Tùy bút - Tản văn

Hương đồng

Thứ Sáu, 18/12/2015 | 17:17

Bốn mươi năm thường xuyên vắng mặt trên vùng quê mà tôi đã từng có một vụ mùa bỡ ngỡ trước từng công việc ruộng đồng. Cô bạn nhỏ, con út của người giữ miếng đất, giao lại cho gia đình tôi sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đã hướng dẫn tôi từng công việc đồng áng. Cô Út cười ngặt nghẽo trước động tác vụng về, lúng túng của tôi. Và tôi, với cô Út là người đầu tiên hướng dẫn tôi cái nghề tưởng chừng như dễ dàng kia, bao nhiêu thế kỷ người nông dân đã đổ mồ hôi, cặm cụi trên đồng. Làng quê nhỏ bé, công việc ruộng đồng đã là vốn sống trên từng trang viết suốt dọc đời tôi và nếu như không có những ngày ngỡ ngàng, lúng túng trước cánh đồng và những mộng mơ thầm lặng tuổi vào đời ấy, cuộc đời tôi sẽ tẻ nhạt biết chừng nào.

Ngày đầu trở về sống ở làng quê, đầu tiên tôi đạp xe trở lại cánh đồng bốn mươi năm trước tôi đã từng bao lượt chống xuồng tới lui, làm một vụ lúa trên mười công đất của gia đình. Miếng ruộng mười công đất của gia đình tôi đã nhượng lại cho người khác từ lâu, bây giờ cũng không còn là ruộng nữa. Nhà của gia đình cô Út bây giờ, chính là căn chòi ruộng ngày trước, chỉ có mấy cây cột cặm bên bụi bình bát. Tấm vạc cách mặt nước chừng một thước thôi, bên dưới đậu chiếc xuồng be tám. Lợp, vừng lá chằm đốp, sàn bện bằng sậy với dây choại đỏ au. Trên tấm vạc, một chỗ để ngủ, cạnh bên, lỉnh kỉnh vừa là nồi niêu, soong, chảo, bếp dầu, gia vị và vài can nước mưa, tạm sống những ngày vào mùa.

Cánh đồng đầy năn bộp ngày xưa đã giúp tôi - đứa học nghề làm ruộng từ chợ mới về đã quen thân với cô Út, người ít khi rời khỏi cánh đồng của mình, dù vùng quê ấy cách chợ không xa là mấy. Tôi biết cầm phảng để phát, chế cỏ. Biết nhổ mạ, dùng nọc cấy lúa, rồi thì gặt, bó lúa… nếu chỉ nhìn thì không hiểu hết cái khó, cái mẹo trong từng động tác. Tôi thích căn chòi nho nhỏ của cô Út. Buổi trưa nghỉ tay, cơm nước xong rồi, nằm trên võng trong chòi, hút thuốc gò nghe chương trình ca cổ trên radio, có bữa ngủ quên lúc nào không biết. Nồi cơm, cá kho tôi mang theo, hôm nào cô Út cũng chế biến rồi hâm lại cho nóng, cùng ăn. Bữa nào tôi ngủ quên, cô Út không kêu mà ra ruộng làm tiếp công việc của tôi còn dang dở…

Miếng ruộng trong xóm từ lâu không còn ai làm lúa nữa. Có nhà nuôi cá chình, cá bống tượng xuất khẩu. Nhà lập vườn, trồng tràm, trồng cây ăn trái… cũng có nhà chưa biết làm gì thì đã có tin quy hoạch làm khu chung cư. Con kinh nhỏ đã lấp lại một phần cho dự án, thế nên, bây giờ xe cộ có thể rong ruổi khắp cánh đồng mà ngày xưa chỉ đi được bằng xuồng, điều đó với tôi thật là điều kinh khủng. Chèo thì không biết, tôi chỉ biết chống và bơi, mà lúc nào mũi xuồng cũng không theo ý mình điều khiển. Có lần tôi trách mình, hai mươi tuổi, điều khiển mũi chiếc xuồng không xong, cuộc đời tôi sau này biết trôi dạt tới đâu?

