Tùy bút - Tản văn

Còn thương rau đắng mọc sau hè

Thứ Sáu, 16/10/2015 | 16:49

Đặt tô canh rau đắng đất với tép trấu còn nghi ngút khói cạnh mẻ kho quẹt trong chiếc mâm con, má kéo vội chiếc khăn rằn lau dòng lệ đang lăn dài trên đôi gò má hốc hác vì tảo tần xuôi ngược. Đốt ba nén nhang, tay má run run cắm vào chiếc lư hương đã cũ kỹ theo năm tháng, miệng lầm rầm khấn: “Út ơi! Cưng sống khôn thác thiêng về ăn cùng Hai bữa cơm nghèo…”. Bỗng đâu, một người đàn ông gầy gò, tiều tụy với bộ quần áo rách bươm bước vào nhà và òa khóc nức nở như một đứa trẻ vừa bị phạt đòn: Hai ơi…!

 ***

Ông bà ngoại tôi đều mồ côi cha mẹ, lớn lên trong sự đùm bọc của người thân, bà con chòm xóm. Hai hoàn cảnh éo le, ngang trái đã gặp nhau ở những điểm chung và quyết định đồng cam cộng khổ dưới một mái nhà. Thương đôi trẻ nghèo, bà con trong xóm ai có gì phụ nấy, người cho mượn tạm phần đất, người giúp cây lá và cùng nhau dựng lên cho họ một mái ấm để che mưa che nắng. Hàng ngày, chồng đi chăn trâu thuê, vợ đi cắt lúa mướn. Đến khi đồng còn trơ gốc rạ, hai vợ chồng nghèo còn tranh thủ thả thêm bầy vịt chạy đồng để có cái ăn.

Cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn nhưng luôn đầy ắp tiếng cười của đôi vợ chồng trẻ. Căn nhà càng hạnh phúc hơn khi mẹ, rồi cậu tôi lần lượt ra đời. Ông ngoại cũng tảo tần, dày dạn gió sương hơn khi đôi vai gầy phải gánh thêm hai đứa con thơ. Nhưng với ông ngoại, mẹ và cậu tôi là cả gia tài mà ngoại tích cóp được. Niềm vui không trọn vẹn, khi một đêm giông tố, ông ngoại qua đời vì cơn bạo bệnh. Mẹ góa con côi, 3 mái đầu nương tựa với nhau trong cái nghèo đói. Nhiều người đánh tiếng kêu ngoại bước thêm bước nữa, nhưng ngoại quyết lòng ở vậy thờ chồng và nuôi dạy hai đứa con thơ lớn khôn.

Cuộc sống nghèo khó nên bữa cơm đạm bạc nhà quê cũng trở thành cao lương mỹ vị. Mớ tép trấu ngoại mò dưới sông, đám rau đắng đất sau hè cũng trở thành đặc sản. Mỗi lần được ăn canh rau đắng đất tép trấu, cùng với mẻ tóp mỡ kho quẹt, bụng cậu lúc nào cũng no núc ních. “Mai này con có chết, ngày giỗ con, má và Hai chỉ cần nấu canh rau đắng đất, tóp mỡ kho quẹt cúng con là được rồi. Vừa ngon, bổ, lại chẳng mất tiền mua và với con còn là cả tình thương của má, của Hai”. Những lúc đó, ngoại lại mắng yêu: “Mồ tổ cha bây, suốt ngày cứ nói gở!”.

Rồi má lấy chồng cách nhà ngoại một con sông, chỉ cần bước qua chiếc cầu tre lắt lẻo là má lại quây quần cùng ngoại và cậu bên mâm cơm nghèo đạm bạc. Thế rồi, sóng gió gia đình nổi lên khi cậu phải lòng một phụ nữ cùng xóm đã góa chồng và có một đứa con riêng. Bất chấp lời cản ngăn của ngoại, của má, cậu quyết lòng lấy người phụ nữ ấy cho bằng được. Ngoại tuyên bố từ cậu và sẽ không cho cậu được phép để tang khi ngoại qua đời. Và cũng trong ngày hôm đó, cậu khăn gói ra đi theo tiếng gọi con tim. Hôm đó là mùng 10 tháng Chạp.

Má tôi dọn về sống cùng ngoại để đỡ đần hôm sớm. Từ đó, chẳng ai biết tung tích gì về cậu. Chỉ tội cho ngoại, mỗi chiều lại ra phía sau hè nhìn đám rau đắng đất đầu mùa sa mưa xanh mướt, mớ tép trấu ba tôi mò dưới sông nhảy xoi xói mà nước mắt rưng rưng. Hơn 10 mùa rau đắng xác xơ rồi xanh tốt, mà cậu vẫn bặt tăm, ngoại đã dọng lư hương và lấy mùng 10 tháng Chạp hàng năm làm ngày giỗ cậu. Rồi ngoại qua đời vào một ngày đầu xuân tháng Chạp. Trước phút lâm chung, ngoại căn dặn má đừng quên nấu canh rau đắng đất tép trấu vào ngày giỗ cậu. Dù có cơi nới, sửa sang lại nhà cửa cũng đừng lấp bỏ đám rau đắng đất mé sau hè vì đó là nơi ấp ôm nhiều kỷ niệm của gia đình mình…

***

Mỗi năm, má tôi vẫn đều đặn làm giỗ cậu với những bữa cơm đạm bạc. Đám rau đắng đất sau nhà luôn được ba má, chị em tôi chăm sóc cẩn thận và giờ nó trở thành “đặc sản” cho bà con cả xóm.

Mùng 10 tháng Chạp, như thường lệ, má chuẩn bị cơm cúng cậu từ sáng sớm và nghe lòng mình vỡ òa tình máu mủ thiêng liêng khi nghe tiếng gọi thân thương như vọng về từ quá khứ: “Hai ơi…!”. Nhưng không, đây là sự thật khi hình hài tiều tụy kia chính là đứa em cật ruột mà má đã bặt tin suốt hơn 30 năm trời.

Cậu xì xụp húp vội bát canh rau đắng thơm nồng hương đất mẹ như thâu hết vào trái tim mình những nỗi niềm khôn nguôi của kẻ tha hương. Những tia nắng ấm đầu ngày chiếu vào mái lá, hắt xuống hai mái đầu đã điểm hoa râm. Lời bài hát “Còn thương rau đắng mọc sau hè” từ đâu vọng lại nghe sao mà thấm thía: “…Biểu cậu ngồi, mẹ nhổ tóc sâu. Hai chị em tóc bạc như nhau…”.

THƯ CÁC

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.