Quốc tế

Việt Nam sẵn sàng đối thoại cởi mở, thẳng thắn về quyền con người tại Liên Hiệp Quốc

Thứ Ba, 07/05/2024 | 14:56

Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người thu hút sự quan tâm cao, với gần 140 nước đăng ký phát biểu, đặt câu hỏi.

Sẵn sàng đối thoại thẳng thắn

Ngày 7/5, tại Trụ sở Liên HIệp Quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam - Đỗ Hùng Việt dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Theo Bộ Ngoại giao, phiên đối thoại về Báo cáo UPR của Việt Nam thu hút sự quan tâm cao, với gần 140 nước đăng ký phát biểu, đặt câu hỏi.

Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Liên Hiệp Quốc. Ảnh: Internet

Báo cáo của Việt Nam được xây dựng theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ở thời điểm Việt Nam đang lần thứ hai đảm nhiệm cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025 và chuẩn bị tái ứng cử nhiệm kỳ 2026 - 2028. 

Báo cáo có sự đóng góp của nhiều cơ quan trung ương và địa phương, qua nhiều vòng tham vấn các nước đối tác, các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu và nhiều cá nhân trong và ngoài nước.

Đoàn Việt Nam có sự tham dự của khoảng 10 - 15 bộ, ngành. Việt Nam vừa trình bày báo cáo, đồng thời giải đáp, cung cấp thêm thông tin, chia sẻ số liệu, lập luận mới liên quan đến thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam, những thành tựu đã đạt được, đồng thời cũng chia sẻ những khó khăn đang gặp phải, qua đó có thể thu hút được thêm sự quan tâm, hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế cho quá trình này ở Việt Nam. 

“Một điều cũng rất thú vị là phiên đối thoại diễn ra vào đúng ngày kỷ niệm 70 năm Giải phóng Điện Biên. Điều này cũng có ý nghĩa bởi qua sự kiện đó, chúng ta có thể khẳng định được với thế giới tầm quan trọng của hòa bình trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên phạm vi toàn cầu. Chúng ta có thể chia sẻ được những kinh nghiệm của Việt Nam đối với thế giới, với các nước, thúc đẩy thông điệp về hòa bình, về phát triển và đảm bảo quyền con người”, ông Đỗ Hùng Việt cho hay. 

Đảng và Nhà nước Việt Nam có chính sách nhất quan trong việc bảo đảm quyền con người. Việt Nam sẵn sàng đối thoại cởi mở, thẳng thắn, hợp tác, xây dựng với tất cả các nước, kể cả về những điểm còn khác biệt, nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm tốt trong việc bảo đảm quyền con người.

Triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ trương nhất quán bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Đảng và Nhà nước, Việt Nam ủng hộ cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền, nghiêm túc xây dựng các báo cáo quốc gia, các kế hoạch hành động và triển khai hiệu quả các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận trong 3 chu kỳ UPR trước.

Với tinh thần này, tại phiên đối thoại, đoàn Việt Nam sẽ đề cập một cách tổng thể việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam kể từ lần rà soát UPR trước, cập nhật khuôn khổ chính sách và pháp luật liên quan đến quyền con người, thông tin về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam sẽ thông tin cập nhật tiến độ triển khai các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận ở chu kỳ III cũng như các ưu tiên, cam kết của Việt Nam trong thời gian tới. Đoàn Việt Nam sẵn sàng tham gia đối thoại với các quốc gia trên tinh thần hợp tác, bình đẳng, xây dựng.

Thách thức và những thành tựu nhân quyền của Việt Nam

Trong suốt thời gian vừa qua, từ chu kỳ đầu tiên cho đến nay, Việt Nam đã đạt được rất nhiều tiến triển trong bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam. Việt Nam đã liên tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là với việc thông qua Hiến pháp năm 2013 với 1 chương riêng về quyền con người, và sau đó trên cơ sở Hiến pháp, Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện hơn 100 văn bản pháp luật khác nhau. Riêng trong chu kỳ 3 vừa rồi, thực hiện các khuyến nghị, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi, thông qua mới khoảng 40 các văn bản pháp luật để dần dần hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam, tạo cơ sở rất vững chắc cho việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người. 