Chồng cô Út là người trong xóm, kể tôi nghe những câu chuyện của xóm làng và cái duyên của anh khi cùng Út lập gia đình. Những câu chuyện cũ, nhưng anh kể vì biết tôi muốn nghe, giờ đây, anh và Út đã có cháu nội, cháu ngoại đủ đầy. Anh soạn lưới, rủ tôi xuống chiếc xuồng cũ đi đuổi cá. Anh nói, kinh chặn dòng rồi, cá không còn nhiều và những gia đình ngày xưa sống bằng cách đánh bắt cá trên kinh này cũng không còn sống được với nghề nữa. Bây giờ không ai nghĩ đến việc bắt cá trên kinh, nhưng anh biết, cá vẫn còn, lươn vẫn còn… tuy ít. Thi thoảng anh vẫn đi đánh lưới cho đỡ ghiền…

Lâu lắm tôi mới bước chân xuống chiếc xuồng be tám, vẫn đôi bàn chân run run như thuở nào. Tôi tự bào chữa, run vì tuổi già chớ đâu phải nhát như hồi xưa. Nghe, anh chỉ cười. Chúng tôi chống xuồng qua một nhánh kinh, giăng lưới rồi dùng dầm đuổi cá. Anh lùng sục vào những bờ sậy ngã mình, trắng bông trên mặt nước. Tôi nghĩ thầm, có lẽ là người cố cựu, người thâm niên sống bên dòng kinh này nên anh biết từng loại cá ở nơi nào.

Hai, ba tiếng đồng hồ, tôi và anh quần thảo suốt một khúc sông và gỡ lưới được chừng hơn ký cá, nhiều loại. Những con cá ốm nhách và ngả màu đen như màu của dòng kinh ứ nước. Để nguyên bộ dạng như vậy, anh dẫn tôi ra khoảng trống cạnh bụi bình bát gần ao, quơ mấy khúc củi tràm, nhóm lửa. Mọi loại cá đều nướng trên mớ than hồng, vẫn là hương vị của ngày xưa. Vài đọt chùm ruột, lá điều lộn hột, đọt ổi, đọt cơm nguội, lá cách… Không có nhiều, chỉ là vài lá thôi mà hương vị ấy kéo lại được thời gian đến gần bốn mươi năm trong thoáng chốc. Cô Út, tay nách đứa cháu nội, tay cầm một bụi năn bộp dính theo một cục đất khoảng hai tấc vuông ra nơi hai anh em tôi đang nhâm nhi cá nướng. Cô Út đập cục đất có bụi năn bộp xuống đất, bể ra từng mảng và có thể nhận ra những củ năn màu đen đen mà mấy mươi năm trước, cô đã từng dạy tôi cách ăn ngay trên mảnh đất mà ngày xưa còn là đồng ruộng này. Cô Út cười, nói: “Bây giờ, răng cỏ đâu mà ăn được củ năn nữa phải không? Lấy tay chùi chùi cho sạch, bỏ hết vô miệng, nhai. Chừng nó dập hết, nhận ra được cái ngọt, cái béo của củ năn thì phun vỏ ra cũng được mà!”. Cô Út hỏi: “Nói vậy mà dám ăn không?”. Tôi trả lời: “Sức mấy mà không dám!”.

Nói vài câu giả lả, cô Út bồng thằng cháu nội vô nhà, đưa cho nó ngủ. Tự dưng tôi nhận ra sức sống tiềm tàng mà mãnh liệt của những con cá trong nước đen ngòm của dòng kinh đã bị chặn dòng. Tôi vẫn nhận ra, vị ngọt bùi của những củ năn trên mảnh đất đã không còn là cánh đồng như năm xưa nữa. Sức sống và hương vị ruộng đồng không hề lạt phai trong lòng người xa xứ. Ngà ngà say trong buổi chiều ngả nắng, nghe cô Út ru thằng cháu nội … “À ơi! Bao phen quạ nói với diều, cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm…”. Tôi chống tay, ngửa mặt lên trời, nói như hỏi chồng cô Út: “Ủa! cù lao Ông Chưởng… ở đâu, ta?”...

Tháng mười hai, hai ngàn mười lăm

Tạp văn: Trần Xuân Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.