Tùy bút - Tản văn

Quà quê

Thứ Sáu, 07/02/2014 | 20:23

Thằng nhỏ chỉ khoanh bánh trong dĩa, hỏi - Bánh này làm bằng gì, ngoại? Bằng nếp! Thằng nhỏ gật đầu, nhưng lại hỏi - Nếp là gì, ngoại? Nếp giống như gạo nhưng dẻo hơn, thường để làm bánh. Còn cái này gọi là nhưn, làm bằng đậu xanh. Cây đậu xanh trồng trên mấy cái giồng kế bên nhà. Cây dừa đó con biết rồi, những trái khô, để thắng dầu, làm bánh, mứt… Lá chuối thì ngoài bờ ao kìa… Làm miếng bánh như vầy cần nhiều thứ lắm, và phải trồng, chăm sóc nhiều ngày mới có được. Có điều, ở quê, mọi thứ đều quanh mình, không như ngoài chợ, cái gì cũng phải mua.

Thằng nhỏ lại gật đầu, có vẻ bằng lòng với cách giải thích cụ thể và cặn kẽ của tôi. Nó nói thêm - Người lớn, gom lại làm thì được, chớ gì? Ừa! vậy đó. Mà vậy là may cho tôi, nhiều lần, và không riêng gì tôi mới ngộ cái cảnh phải giải thích lòng vòng, khó xử. Là khi mấy đứa mới lớn, con hay cháu mình, thấy cái gì quanh nó đều hỏi. Mà đã hỏi là hỏi tới tận cùng, cho tới khi mình trả lời không được nữa mới thôi. Một lần dắt thằng nhỏ ra bờ hồ chơi. Nhìn xuống hồ, nó nói - Trăng rớt xuống hồ kìa, ngoại! Tôi giải thích - Không phải, đó là cái bóng của mặt trăng thôi. Mặt trăng thiệt còn ở trên trời kìa! Yên lặng vài giây nó lại hỏi - Mặt trăng ở đâu ra vậy, ngoại? Làm sao giải thích cho đứa nhỏ bốn, năm tuổi hiểu mặt trăng ở đâu ra. Đành chịu trận. Nếu nói, nữa lớn lên con sẽ hiểu, nó sẽ ưỡn ngực trả lời - Bây giờ con lớn rồi nè!...


Một thời tôi cũng hiểu như thằng nhỏ bây giờ. Làm sao để có một chiếc bánh. Từ nếp, gạo, từ cây trái quê nhà - Lớn lên chút nữa lại hiểu thêm - là những gì lắng đọng lại từ công sức con người, từ đất đai, sông rạch quê nghèo sau bao năm tháng…

Lúc nào đó trong đời, khi ngộ phải cảnh đi đâu đó xa nhà, thêm nỗi nhớ, mình sẽ bổ sung vào những nguyên liệu gần gũi, bình dị mà mình biết hôm nay với giọt sương sớm oằn vai trĩu nặng, những cơn nắng sớm mưa chiều, nỗi ruộng cạn, đồng sâu, ngày giáp hạt và dấu chân chim trên cánh đồng mùa hạn… khi đó, lòng mình nhận ra, trong chiếc bánh còn có một điều khó nhận ra - hồn quê. Hồn quê là điều khó lòng nói cho cặn kẽ, nhưng rất đỗi thiêng liêng. Là điều khiến cho người ta dù khi ăn sống trái khổ qua, đọt nhãn lồng hay ngọn rau đắng đất vẫn nhận ra vị thơm ngọt của ruộng đồng…

* * *

Phòng mẹ tôi, phía chân giường treo một cái gióng sát vách. Từ tôi biết đến giờ, trên cái gióng đó thường để thức ăn mẹ tôi dành lại cho con cháu trong nhà vào những ngày sau. Nhất là cho những đứa sống xa gia đình, sau dịp giỗ chạp, tết nhứt…

