Quốc tế

Cục diện và trật tự thế giới nhìn từ cuộc chiến ở Ukraine

Chủ Nhật, 11/02/2024 | 16:23

Một thế giới căng thẳng về địa chính trị và địa kinh tế với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, cuộc chiến tàn khốc ở Ukraine, bạo lực đẫm máu ở Trung Đông, những mầm mống xung đột âm ỉ tại nhiều nơi gắn với cuộc đấu tranh quyền lực của các cường quốc đang đặt vận mệnh thế giới trước những nguy cơ và thách thức rất nghiêm trọng.

Thực cảnh đó cho thấy những biến động khốc liệt, khôn lường trong mấy năm qua, đặc biệt là trong hai năm 2022, 2023 cùng những gì chưa thể tiên lượng hết trong những năm tiếp theo đang làm nảy sinh nhiều câu hỏi lớn, nóng bỏng về tiến trình của thế giới đương đại; về cách thức giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột giữa các quốc gia; về cách thức hóa giải các nguy cơ; về trách nhiệm của các quốc gia đối với những cam kết quốc tế, trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế, trách nhiệm đối với vận mệnh của toàn nhân loại. Đất đai, tài nguyên, dầu mỏ, khí đốt, tiền tệ, vũ khí, tôn giáo, môi trường... đang làm cho thế giới phập phồng, chao đảo và bất ổn. Những mưu đồ toan tính, các cuộc đua tranh, chiếm đoạt, thôn tính dường như không có điểm dừng.

Dù nhìn dưới góc độ nào thì cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine từ ngày 24-2-2022 đến nay vẫn là sự kiện chấn động nhất, tác động mạnh mẽ và sâu sắc nhất đến toàn bộ đời sống quốc tế đương đại, gây ra những tổn thất nặng nề không chỉ đối với hai quốc gia lâm chiến mà còn đối với toàn thế giới. Chỉ riêng tổn thất về sinh mạng, qua công bố và thống kê của các bên, đã lên tới hơn nửa triệu người. Hai đất nước đang đối đầu với nhau đã từng gắn bó, sống chết có nhau trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống chủ nghĩa phát xít 8 thập kỷ trước đây.

Chiến trường giao tranh giữa binh sĩ Nga và Ukraine gần Bakhmut ở khu vực Donetsk. Ảnh: AP

Bi kịch và nỗi đau nhân thế! Người Ukraine và người Nga cũng có chung một cội nguồn lịch sử. Từ cuối thế kỷ 9 đến giữa thế kỷ 13, từng có một đại công quốc có tên Kievskaya Russ bao gồm nhiều sắc tộc, trong đó có cả Nga, Ukraine và Belarus ngày nay. Từ cội nguồn lịch sử như vậy, trong bài phát biểu ngày 21-2-2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh: “Đối với chúng tôi, Ukraine không chỉ là quốc gia láng giềng mà là một phần không thể thiếu trong lịch sử, văn hóa và tinh thần”. 

Ngày càng thấy rõ cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine là cuộc chiến đẫm máu nhất, nguy hiểm nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nga và Mỹ-hai cường quốc sở hữu tới 90% số vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới-như đang ở hai bờ chiến tuyến. Niềm tin trong quan hệ quốc tế bị thách đố nghiêm trọng. Những lời cảnh báo về nguy cơ chiến tranh thế giới thứ ba và thậm chí, những lời đe nẹt hạt nhân đã xuất hiện không phải chỉ một lần. Đã thấy rõ sự coi thường lợi ích cốt lõi của nhau, nhất là những lợi ích về an ninh, đã dẫn đến những tai họa khôn lường, kết cục bi thảm. Chiến tranh-cái vực thẳm nghìn đời đó-đang hiện hữu ở nơi lẽ ra người dân được sống ấm áp trong tình yêu và tình hữu nghị láng giềng, anh em bền vững.  

