Tùy bút - Tản văn

Quê xưa...

Thứ Sáu, 10/01/2014 | 19:04

Chưa đến rằm tháng Chạp, trung tâm thành phố đã thấy vài cửa hàng, quầy hàng, cả trong siêu thị cũng bắt đầu trưng bày vài loại bánh mứt dùng tiếp khách trong những ngày đón tết. Các loại hộp bánh mứt nhiều màu sắc, nhiều hình dạng từ hình vuông, hình chữ nhật, hình trái tim cho đến các ô đựng mứt bằng nhiều vật liệu khác nhau, hộp nào cũng với băng giấy đỏ và những chữ Chúc mừng năm mới màu vàng thật bắt mắt. Những hộp bánh mứt và màu vàng - đỏ làm cho sắc xuân lên men, dù còn khá lâu vẫn thấy rộn ràng, nôn nao.

Mỗi năm, vẫn nhận ra có vài loại bánh mứt mới, lạ mắt ra đời. Thật ra, khác về hình thức, cách trình bày chớ cũng với những rau củ quả quen thuộc ấy thôi. Nhìn bánh mứt chốn thị thành bỗng chợt nhớ những loại bánh mứt và các thức dùng trong ngày tết quê xưa. Không khác gì nhiều, mứt gừng nguyên củ, gừng lát, gừng dẻo gói trong giấy kiếng. Hay mứt dừa màu trắng, đỏ, xanh, vàng. Những viên kẹo chuối khô ngào với gừng, dừa xắt sợi, kẹo me, đậu xanh ngào đường gói giấy kiếng. Cầu kỳ hơn một chút, mứt tắc, mứt me, mứt đậu Hà Lan… Còn chưa kể đến các loại bánh truyền thống như bánh tét, bánh ít, bánh phồng, bánh tổ không bao giờ thiếu. Và sang, khéo tay hơn là bánh bông lan, bánh kẹp, bánh thuẫn… Thêm một gói trà con gà, con khỉ, vài chai rượu nếp than, mớ cá rộng dưới ao, mớ khô lươn, khô rắn, khô lóc, khô bổi, khô sặc xỏ lụi để dành… sẽ gầy nên cái tết sum sê, hào phóng nhưng rất đỗi quen thuộc, gần gũi nơi ruộng đồng.


Đã lâu, dù ngoại mất rồi tôi vẫn không quên. Những ngày tháng Chạp trời se se lạnh, ngoại tôi, buổi chiều tay cầm mác vót đi lòng vòng trong vườn. Bà dọn những tàu lá chuối khô và đếm thử còn được bao nhiêu lá chuẩn bị gói bánh tết. Bà tỉa vài nhánh cây khô trên đường đi, đóng thêm cây nêm vào liếp gừng… Rồi sau đó, ngoại dặn cả nhà rất kỹ - buồng chuối ở chỗ nào được ăn, buồng chuối nào để phơi khô, buồng chuối nào dành gói bánh. Trái mãng cầu ở mương liếp nào để dành làm mứt, và những buồng dừa, bà đứng nhìn lâu lắm, bàn tay che trên chân mày để nhìn cho kỹ, chon lựa, quày để làm mứt, quày gói bánh, quày thắng dầu… Đó là hình ảnh chuẩn bị ban đầu, nguồn cho bánh mứt ngày tết của ngoại mà tôi đã quen thuộc từ thuở nhỏ.

Có ý tứ sớm như vậy và những ngày cận tết, gia đình nào cũng lụi cụi cả chục ngày, chí ít cũng một tuần lễ để chế biến thành những món mứt, bánh tết quen thuộc, khéo léo, không thể thiếu và cũng khó mà quên!