Dấu ấn thứ 2 phải kể đến sự phát triển về kinh tế - xã hội rất ấn tượng ở Việt Nam. Ví dụ như chỉ trong vòng 4-5 năm trở lại đây, GDP đầu người của Việt Nam đã tăng 25%, đạt mức khoảng 4300 USD /người/năm như hiện nay. Tỷ lệ bao phủ về bảo hiểm y tế, hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng cũng phát triển rất mạnh mẽ. Bên cạnh đó, sự phát triển của các cơ quan báo chí truyền thông, của internet, của các mạng xã hội cũng thể hiện rõ chủ trương chính sách của Việt Nam trong việc khuyến khích thúc đẩy tự do ngôn luận, tự do báo chí, để tiếng nói của người dân, các tổ chức chính trị xã hội đến được với Đảng và Chính phủ, Quốc hội để chúng ta có thể ngày càng hoàn thiện hơn chính sách pháp luật, cũng như quá trình triển khai của chúng ta. 

Trong năm 2023, kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng trên 5%, với tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 3%, đồng thời tiếp tục dành trung bình hàng năm khoảng 3% GDP cho bảo đảm an sinh xã hội. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo, qua đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực và quyền lương thực cho hàng triệu người ở nhiều khu vực trên thế giới. 

Các ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền, trong đó có bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người. Tại Khóa họp thứ 56 tháng 6/2024, Việt Nam sẽ đề xuất nghị quyết hàng năm về bảo đảm quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu. 

Những thành tựu đạt được trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân thể hiện cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam, nhất là trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức do tác động bất ổn từ môi trường chính trị, kinh tế, xã hội thế giới.

Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo đảm thực thi pháp luật về quyền con người trên mọi lĩnh vực, từ Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, thông tin; Quyền của người bị giam giữ được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm; Quyền của người Dân tộc thiểu số; đến Quyền hưởng thụ các thành tựu phát triển kinh tế; An sinh xã hội…

Trong đó, với Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Điều 24 Hiến pháp 2013 của Việt Nam quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”.

Nhà nước Việt Nam bảo đảm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo được thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo, mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo. Hiện nay, các tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, tăng 10 tôn giáo với 35 tổ chức so với trước khi ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Hoạt động quốc tế của các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam ngày càng được mở rộng; hằng năm có nhiều đoàn, tổ chức, cá nhân, tôn giáo tham gia hoạt động tôn giáo ở nước ngoài. Đồng thời, hoạt động tôn giáo quốc tế được tổ chức thành công ở Việt Nam như Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại Lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019...

Đại lễ Vesak LHQ 2019 hội tụ 1.650 đại biểu quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia, các cao tăng thuộc nhiều trường phái Phật giáo truyền thống trên toàn thế giới. Ảnh: Internet

Với Quyền của người Dân tộc thiểu số, Việt Nam là quốc gia thống nhất của 54 dân tộc trong đó có 53 dân tộc thiểu số chiếm 14,68% tổng dân số. 

Người dân tộc thiểu số được hưởng những quyền ưu tiên đặc thù theo quy định của Hiến pháp và pháp luật như: Được bảo đảm quyền tham gia hệ thống chính trị, tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo quy định tại điều 27 và 28 Hiến pháp 2013. Tỉ lệ người dân tộc thiểu số tham gia vào bộ máy chính trị ngày càng tăng. Số lượng đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số luôn chiếm tỷ lệ cao so với tỉ lệ dân số trong ba nhiệm kỳ Quốc hội gần đây.

Trong những năm qua, các chương trình chính sách xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam được thực hiện hiệu quả góp phần cải thiện rõ rệt tình hình kinh tế - xã hội nói chung và ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng. 

Việt Nam đã tham gia Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) từ năm 1982 và từ đó đến nay đã 4 lần bảo vệ báo cáo quốc gia thực hiện Công ước CERD vào các năm 1983, 1993, 2000 và 2012. Việt Nam đã xây dựng và bảo vệ báo cáo quốc gia thực thi công ước CERD lần thứ 5 từ ngày 29 - 30/11/2023.

T.L (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.