Ngay từ đầu, cuộc chiến này không chỉ nằm trong giới hạn giữa hai quốc gia mà đã nhanh chóng trở thành một cuộc đối đầu giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đặt ra những thách thức và nguy cơ về an ninh nghiêm trọng nhất kể từ khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, Đông Âu sụp đổ cách đây 32 năm và cuộc chiến tranh lạnh Đông-Tây được coi như chấm dứt từ lúc đó. Đây không chỉ là cuộc đọ sức sống mái trên chiến trường giữa Nga và Ukraine mà là một cuộc chiến tổng lực khi phương Tây phát động cuộc tiến công Nga trên tất cả lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, tình báo, thông tin... và sự đáp trả không kém phần quyết liệt của Nga.

Đây được coi là một dạng “chiến tranh ủy nhiệm” khi Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đổ vũ khí, viện trợ tài chính cho Ukraine với mục tiêu chiến lược là đánh bại Nga, ngăn cản Nga trỗi dậy tìm lại vị thế siêu cường đã mất sau khi Liên Xô sụp đổ. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hướng tới các mục tiêu chính: Làm suy yếu Nga; biến Ukraine thành một tiền đồn chống Nga, lôi kéo các nước có xu hướng thân Nga đoạn tuyệt với Nga và dựa hẳn vào Mỹ và phương Tây; củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương; tiếp tục duy trì trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo.

Vừa bước ra khỏi bầu không khí u ám của hai năm bị đại dịch Covid-19 hoành hành thì thế giới đã phải chịu tác động rất tiêu cực của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Kinh tế thế giới bị giáng một đòn chí mạng, lâm vào bất ổn và suy thoái. Thị trường năng lượng, tài chính, tiền tệ chao đảo, lạm phát tăng vọt khiến hàng loạt nước phải chống đỡ bằng cách tăng lãi suất, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Theo Tạp chí The Fortune (Mỹ, tháng 10-2022), cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 2.800 tỷ USD. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ bước vào thời kỳ suy thoái lớn nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 1929-1933. 

Với ý đồ đánh sập nền kinh tế Nga, Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đã thực hiện một cuộc bao vây, cấm vận khốc liệt chưa từng có trong lịch sử đối với một quốc gia khi áp đặt tới 11 gói trừng phạt với hơn 15.700 lệnh cấm vận trong các hoạt động kinh tế, thương mại, năng lượng, tài chính, công nghệ...

Tuy nhiên, những biện pháp này chưa thể làm nền kinh tế Nga sụp đổ mà lại đang gây thiệt hại cho chính những nước tham gia cấm vận, tác động tiêu cực đến hệ thống thương mại tự do toàn cầu. Các tập đoàn phương Tây cũng đã chịu thiệt hại 103 tỷ USD khi rời Nga. Hằng năm, các nước Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu khoảng 30% nhu cầu dầu mỏ và khoảng 150 tỷ mét khối khí đốt từ Nga. Vật vã “cai” dầu mỏ và khí đốt của Nga, các nước EU đã phải chịu thiệt hại lên tới 199 tỷ USD-số tiền mà EU phải bỏ ra để mua khí hóa lỏng của Mỹ với giá đắt gấp 4 lần so với mua khí đốt của Nga. 

Sau thắng lợi của Ukraine trong cuộc phản công bất ngờ mùa thu năm 2022 khiến Nga phải rút khỏi mặt trận Kharkov và phía Tây sông Dnieper, tình hình lại đang diễn ra theo chiều hướng bất lợi đối với Ukraine khi Nga liên tiếp chiếm được các vị trí chiến lược như: Mariupol, Azovstal, Bakhmut, Marinka và tiếp theo có thể là Avdiivka sau những trận đánh khốc liệt khiến hai bên đều chịu thương vong rất lớn...

Sau 6 tháng Ukraine tiến hành cuộc phản công với vũ khí hiện đại của phương Tây, được kỳ vọng sẽ tiến đến biển Azov, cắt đứt tuyến cung cấp vũ khí, hậu cần của Nga để từ đó chiếm bán đảo Crimea, tiến tới thu hồi các vùng lãnh thổ bị Nga sáp nhập, nhưng quân đội Ukraine vẫn không đạt được điểm đột phá nào mà trái lại, phải chịu tổn thất rất nặng nề, khiến dư luận chung cho rằng cuộc phản công đã thất bại. Trong khi đó, quân đội Nga không những giữ được thế trận phòng thủ mà đang chuyển sang thế phản công ở một số nơi. 

