Tùy bút - Tản văn

Chiến tranh qua câu chuyện kể của cha

Thứ Hai, 01/06/2015 | 17:22

“Năm 1968, khi cô Hai con mới theo chồng được 4 tháng thì bị máy bay “đầm già” của Mỹ bắn chết. Đó là một cái chết không toàn thây, đầu tóc cháy xém, tay chân gãy hết vì trúng nguyên một trái pháo…”. Không có hoàng tử, cũng không có công chúa như chuyện cổ tích thường có, những câu chuyện của cha thường bắt đầu bằng những hình ảnh ghê rợn, bởi máu và nước mắt chiến tranh.

Rồi một đứa trẻ như tôi lại “say” những câu chuyện ấy tự lúc nào không biết. Có lẽ vì tôi là một người sống vì thực tế, nên chẳng bao giờ tôi tin vào những câu chuyện “có cánh”. Và cũng vì sống trong đất trời bình yên như thế này sẽ chẳng bao giờ tôi bắt gặp được nỗi thống khổ của đời người trong thời bom đạn, loạn lạc, vậy nhưng qua những câu chuyện của cha, tôi như lạc vào một thế giới khác.


Tuổi thơ của cha rong ruổi trên những cánh đồng lúa miên man, bầu bạn cùng mấy con trâu già, chiều chiều cứ thế mà thong dong ngắm ánh hoàng hôn đỏ rực chân trời. Nhưng nó chẳng bình yên mà còn có những cơn mưa thất thường của bom đạn cứ ào ạt trút xuống. Cứ mỗi trận mưa bom càn quét xóm làng của giặc, là xác nhà lẫn xác người hòa vào nhau tạo ra một thứ mùi khét lẹt riêng biệt… Chiến tranh là vậy, lạnh lùng đến tàn nhẫn. Những con người bần cùng ở miền quê của cha chỉ còn niềm tin le lói duy nhất đó là trong chờ vào ngày độc lập. Và cuối cùng họ cũng đã đợi được ngày vui ấy. Nhưng ác nghiệt là độc lập rồi mà ruộng đất hoang tàn và “con” của má có còn đâu...

Câu nói của bác Ba cứ ám ảnh tôi trong suốt câu chuyện của cha: “Má đừng lo, độc lập rồi con về làm ruộng nuôi má”. Cha tôi kể: Cái ngày định mệnh khiến bác Ba con quyết chí đi theo cách mạng là năm 1968, khi cô Hai con 17 tuổi được gả ra ngoài xóm Năm Căn, cách nhà hơn 4 cây số. Mới theo chồng được 4 tháng thì cô Hai bị “đầm già” của Mỹ bắn chết. Đó là một cái chết không toàn thây, đầu tóc cháy xém, tay chân gãy hết vì trúng nguyên một trái pháo. Hay tin dữ, nửa đêm bác Ba băng đồng chạy về nhà thì nhà cũ đã bị thiêu cháy rụi, bởi trước đó lính tiểu khu Vĩnh Lợi phát hiện trong vườn nhà nội con có 2 hầm bí mật nuôi chứa cách mạng. Ông bà con dắt díu cả đại gia đình xuống ghe chạy vào chùa Cả Giá lánh nạn trước khi bị chúng đốt nhà, bắt người. Bác Ba con thì quanh quẩn một đêm ở khu vườn hoang tàn cháy đen ấy, rồi sáng ra băng đồng vào căn cứ Vàm Lẽo, đi theo cách mạng trong nỗi hận thù những kẻ đã giết cô Hai và làm gia đình mình ly tán. Phận người trong chiến tranh như mảng bèo vụn trôi trên sông lớn, đẩy đưa xô bồ để rồi bác Ba tôi có một cái cớ rất đường hoàng đi theo cách mạng, thế nên bà nội tôi có xót xa cách mấy cũng ngậm ngùi nuốt nước mắt để Bác đi. Bác Ba đi vào vùng giải phóng hơn 4 năm, mà gia đình chỉ thăm bác được một lần. Lần đó cha cùng bà nội và bà cô Tư chèo xuồng từ nhà ra Vàm Lẽo hơn 2 cây số để thăm bác Ba, thời chiến tranh nên mỗi lần đi nguy hiểm vô cùng, trên đường đi là phải trốn sự kiểm soát của Mỹ ngụy. Ra đến Vàm Lẽo phải ở đó mấy ngày để chờ người “móc nối”. Nghe tin gia đình đi thăm, bác Ba phải băng đồng cả một ngày một đêm mới đến được chỗ thăm. Lúc ấy bác đã là Trung đội trưởng trinh sát của Tiểu đoàn Phú Lợi 1. Gặp nhau, bác Ba ôm cha với bà nội tôi đến nghẹt thở. Bà nội thấy vết thương chằng chịt vừa kéo da non trên sóng mũi của bác Ba mà khóc nức nở. Cha còn nhớ câu nói của bác Ba con nghe mà đứt ruột: “Má đừng lo, sắp độc lập rồi, con về làm ruộng nuôi má”.