Phần bánh trái mẹ tôi dành lại làm quà của gia đình, anh em chúng tôi đã quen từ thuở nhỏ. Ngày trước mẹ gói bằng lá chuối, bây giờ mỗi đứa một túi nylon, buộc kỹ. Nửa đòn bánh tét, một gói nhỏ bánh bông lan, ít mứt gừng, mứt dừa, mứt tắc, đôi khi là những con khô sặc, khô bổi… Phần của đứa nào mẹ chưa bao giờ lẫn lộn, ít hay nhiều, khác hay giống nhau là tùy theo tánh ý của từng đứa con mà mẹ đã biết từ nhỏ. Đứa nào thích nhưn đậu, đứa nào ưa nhưn chuối, đứa thích mứt gừng, đứa ưa mứt tắc… Chúng tôi quen như vậy và không đứa nào từ chối, sợ mẹ buồn.

Phút từ giã sau những giỗ chạp, tết nhứt mẹ luôn nhắc chúng tôi đốt nhang trên bàn thờ gia tiên thay cho lời từ giã ông bà. Sau đó chúng tôi dắt xe ra cổng. Lúc này mẹ mang từng gói quà cho từng đứa. Mắc gói quà lên xe, từ giã mẹ rồi đi. Xưa, mẹ còn lụm cụm mang xuống tận bực sông, đặt những gói quà quê trước mũi xuồng rồi dặn kỹ. Làm dấu gì là phần của đứa nào. Đó là niềm vui của mẹ. Lặng thầm và sâu lắng, không nhìn được ánh mắt, mà mẹ cũng không nói hoặc không thể nói hết bằng lời.

Nhớ mẹ, nhớ căn phòng nhỏ ngày xưa lơ thơ ngọn đèn chong nhỏ. Ngọn đèn chong bằng vải mùng se lại, xỏ qua lỗ của một đồng xu gác trên chiếc dĩa dầu cá. Ngọn đèn ngập ngừng mỗi đêm trước của những lần đi xa, ngồi bên mẹ trong phòng. Trên mép giường cặm bằng cây cốc, cây giá. Đăng bện thay tấm vạt giường bằng dây choại và những cây sậy già êm êm, ấm cúng với những sợi khói từ cái mẻ un không biết có tự bao giờ. Xưa, mẹ dặn đủ điều, từ chuyện ăn, uống, giặt giũ đến việc tiền cất trong túi nào cho đừng mất. Giữ gìn sức khỏe, quan hệ, đối xử với người chung quanh ra sao…

Chúng tôi lớn lên, thi thoảng mẹ lại hỏi thăm về những người bạn của con mà mẹ từng gặp trước đây khi về thăm nhà. Mẹ thường không nói ý kiến riêng mình. Mẹ không thúc hối, không bó buộc nhưng luôn mang hàm ý là ước mong của mẹ. - Ráng chọn được đứa nào học hành tử tế thì tốt cho gia đình, cho con cái sau này. Nếu gia đình người ta cũng nghèo như nhà mình thì đỡ khó xử về sau… Thương mẹ, không hiểu sao, chữ nghèo gắn bó, đeo đẳng mẹ mình lâu như vậy.

* * *

Quà quê, bình dị như cánh đồng mênh mông chiều gió lộng, như dòng sông quê yên ả nước lớn ròng. Đi đâu, ở đâu, chỉ cần nhận ra thoang thoảng làn khói thơm rơm đã nhớ quê mình với tiếng cá quẫy, trái bình bát đêm đêm rụng xuống ao đìa… Hồn quê với những điều tưởng chừng quá nhỏ để nhớ mà khó lòng quên được trong đời. Nói cho đủ đầy miếng bánh của mẹ được gói bằng những gì, với tôi thật là điều không dễ…

Cà Mau, Bạc Liêu, tháng hai, hai ngàn mười bốn

Tùy bút: Trần Xuân Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.