Ngày càng thấy rõ mức độ viện trợ của Mỹ và phương Tây, nhất là các loại vũ khí hiện đại được tung hô là “sẽ thay đổi cuộc chiến” không đủ để lật ngược thế trận mặc dù Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky liên tục kêu gọi phương Tây tăng cường cung cấp vũ khí, đặc biệt là đạn pháo, tên lửa tầm xa, tiêm kích F-16. Tuy nhiên, do xung đột giữa Israel và Hamas đột ngột bùng phát từ ngày 7-10-2023, dòng viện trợ vũ khí cũng đột ngột chuyển hướng tới Trung Đông để cung cấp cho Israel, đồng minh chiến lược của Mỹ.

Đến cuối năm 2023, Hạ viện Mỹ do Đảng Cộng hòa kiểm soát vẫn không chịu thông qua khoản viện trợ mới 61 tỷ USD cho Ukraine. Trên thực tế, việc hỗ trợ tài chính kéo dài cho Ukraine khiến những người nộp thuế ở Mỹ và EU ngày càng cảm thấy mệt mỏi. Theo Viện Gallup, 41% người Mỹ tin rằng Tổng thống Joe Biden đang giúp đỡ Ukraine quá nhiều. Theo các cuộc thăm dò gần đây, tỷ lệ tín nhiệm của chính quyền ông Biden đã giảm xuống mức 40%, khiến khả năng tái cử của ông không chắc chắn trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11-2024.

Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky vẫn kiên quyết từ chối đàm phán với Tổng thống Nga V.Putin và vẫn quyết tâm lấy lại toàn bộ lãnh thổ, trong đó có Crimea. Nếu ông Zelensky tiếp tục nắm quyền thì khả năng đàm phán hòa bình chấm dứt xung đột trong tương lai gần sẽ khó diễn ra do lập trường của các bên hoàn toàn khác nhau, thậm chí đối lập. Các nước châu Âu cũng đang tỏ ra mệt mỏi vì xung đột và ngày càng chia rẽ trong việc tiếp tục hỗ trợ Kiev. Khoản viện trợ 50 tỷ euro của EU vẫn khó được thông qua do sự phản đối của Hungary-quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng từ Nga. Trong khi đang xuất hiện những rạn nứt trong nội bộ Ukraine, nhất là giữa Tổng thống Zelensky và giới lãnh đạo quân đội thì trong hàng ngũ EU, bên cạnh Hungary kiên quyết phản đối EU tiếp tục viện trợ cho Ukraine, chính quyền mới của Thủ tướng Robert Fico ở Slovakia tuyên bố không tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, Chính phủ Séc cũng tuyên bố không còn vũ khí để gửi cho Kiev.

Cuộc chiến Nga-Ukraine trở thành liều thuốc thử cực nặng đối với tất cả các bên. Tất cả đã bị đẩy vào tình thế khó xuống thang. Nga không thể rút quân mà không đạt được mục tiêu đã công bố, nhất là sau khi đã chính thức sáp nhập các vùng lãnh thổ ở Donbass vào Nga. Tổng thống Zelensky không có sự lựa chọn khác ngoài việc quyết chiến đến cùng.

Dù tuyên bố không muốn đối đầu quân sự trực tiếp với Nga nhưng Mỹ và NATO cũng không thể nuốt được quả đắng nếu Ukraine thua cuộc, vì kết cục đó là đòn đánh chí mạng vào uy danh của NATO như là khối quân sự hùng mạnh nhất thế giới, cũng như vào tham vọng của Mỹ tiếp tục vai trò lãnh đạo thế giới. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi NATO lập “tam đại liên minh” gồm “liên minh xe tăng”, “liên minh không quân” và “liên minh hải quân” nhằm giúp Ukraine cải thiện tình hình chiến trường, còn Tổng thống Zelensky đã đến Mỹ lần thứ ba để tìm kiếm khoản viện trợ cứu nguy, trong khi Tổng thống Biden cũng như các nhà lãnh đạo EU đang nỗ lực tối đa để thông qua những gói viện trợ cấp bách cho Ukraine.

