Ở nơi cuối nguồn nước ngọt

Thứ Hai, 18/03/2024 | 16:30

Cái nắng tháng 3 như thiêu đốt, ngồi trong căn nhà mái ngói, xung quanh có khá nhiều cây xanh và những thửa ruộng đang vào độ làm đòng nhưng vẫn không thể làm dịu đi cái nóng. Nắng nóng, các trà lúa lại càng cần nước để ngậm sữa, đơm bông.

Hai vùng mặn - ngọt ở xã Phong Tân (TX. Giá Rai) chỉ cách nhau một bờ bao.

HÀI HÒA MẶN - NGỌT

Năm nào cũng vậy, hễ vào mùa khô hạn là nông dân vùng xen canh mặn - ngọt của TX. Giá Rai lại canh cánh nỗi lo… thiếu nước ngọt. Bởi trong tâm trí của người dân nơi đây vẫn không sao quên được cơn hạn, mặn khốc liệt trong mùa khô năm 2019 - 2020. Năm đó, kênh Vĩnh Phong - một trong những trục kênh chính dẫn nước ngọt về vùng TX. Giá Rai gần như cạn trơ đáy. Những con đập đắp tạm để trữ nước, tiếng máy bơm nổ vang cả một tuyến kênh “mót” từng giọt nước cuối cùng để cứu lúa, trong khi dòng kênh còn không đủ sức cứu mình.

Mùa khô năm nay, các cơ quan chuyên môn đều dự báo hạn hán, xâm nhập mặn sẽ diễn ra rất gay gắt. Song, do đã có khá nhiều kinh nghiệm trong việc điều tiết, quản lý nguồn nước nên những dòng kênh nơi cuối nguồn nước ngọt của tỉnh vẫn khá dồi dào. Thế nhưng, nỗi lo mất vụ vì nắng nóng và thiếu nước phục vụ sản xuất thì vẫn còn đó.

Ghi nhận tại cánh đồng xã Phong Tân (TX. Giá Rai), nhiều diện tích lúa đã bị vàng lá do nhiễm mặn. Ông Nguyễn Hoàng Nhân (ấp 16A, xã Phong Tân) chia sẻ: “Hơn 3ha lúa gần 40 ngày tuổi của gia đình tôi đang bị nước mặn tấn công, lá ngọn bắt đầu cháy vàng. Theo như tôi tìm hiểu, nguyên nhân xâm nhập nước mặn vào vùng ngọt là do các vuông tôm nằm liền kề vùng canh tác lúa bị rò rỉ nước mặn ra kênh. Nhìn thấy nước trên kênh còn nhiều nhưng tôi không dám dẫn vào đồng vì sợ nhiễm mặn”. Tương tự, ông Phạm Văn Hai (ấp 18, xã Phong Tân) sản xuất vụ đông xuân (lúa vụ 3) hơn 3ha cũng vậy. Theo ông Hai, dù nguồn nước khá dồi dào nhưng nông dân rất ngại bơm vào ruộng lúa, phần vì lo nhiễm mặn, phần vì lo nước bị nhiễm phèn, nếu đánh liều bơm vào rất có thể ảnh hưởng đến cây lúa đang trong thời điểm làm đòng, ngậm sữa.

Nông dân TX. Giá Rai bón phân để giải cứu ruộng lúa bị nhiễm mặn.

Theo nhiều lão nông đúc kết, Phong Tân là nơi cuối nguồn nước ngọt nên sản xuất vụ lúa đông xuân có nhiều khó khăn hơn so với các địa phương khác trong tỉnh. Ngành chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên khuyến cáo nên nông dân ai cũng chủ động các phương án đảm bảo điều kiện cho vụ lúa đông xuân, nhất là chủ động khâu bơm trữ nước ngọt trên ruộng. Đợt bơm nước tuần trước cho lúa đông xuân giúp nông dân yên tâm trong nhiều ngày tới. Ông Phạm Văn Tới - Phó trưởng phòng Kinh tế TX. Giá Rai, cho biết: “Là địa phương cuối nguồn nước ngọt của tỉnh, Giá Rai hiện có hơn 7.600ha lúa đông xuân khoảng hơn 2 tháng tuổi. Trước tình hình nắng nóng và cảnh báo xâm nhập mặn, Phòng Kinh tế thị xã cập nhật tình hình dự báo thời tiết, qua đó điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất một số xã sớm hơn so với các năm trước. Đồng thời, phối hợp với các xã, phường vùng ngọt đắp một số đập nhằm phòng tránh rò rỉ mặn, đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất lúa”.

CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ

Hiện toàn tỉnh có gần 48.000ha lúa đang canh tác. Trong đó, vụ lúa trên đất tôm còn hơn 3.000ha đang trong giai đoạn trổ - chín, tập trung ở các xã: Lộc Ninh, Vĩnh Lộc, Ninh Hòa, thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân). Dự kiến, trà lúa này sẽ thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 3/2024. Riêng vụ đông xuân xuống giống hơn 44.600ha, hiện các trà lúa đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh, làm đòng, trổ bông.

Để chủ động ứng phó với các tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đối với vụ mùa 2023 - 2024 trên địa bàn, UBND tỉnh Bạc Liêu đã đưa ra 3 kịch bản phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn với 3 cấp độ khác nhau, nhằm tạo sự thống nhất cao trong công tác điều hành chỉ đạo sản xuất trên địa bàn Bạc Liêu và các tỉnh giáp ranh.

Đồng thời, đề nghị các cấp, ngành chuẩn bị kế hoạch ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh theo kịch bản 2 (giả định tình huống diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt tương đương mùa khô 2015 - 2016). Công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn tập trung từ đầu tháng 12/2023 - 5/2024.

Bên cạnh đó, tỉnh Bạc Liêu cơ cấu lại lịch mùa vụ, vận hành điều tiết nước phục vụ sản xuất lúa và nuôi tôm một cách phù hợp đối với từng vùng sản xuất. Sở NN&PTNT đưa ra các giải pháp như sửa chữa cống, trạm bơm, kéo dài đường ống cấp nước sạch nông thôn, công trình kênh mương tạo nguồn để phục vụ phòng, chống hạn hán với kinh phí trên 21 tỷ đồng…

Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch lúa trong vùng luân canh tôm - lúa. Ảnh: C.L

Để công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn đạt hiệu quả cao, ngay từ đầu năm, các địa phương đã xác định công tác triển khai lịch thời vụ là điều kiện tiên quyết để từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân và các địa phương thực hiện. Cùng với đó là thực hiện tốt công tác thủy nông nội đồng, tích cực xây dựng hệ thống đê bao khép kín và các trạm bơm để đảm bảo việc tích trữ nước phục vụ sản xuất của bà con trong mùa khô.

Ông Phạm Văn Mười - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Tác động của biến đổi khí hậu, nhất là hiện tượng nắng nóng gay gắt do ảnh hưởng của El Nino kéo dài trong thời gian mùa khô 2024 sẽ tiếp tục đe dọa và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Vì vậy, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần thường xuyên theo dõi mực nước, độ mặn trên các tuyến kênh để kịp thời điều tiết nước hợp lý. Mực nước hiện nay ở tiểu vùng ngọt có cao trình +0,05m, đảm bảo đủ nước cho sản xuất vụ lúa đông xuân. Nhìn chung, nguồn nước vùng Bắc Quốc lộ 1A hiện nay vẫn an toàn”.

CHÍ LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.