***

Ba ngày đầu năm, mỗi người đều đến những nhà thân thuộc, lối xóm để chúc xuân. Chúc nhau những điều đời người luôn mong cầu mà người đời ít khi được trọn vẹn. Chúc mạnh khỏe, chúc trúng mùa, chúc hạnh phúc, chúc thành công… Lúc này đồng đã cạn khô, nứt nẻ cho đôi chân được tự do trên cánh đồng quen thuộc, chân không còn dính với chiếc xuồng và tay sào như khi vào mùa. Lệ thường, đến chúc tết, đốt ba nén nhang trên bàn thờ Tổ quốc trước cửa nhà, bàn thờ tổ tiên, và sau đó sẽ ngồi nhâm nhi vài tách trà, ăn bánh mứt tự gia đình làm lấy. Rồi kể nhau nghe những câu chuyện vui, chuyện lạ, những chuyện từ hồi xưa, hồi nẳm trong đời mình biết được và những dự tính tương lai sẽ tiến hành trong năm mới. Các ô bánh mứt như một nguyên tắc được mang ra, hầu như đều giống nhau về chủng loại - cây nhà lá vườn, nên, không phải để ý năm nay nhà nào có nhiều loại bánh mứt, hay có loại nào mới lạ hay không mà trong bụng chỉ để ý độ khéo tay của gia chủ trong việc chế biến, trưng bày.

Bữa nay đi hướng này thì ngày mai sẽ đi hướng khác, và nhà ghé sau cùng là nhà thân thuộc nhất, sẽ thêm tiệc mặn. Là một bữa cơm. Thật ra, là bánh tét, thịt kho hột vịt, dưa hành, dưa giá. Là con cá lóc luộc hèm thêm một nắm rau đắng đất bờ ao. Là dĩa mắm tôm đỏ tươi với đu đủ bào sợi và gừng xắt lát, kèm với chuối chát, rau thơm. Những con khô lươn, khô rắn mà đôi khi khách còn nhớ đã dính lưới, vô lọp hôm nào… Bữa cơm đó, gia đình chủ nhà rất vui, mời khách tất cả những thức ăn làm khéo nhất, mới nhất của gia đình mình năm nay. Bữa cơm kéo dài và càng về sau càng đông người bởi sau đó, không thể thiếu một cây đờn ghi-ta phím lõm, cây đờn kìm, một bộ song loan được mang ra. Tiếng đờn, tiếng song loan đã rủ rê bạn gần xa tụ hội. Tiệc vui như chẳng thể tàn. Nhiều rượu, lời ca có thể vấp váp vài nơi, chớ chữ đờn thì vẫn mượt mà, không phai lợt. Khách, khi đến quần áo mới nghiêm trang, bận về, lúc lội vơi vơi ngoài đồng đã xăn ống quần, áo vắt vai, có người còn ngân nga xuống mùi một câu vọng cổ. Vui và hên nữa, bởi cái nghĩa sum vầy, ai cũng nói vậy khi tết mà có đờn ca hát xướng trong nhà với đủ mặt bà con lối xóm…

Thi thoảng, có bạn bè của con cháu ghé nhà ăn tết quê một lần cho biết. Năm, bảy đứa rủ nhau ra ranh vườn, bên những gốc dừa rễ đan thành thảm, cũng bánh mứt, rượu trà, đờn ca… Bắt cá lóc rộng sẵn nướng trui trên đồng trơ gốc rạ. Gom rơm rạ, đùa giỡn nhau trên đồng thêm niềm vui bất chợt, để rồi thành kỷ niệm dài lâu. Trái bần chín, trái ổi chua, trái me èo ọt cuối mùa hay mớ chùm ruột lơ thơ trên cây trong cảnh ruộng đồng, lúc này, trong niềm vui vẫn đủ sức hấp dẫn, âm thầm mà quyến rũ. Các em nhỏ thấm đẫm không khí tết quê như một trải nghiệm, khám phá hơn là thưởng thức. Vui thì vui, nhưng trong lòng các em, khung cảnh ấy chắc vẫn buồn hơn ở chợ, bởi cái lẽ quạnh hiu, xa xôi, cách trở khó bôi xóa tự lâu rồi.

***

Nhớ quê, có lẽ sẽ không lúc nào hơn không khí se lạnh của những ngày tháng Chạp. Nhưng sẽ thật tiếc nếu ngày nào đó, hình ảnh ấy, không gian ấy không còn vẹn nguyên, thơ mộng nữa, làm sao tìm cho tuổi thơ tôi một chốn đi về…

Bạc Liêu, tháng giêng, hai ngàn mười bốn

Tạp văn: Trần Xuân Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.