Ukraine nằm trên lục địa Âu-Á, với vị trí hết sức quan trọng, là “vùng đệm tự nhiên” giữa Đông và Tây, như cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Zbigniew Brzezinski từng nhấn mạnh, ai kiểm soát được Ukraine sẽ kiểm soát được lục địa Âu-Á. Tháng 6-2022 - 4 tháng sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine - Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố: “Trật tự thế giới đơn cực đã kết thúc!”. Đó chính là trật tự thế giới với Mỹ là siêu cường duy nhất còn lại sau khi Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan vỡ trong một cú sốc chính trị không tiền khoáng hậu. Cả Trung Quốc và Nga đều không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo. 

Cuộc chiến Nga-Ukraine đã chia thế giới thành hai tuyến: Tuyến chống Nga gồm Mỹ, EU và các đồng minh của Mỹ nằm ngoài châu Âu; tuyến không chống Nga gồm các nước còn lại trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Saudi Arabia... Thực tế cho thấy, một số nhóm nước, khối nước đã và đang mở rộng, tăng cường thành viên như: Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) kết nạp thêm Iran và Belarus, Nhóm BRICS có thêm 5 nước gia nhập vào đầu năm 2024 bên cạnh các nền kinh tế hàng đầu mới nổi là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil... Tổng GDP của các nước này vượt cả Mỹ và châu Âu.  

Ba quốc gia lớn nhất trong tiến trình hình thành cục diện thế giới mới đương nhiên là Mỹ, Trung Quốc, Nga, nhưng không thể không kể đến các quốc gia như: Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia; không thể không đề cập đến các tổ chức như: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Nhóm BRICS... Chính sự liên minh Nga-Trung Quốc cùng sự nổi lên của những trung tâm quyền lực mới đang thúc đẩy hình thành một trật tự thế giới mới đa cực. Tháng 12-2022, đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã nhấn mạnh: Chúng ta đã chuyển sang một thế giới đa cực hỗn loạn, nơi mọi thứ như năng lượng, dữ liệu, kết cấu hạ tầng, di cư đều là vũ khí. Địa chính trị là điểm mấu chốt trong đó, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ là những trung tâm quyền lực đang nổi lên không chấp nhận bị loại ra ngoài hệ thống an ninh toàn cầu. 

Trong cục diện toàn cầu mới, "tam giác chiến lược" Mỹ-Trung-Nga đang giằng kéo, chi phối các trục quan hệ quốc tế. Cả Mỹ, Trung Quốc và Nga đều muốn trở thành siêu cường lớn nhất, chi phối toàn cầu. 

Tuy Mỹ vẫn được xem là cực mạnh nhất, có ảnh hưởng lớn nhất nhưng vị thế trên trường quốc tế đang có chiều hướng suy giảm, đặc biệt, vị trí số một về kinh tế của Mỹ có khả năng bị Trung Quốc soán ngôi vào năm 2030. Mô hình phát triển vốn tạo nên hệ “giá trị Mỹ” bị hoài nghi trên thế giới, “giấc mơ Mỹ” trở nên xa vời.

Dù hiện thời đang hút vào cuộc chiến ở Ukraine nhưng Mỹ đã nhiều lần khẳng định, xung đột Nga-Ukraine không thay đổi nhận định về việc Trung Quốc là đối thủ chiến lược chủ yếu nhất của Mỹ. Hơn nữa, như các chuyên gia đã phân tích, cuộc chiến Nga-Ukraine hiện nay đã và đang mang lại cho Mỹ không ít lợi thế mà trong điều kiện bình thường Mỹ khó có thể đạt được, đó là châu Âu lệ thuộc nhiều hơn vào Mỹ cả về kinh tế và an ninh. 

