +0,30m, vẫn đảm bảo đủ nước phục vụ các trà lúa đông xuân trên địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh đảm bảo nguồn nước ngọt cho vụ lúa, ngành chức năng cũng đã điều tiết đủ nước mặn cho TX. Giá Rai, huyện Phước Long, huyện Hồng Dân và vùng Nam Quốc lộ 1A phục vụ nuôi trồng thủy sản. Độ mặn cao nhất ở vùng Bắc Quốc lộ 1A đạt 220‰ tại khu vực giáp Cà Mau và giảm dần về hướng Bắc Hồng Dân; độ mặn tại khu vực Bắc Hồng Dân đã đạt mức 5 - 6‰. Riêng khu vực khó khăn về nước mặn là xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu) với độ mặn 5 - 6‰. Đầu tháng 3/2024, nước biển Tây đạt 9,5‰ từ hướng sông Cái Lớn đã xâm nhập sâu tới địa bàn huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang - giáp huyện Hồng Dân).

Đảm bảo nước phục vụ con tôm

Theo Sở NN&PTNT, từ nay đến cuối tháng 4/2024 sẽ tiếp tục mở toàn hệ thống cống từ Giá Rai đến Láng Trâm để rút mặn ra biển Đông nhằm tạo điều kiện mở lại các cống Âu thuyền Ninh Quới và 6 cống phân ranh khu vực ngã tư Ninh Quới để bổ sung nước ngọt từ trục Quản Lộ - Phụng Hiệp về tiểu vùng giữ ngọt phục vụ lúa đông xuân đến cuối tháng 4/2024. Tiếp tục điều tiết đưa nước mặn vào vùng Bắc Quốc lộ 1A từ tháng 3 đến cuối tháng 4 một cách linh hoạt làm tăng mực nước trên kênh rạch nhằm bổ sung thêm nước mặn lên ao nuôi. Các cống ven biển sẽ hạn chế tối đa việc đóng cống đến cuối tháng 4/2024 để cấp nước mặn cho vùng Nam Quốc lộ 1A…

Ông Ngô Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Theo khuyến cáo của các cơ quan Trung ương, hạn mặn sẽ xảy ra gay gắt khu vực ĐBSCL trong mùa khô năm 2023 - 2024. Thực tế đến nay tình hình hạn mặn trên địa bàn tỉnh diễn ra không bằng mùa khô năm 2015 - 2016. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2024, nước ngọt về giảm dần, mặn bắt đầu xâm nhập vào. Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch ứng phó. Đồng thời trong quá trình vận hành hệ thống cống, Sở NN&PTNT linh hoạt điều tiết nguồn nước mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản nhưng vẫn đảm bảo nước ngọt cho cây lúa. Cụ thể là chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam điều tiết linh hoạt dòng nước; vận hành cống Âu thuyền Ninh Quới rút toàn bộ nước mặn về phục vụ nuôi tôm và rút nước ngọt từ Quản Lộ - Phụng Hiệp về trữ ở các kênh, trên các ruộng lúa vùng ngọt. Đến thời điểm này, cao trình mực nước ngọt trong các kênh nội đồng là 0,0 đến +0,05, cơ bản đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ lúa đông xuân. Đối với thủy sản, ngành đã vận hành các cống vùng Nam Quốc lộ 1A để đưa nước mặn vào nhưng có sự luân phiên giữa các cống để điều tiết đủ nước mặn nuôi trồng thủy sản nhưng không đưa nước mặn quá nhiều vào khiến mặn xâm nhập vào nội đồng…

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Hỗ trợ địa phương ứng phó với nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn

Ngày 8/3, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện gửi Bộ trưởng các bộ: NN&PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Y tế, Quốc phòng, Công an và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL về tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại vùng.

Để chủ động ứng phó với nguy cơ xâm nhập mặn cao, thiếu nước ngọt cục bộ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng ĐBSCL tiếp tục tổ chức theo dõi sát tình hình, triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện ngày 15/1/2024 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Chủ động bố trí nguồn lực của địa phương, huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, triển khai ngay các biện pháp cần thiết phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng.

Tổ chức theo dõi chặt chẽ, nắm bắt đầy đủ, kịp thời thông tin về tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn tại từng khu vực trên địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành theo dõi sát diễn biến nguồn nước, dự báo, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình nguồn nước trên sông Mê Công và xâm nhập mặn tại ĐBSCL để các cơ quan chức năng, các địa phương và người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, xâm nhập mặn, không để xảy ra bị động, bất ngờ.

Minh Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.