Đời bác Ba tôi tưởng chừng chỉ có đau thương và nước mắt. Nhưng hóa ra giữa chốn đau thương này, những phận người nhỏ bé, hèn mọn lại vô tình bắt gặp, để họ có thể xoa dịu nỗi đau cho nhau giữa nơi sặc nồng mùi máu lạnh, âu cũng là một cái duyên đời. Bác Cưởng là người con gái đã xoa dịu nỗi đau âm ỉ chảy trong máu của bác Ba. “Bác Cưởng bước vào nhà mình chăm lo mọi việc, bác chẻ củi chất thành một cự to ở sau hè và tét mấy chục bó lá dừa để nhóm lửa chất bên chái bếp dùng nửa năm cũng không hết. Bác bảo bác Ba thương bà lắm, giờ bác Ba bận lo việc nước, nên bác Cưởng thay bác Ba đỡ đần cho bà. Nghe bác Cưởng nói, bà con ôm mà rơm rớm nước mắt”, cha tôi kể.

Chiến tranh càng hung tàn, càng mãnh liệt đến đâu thì bác Cưởng và ông bà nội tôi đứng ngồi không yên, lo lắng, sợ sệt triền miên, bởi chết chóc cứ rình rập. Mỗi lần bác Ba về là trên người lại có thêm vết thương, bác Cưởng sờ lên vết thương mà khóc. Chiến tranh càng ác liệt, đầu ông bà tôi ngày càng bạc trắng. Vậy đó mà nỗi sợ hãi lớn nhất của ông bà tôi và bác Cưởng cũng xảy ra. Đó là vào một buổi hừng đông, trên chiếc tàu Thành An chạy từ Vàm Lẽo vào, nước sông Bạc Liêu ròng sát kiệt, bác Cưởng để nguyên quần áo nhảy xuống bãi sình, bườn lên nhà tôi. Mới không gặp bác 2 tháng mà cha tôi nói bác như già đi mười tuổi. Bác Cưởng đổ sụp vào người bà tôi rồi bất tỉnh sau khi kịp nói câu: “Má ơi, anh Ba hy sinh rồi!”. Ông bà nội tôi chết đứng, nỗi đau đến tột cùng, ào ạt cùng những giọt nước mắt của bao con người già nua. Tất cả đều không dám khóc to. Bác Ba mất, nhà không dám làm đám tang, không dám dựng bàn thờ cho bác, bởi vùng gia đình tôi ở khi ấy “ngày thì quốc gia, đêm cộng sản”.

Những con người trong ngữ cảnh trên chẳng thể nào là chuyện cổ tích, bởi nó hoàn toàn không phải là chuyện hư cấu, cũng chẳng có thần tiên và kết thúc chỉ có máu và nước mắt. Vậy đó, nhưng tôi lại thích gọi đó là chuyện cổ tích, bởi bằng cách nào đó, tôi lại bị mê hoặc một cách kỳ lạ về đời về người trong thời khắc đó. Rồi tôi thấm thía rằng, được sống trong hòa bình là điều may mắn hơn vạn điều khác trong cuộc sống này.

MAI PHAN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.