Bên cạnh việc NATO được mở rộng, một số nước châu Âu từ bỏ đường lối trung lập truyền thống có lịch sử hàng trăm năm để gia nhập NATO nhằm đối phó với “mối đe dọa từ Nga”, xu hướng tập hợp lực lượng mới tại châu Á-Thái Bình Dương cũng dần rõ trong những vòng cung kiềm chế Trung Quốc. Có thể thấy, Mỹ vẫn chiếm thế thượng phong trong các tập hợp lực lượng mang tính quốc phòng, an ninh, còn Trung Quốc có thế mạnh trong các tập hợp về kinh tế-xã hội, trong khi Nga có thế mạnh về quân sự và năng lượng. 

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đang hút tầm nhìn của thế giới. Năm 2012, khi Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ông Tập Cận Bình lên nắm quyền được coi là thời điểm khởi đầu của “Trung Quốc thời đại mới”. Trong 10 năm qua, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn chỉnh lý luận về “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới”.

Trung Quốc từ chỗ “đuổi theo thời đại” đang tiến đến “dẫn dắt thời đại”. Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10-2022 khẳng định rằng 10 năm qua, Trung Quốc đã vượt qua những phong ba thách thức trên các mặt chính trị, kinh tế, hình thái ý thức và từ môi trường tự nhiên, đã giành được những thành tựu mang tính lịch sử và tạo ra các thay đổi lịch sử. GDP của Trung Quốc từ 7.990 tỷ USD năm 2012 đã tăng lên 17.000 tỷ năm 2021, trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới sau Mỹ.

Theo báo cáo của WB, tỷ lệ đóng góp của Trung Quốc cho tăng trưởng kinh tế thế giới giai đoạn 2013-2021 là 38%, cao hơn đóng góp của cả khối G7 là 25,7% (trong đó Mỹ là 18%). Trong khi Mỹ tăng ngân sách quân sự lên mức kỷ lục là 886 tỷ USD năm 2024 thì Trung Quốc cũng tăng lên khoảng 225 tỷ USD, còn Nga là khoảng 115 tỷ USD. Trung Quốc đang được coi là bên hưởng lợi trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, bởi ngoài những mối lợi cụ thể như thương vụ mua số lượng lớn dầu mỏ với giá rẻ từ Nga, Trung Quốc dường như đang gặp thuận lợi trên con đường “chinh phục” châu Á-Thái Bình Dương. Sáng kiến "Vành đai và Con đường"-được coi là "con đường tơ lụa trong thế kỷ 21"-đang đưa Trung Quốc vào vị thế trung tâm, kết nối toàn cầu. 

Kế thừa vai trò của Liên Xô trước đây, Nga tiếp tục có những bước chuyển quan trọng, từng bước khẳng định lại vai trò cường quốc. Ngày 31-3-2023, Tổng thống V.Putin đã ký sắc lệnh phê duyệt chính sách đối ngoại của Liên bang Nga, trong đó nhấn mạnh việc hình thành một trật tự thế giới công bằng và bền vững. Tuy phải hứng chịu cuộc bao vây, cô lập toàn diện của Mỹ và phương Tây nhưng theo Tổng thống V.Putin, GDP năm 2023 của Nga tăng trưởng 3,5%.

Bất chấp các lệnh trừng phạt, nền kinh tế Nga vẫn trụ vững và phát triển nhờ Nga đã hình thành được các liên minh chiến lược khắp thế giới. Trung Quốc, Ấn Độ là thị trường khổng lồ của dầu mỏ và khí đốt Nga. Các nước châu Á, Trung Đông, Mỹ Latin, châu Phi là thị trường thay thế EU. Thực tế, 2/3 nước trên thế giới đã không tham gia cuộc cấm vận của phương Tây chống Nga. Nỗ lực của phương Tây kéo “bức màn sắt” chống Nga đã trở nên kém hiệu quả. Nga tăng 25% ngân sách quốc phòng, chiếm 30% ngân sách quốc gia, chuyển nền kinh tế sang hoạt động thời chiến. Trong khi Mỹ và NATO cạn kiệt vũ khí viện trợ cho Ukraine thì năm 2023, Nga tăng gấp 7 lần sản xuất xe tăng, 20 lần đạn pháo phóng loạt so với năm 2022. Nga có diện tích hơn 17 triệu km2, dân số hơn 144 triệu người và có nguồn tài nguyên rất phong phú, có một bề dày lịch sử oai hùng, từng giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh lớn... nên khả năng chống chịu của Nga là không thể xem thường. 

