Tùy bút - Tản văn

Hai bức ảnh

Thứ Tư, 01/07/2015 | 15:23

Sau nhiều năm đắn đo, 60 tuổi cha toi mới quyết định bán một phần miếng vườn phía mặt trời lặn cho gia đình ở tận TP. HCM để làm khu ẩm thực, chuyên các món ăn dân dã miệt vườn đón khách du lịch. Mươi công đất vườn ông bà để lại, nơi từ trước đến nay vẫn nổi tiếng trong xóm vườn ven biển nhiều người trong, ngoài tỉnh biết đến. Cũng từ trước đến nay, nguồn thu nhập từ khu vườn này thường không đều đặn, bấp bênh. Chỉ rộ vào mùa nhãn dịp trung thu, còn là loại trái cây ít ỏi theo mùa như mãng cầu, cam, quýt, ổi… Cha mẹ tôi làm thêm vài công rẫy. Tháng nào rau ấy, thu nhập không nhiều, được cái là có thường xuyên trong sinh hoạt gia đình. Làm rẫy, ngày nào cũng có việc để làm. Lúc lên giồng, tưới nước, bón phân, diệt sâu, làm cỏ… Nhà ít người, việc làm quanh năm nên tôi thành lao động chính lúc nào không nhớ.

Miếng rẫy nhà tôi cạnh bên miếng vườn vừa sang lại nên hàng ngày ra rẫy, nhìn qua miếng vườn quen thuộc, thuở tôi lửng thửng dạo loanh quanh hái trái, trèo cây. Cùng bạn bè trang lứa nhảy dây, đánh so đũa dưới gốc nhãn cổ buổi trưa hè. Nhớ kỷ niệm xa xưa khi nhìn qua khoảnh vườn sang lại, chủ mới dọn dẹp, cất nhà hàng, khu vui chơi lấn dần kỷ niệm tuổi thơ mình, đôi lúc lòng bùi ngùi dù không rõ là buồn nỗi gì. Chủ nhà mới mời cha tôi sang dùng cơm, hỏi chuyện về vùng đất, địa phương mình mới đến. Cha tôi, cũng như tôi, thi thoảng nhắc kỷ niệm gia đình với người chủ mới về chỗ gốc cây này, cái ao kia với lòng luyến tiếc, nơi mà cha tôi và tôi biết đã không thuộc về mình nữa.


Buổi trưa, người thanh niên từ khu ẩm thực đang xây dựng trên đất vườn cha tôi vừa nhượng lại hăm hở bước qua miếng rẫy nhà tôi với chiếc máy ảnh trên tay. Người thanh niên đi qua những liếp rau cải, thi thoảng dừng lại ngắm nhìn với vẻ mặt như khám phá điều gì và đến liếp cải sau cùng, đứng bên cạnh tôi. Vài câu làm quen, anh xin chụp những liếp rau trên rẫy, anh nói, những liếp rau, cây trái trên rẫy tươi nguyên trong ánh nắng mai đẹp đến lạ lùng. Nhỏ đến lớn, anh chỉ thấy toàn rau cải ngoài chợ hay trong siêu thị thôi, người ta chăm chút cỡ nào thì nó cũng ỉu xìu, không tươi tắn như vậy. Anh xin chụp ảnh tôi đang lúc chăm sóc những liếp rau cải. Tôi thoái thác - “Đang làm bùn đất lấm lem, chụp ảnh làm sao đẹp”. Anh nói - “Ảnh thật tự nó đã đẹp, còn dàn dựng hay sắp xếp có thể đẹp hơn nhưng không thật. Mình thấy đẹp mà trong bụng biết nó không thật sao còn nguyên giá trị được”.

Người thanh niên đó là con của gia đình vừa sang lại miếng vườn nhà tôi. Không cùng cha mẹ kinh doanh, chỉ xuống chơi cho biết nhà mới của mình và thư thả với làn gió biển trong lành trong không gian vuông vườn yên ả. Vài ngày sau, anh qua rẫy để gởi bức ảnh anh chụp tôi hôm trước. Tôi ngỡ ngàng trước hình ảnh của mình. Tôi nói cảm ơn nhưng thầm buồn trong bụng. Anh luôn miệng khen bức ảnh đẹp, anh không khen người đẹp, không khen cảnh đẹp, mà vẻ đẹp như anh giải thích là vì nó chân thật, dung dị giữa đời thường khó tìm thấy trên tranh ảnh, sách báo hàng ngày.

Thái độ của tôi cho anh biết tôi phật lòng vì bức ảnh không được chuẩn bị trước và nhất là còn cả vết bùn dính trên má trái của tôi mà anh không kêu tôi phủi đi. Anh nói, anh có thấy nhưng muốn giữ nó trong khung ảnh vào thời điểm đó. Sau vài lời trái ý nhau, anh từ giã về thành phố. Tôi nài nỉ anh xóa dùm bức ảnh đó đi, người khác thấy người ta cười. Trả lời tôi anh cũng chỉ cười.

***

Nhượng lại phần đất vườn, gia đình tôi không lâu sau cũng thôi làm rẫy. Nhà tôi cất mới, trong một vuông rào cạnh khu ẩm thực của gia đình anh. Hơn một năm sau khu ẩm thực gia đình anh mới hoàn thành. Sân vườn yên ắng trong ký ức tuổi thơ tôi giờ đây đã nhộn nhịp, ồn ào hàng ngày bởi khách từ phương xa đến. Lòng tôi vẫn có chút mong chờ dịp này sẽ gặp lại anh. Lý do thật mỏng manh, chỉ là bức ảnh không vừa ý đã làm tôi lúng túng trước sự dửng dưng, thích thú của anh. Nhưng anh đã không về bởi chưa đến kỳ nghỉ hè.

Sau này, dịp về anh chủ động tìm tôi. Anh tặng tôi bức ảnh - cũng chính bức ảnh năm trước nhưng anh đã chỉnh sửa lại rất nhiều. Tôi ngỡ ngàng trước hình ảnh mới của mình và ngạc nhiên nói rằng tôi chưa bao giờ có đôi mắt như vậy. Mũi, đôi môi, làn da của tôi và cả chiếc áo bà ba nhiều bông hoa màu mè như vầy chưa từng là của tôi. Anh gật đầu, nhưng vội hỏi - “Vệt bùn trên má đã mất rồi, nhiều chi tiết đẹp hơn… còn giận không”…

Có giận cũng để bụng, thiệt ra đã quên mất tiêu rồi, bức ảnh bây giờ đẹp thì đẹp thật nhưng hình hài này đâu phải là tôi. Anh mỉm cười - cái tật hễ nói là cười, đôi khi không nói cũng cười - “Chỉ có em là thật. Máy móc làm được nhiều thứ, có điều, chỉ là ảo”.

Nhìn bức ảnh bây giờ lại nuối tiếc cái thật có chính mình đã qua. Những thứ đơn sơ giờ có muốn nhìn lại, miếng rẫy, tấm áo bà ba hay vệt bùn vô tình dạo trước cũng đâu tìm lại được. Bức ảnh nhắc nhở - bao giờ cũng hãy là chính mình. Anh còn giữ hình ảnh đó của em ngày trước, chính cái chân chất, dung dị nhiều xúc cảm kia đã khiến anh hôm nay quay lại, tìm về…

Bạc Liêu, tháng sáu, hai ngàn mười lăm

Tạp văn: Trần Xuân Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.