Thanh thiếu niên

Tổ Tín dụng thanh niên: Tạo cơ hội cho thanh niên vượt khó vươn lên

Thứ Hai, 21/08/2017 | 08:28

Với mục đích hỗ trợ vốn cho thanh niên phát triển kinh tế, Đoàn phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) vừa thành lập Tổ Tín dụng thanh niên. Tổ tín dụng ra đời góp phần giải quyết nhu cầu bức thiết về vốn, việc làm của đoàn viên - thanh niên (ĐV-TN) trên địa bàn thành phố hiện nay.

Đại diện Thành đoàn TP. Bạc Liêu (trái) trao quyết định thành lập Tổ Tín dụng thanh niên cho Đoàn phường Nhà Mát. Ảnh: H.L

Tổ Tín dụng thanh niên của Đoàn phường Nhà Mát được thành lập với vốn điều lệ ban đầu là 150 triệu đồng, do những thanh niên có điều kiện khá giả đóng góp. Nguồn vốn này cho ĐV-TN vay với hình thức tín chấp. Đối tượng vay là tất cả ĐV-TN trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Tuy nhiên, điều kiện để ĐV-TN tiếp cận được nguồn vốn là phải có mô hình phát triển kinh tế cụ thể hoặc có ý tưởng thực hiện, có cơ sở làm ăn nhất định. Tùy vào từng mô hình mà ĐV-TN có mức vay khác nhau. Sau khi vay, ĐV-TN sẽ góp trả lại vốn mỗi tháng.

Anh Trương Anh Tuấn, Bí thư Đoàn phường Nhà Mát, Tổ trưởng Tổ Tín dụng thanh niên, chia sẻ: “Xuất phát từ nhu cầu thực tế về vốn của ĐV-TN mà tổ tín dụng ra đời. Đã qua, nhiều ĐV-TN có mô hình hay, ý tưởng kinh doanh khả quan nhưng không có vốn để triển khai thực hiện. Tổ tín dụng hoạt động trên tinh thần thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế, nhất là tạo cơ hội cho ĐV-TN có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, cải thiện cuộc sống. Hầu hết ĐV-TN vay vốn để phát triển mô hình kinh tế nhỏ, như: mở tiệm cắt tóc, rửa xe”...

Hỗ trợ, đồng hành cùng ĐV-TN phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống được các cấp bộ Đoàn trên địa bàn TP. Bạc Liêu đẩy mạnh thực hiện trong suốt thời gian qua. Bằng nhiều giải pháp đã giúp ĐV-TN có điều kiện mua bán, sản xuất và thực hiện có hiệu quả về vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên. Tuy nhiên, việc hỗ trợ nguồn vốn cho ĐV-TN còn nhiều khó khăn, chủ yếu thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong khi đó, nguồn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội chủ yếu dành cho đối tượng nghèo, cận nghèo, còn hỗ trợ ĐV-TN thì rất hạn chế. Bên cạnh đó, thông qua kênh vay vốn của ĐV-TN thì tối đa mỗi người chỉ được vay 30 triệu đồng, nếu muốn vay nhiều hơn, phải có tài sản đảm bảo thế chấp, mà đa số ĐV-TN đều sống chung với gia đình hoặc nếu ra ở riêng thì tiềm lực kinh tế còn hạn hẹp, thử hỏi lấy gì thế chấp? Chính điều đó đã làm ảnh hưởng đến việc thành lập các mô hình, hạn chế sản xuất, kinh doanh của ĐV-TN. Từ đó có thể khẳng định, Tổ Tín dụng thanh niên của Đoàn phường Nhà Mát ra đời đã góp một phần không nhỏ trong việc giải quyết vấn đề bức thiết về nguồn vốn của ĐV-TN TP. Bạc Liêu hiện nay.

Dù chỉ mới đi vào hoạt động gần đây, nhưng Tổ Tín dụng thanh niên đã nhận được tín hiệu tích cực, khả quan. Nhiều ĐV-TN đã tìm đến nộp hồ sơ xin vay vốn với mục đích kinh doanh, mua bán, chăn nuôi. Anh Trương Anh Tuấn cho biết thêm: “Mới đây, Tổ Tín dụng thanh niên nhận được 5 hồ sơ xin vay vốn, trong đó có 2 hồ sơ của ĐV-TN phường Nhà Mát, 3 hồ sơ còn lại là của các phường, xã khác trên địa bàn thành phố. Mỗi hồ sơ của ĐV-TN đều có nguyện vọng vay 10 triệu đồng”.

Không riêng gì TP. Bạc Liêu mà nhu cầu về nguồn vốn để thực hiện ước mơ khởi nghiệp tại quê nhà đang là vấn đề được ĐV-TN trong tỉnh quan tâm nhất hiện nay. Cho nên, việc thành lập, xây dựng các quỹ hỗ trợ thanh niên, tổ tín dụng đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp là rất quan trọng, các cấp bộ Đoàn cần nghiên cứu, xem xét. Bởi đơn thuần không chỉ là hỗ trợ ĐV-TN phát triển kinh tế, mà còn là giải pháp hữu hiệu, thiết thực để thu hút, giữ chân ĐV-TN ở lại địa phương. Tuy nhiên, khi thành lập tổ tín dụng hỗ trợ ĐV-TN, các cấp bộ Đoàn cần có cơ chế hoạt động, quản lý chặt chẽ và linh hoạt trong việc giải ngân nguồn vốn để giúp được nhiều ĐV-TN.

HOÀNG LAM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.