Cuộc xung đột Nga-Ukraine là một tác nhân để Mỹ, EU và NATO tăng cường liên kết, nhưng cũng thúc đẩy Nga-Trung Quốc tăng cường quan hệ nhằm đối phó với sức ép của Mỹ và các nước phương Tây. Kim ngạch thương mại song phương đạt mức cao kỷ lục và đang hướng tới mục tiêu 200 tỷ USD. Kể từ năm 2013, trong 10 năm, ông Tập Cận Bình và ông V.Putin đã gặp nhau tới 42 lần. Có lẽ trong lịch sử bang giao quốc tế, hiếm có cặp nguyên thủ nào lại gặp nhau với mật độ cao như vậy.

Ngày 18-10-2023, khi gặp nhau bên lề Diễn đàn "Sáng kiến Vành đai và Con đường", Tổng thống Nga V.Putin đã gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là "người bạn thân yêu". Trung Quốc và Nga nhất trí gia hạn Hiệp ước láng giềng hữu nghị và hợp tác thân thiện đã được ký kết năm 2001 thêm 5 năm. Đặc biệt, hai bên khẳng định “không có giới hạn nào trong hợp tác chiến lược Trung Quốc-Nga”. Nga “dựa vào sự ủng hộ của Trung Quốc, vì Trung Quốc là nước láng giềng lớn nhất và là đối tác chiến lược của Nga”.

Trung Quốc nhấn mạnh, dù tình hình quốc tế thay đổi, Trung Quốc sẽ “trước sau như một” hợp tác chiến lược với Nga để cùng thắng, nhằm bảo vệ lợi ích chung, thúc đẩy xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới. Điều này đặt Mỹ vào thế cùng lúc đối đầu với sự hợp lực của hai đối thủ mạnh nhất. Đây không chỉ là sự liên minh của quốc gia có số dân đông nhất thế giới với quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới mà đây là hai cường quốc có sức mạnh về kinh tế, quân sự, chính trị, ngoại giao và văn hóa hàng đầu thế giới. 

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã đẩy quan hệ Nga-Mỹ, Nga và các nước phương Tây rơi vào trạng thái tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Coi Nga là mối đe dọa trực tiếp nhất đối với châu Âu, NATO tăng cường triển khai quân đội ở Đông Âu, lực lượng phản ứng nhanh tăng từ 40.000 quân lên 300.000 quân. Để đáp trả, Nga tuyên bố tạm dừng tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START), triển khai các cuộc tập trận theo kế hoạch với sự tham gia của những hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) di động Yars có tầm bắn lên đến 12.000km và có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân.

Cuộc chiến Nga-Ukraine thêm một lần nữa cho thấy rõ lịch sử thế giới trước hết là cuộc đua tranh quyền lực của các nước lớn. Khuấy động, áp chế, khuynh đảo vũ đài quốc tế hiện thời không ai khác vẫn là những “ông lớn” đã và đang án ngữ mặt tiền đời sống thế giới. Tiếng gào thét của lợi ích đang cuốn nhiều quốc gia, dân tộc vào một cuộc đua tranh ngày càng quyết liệt. 

Một trật tự thế giới cân bằng và hài hòa không chỉ là cuộc chơi của các cường quốc mà phải quan tâm đến tiếng nói và lợi ích của tất cả các quốc gia, phải được xây đắp trên nền tảng của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc; phải hướng tới ngăn ngừa chiến tranh, bảo vệ hòa bình, tăng cường tình hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc, huy động được sức mạnh của toàn nhân loại giải quyết thành công những vấn đề thời đại và toàn cầu cấp bách, nóng bỏng của thế giới đương đại. Bài học thiết thân cho các nước nhỏ là không để cuốn vào vòng xoáy xung đột, không bị đẩy vào tình thế buộc phải chọn bên, không bị biến thành con tin của các tham vọng nước lớn, trở thành nạn nhân của những tính toán sai lầm của chính mình.

C.Q.B (theo QĐND)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.