Tùy bút - Tản văn

Xóm Kinh Cùng

Thứ Sáu, 29/03/2013 | 20:18

Từ khi quy hoạch đô thị của thành phố mở rộng vành đai và con lộ nhựa mở rộng hai bên đường nối đường ra liên tỉnh lộ thì xóm Kinh Cùng - nằm giữa hai con lộ lớn ấy cũng dần thu hẹp. Hình ảnh những khoảnh ruộng đầy năn, những bờ đê đứt đoạn và nhịp cầu bắc qua mương bằng thân cây tràm, cây đước cũng không còn. Khi mất rồi thì người ta bắt đầu nhớ, nhất là kỷ niệm của chính mình gắn với hình ảnh ấy một thời đã không còn.

Nhà trong xóm Kinh Cùng co ro thuở nào nhờ tiền bồi hoàn ruộng đất bỗng bừng lên với những ngôi nhà tường khang trang và cái xóm cặp hai bên bờ Kinh Cùng thuở nào cũng sớm đô thị hóa. Chuyện cầu khỉ hay những thân cây bắc qua mương chỉ còn là hình ảnh trong ký ức để làm thơ, viết vọng cổ chớ thật sự không còn nữa. Thay vào đó là những nhịp cầu bằng bê-tông, hay chí ít cũng là nhịp cầu bằng gỗ chắc chắn, bởi giờ đây, nhà nào cũng có xe gắn máy và hầu như chẳng mấy khi vắng bóng xe cộ qua lại trên hương lộ một thời mà phương tiện chủ yếu vẫn là chiếc xuồng ba lá.

Hai bên bờ Kinh Cùng, bên đây là nhà của Bồng. Trước nhà, hương lộ được đắp cao, làm lộ bê-tông rộng rãi, phẳng phiu có cắm cả trụ đèn đường. Nhà Bồng cất chồm ra phía trước, gần mép lộ hơn và mở tiệm vá, sửa xe đạp, xe Honda - nghề mà trước đó không lâu gia đình Bồng đã ấp ủ, tính toán kỹ rằng, xe Honda không bao giờ hết mà ngày càng nhiều. Nhà Bồng đông anh em, gắn bó với nghề nông bao đời ở cái xóm Kinh Cùng này. Thật ra nhà con đông nên nghèo khó. Khoảnh ruộng của gia đình đã không cho phép Bồng tiếp tục đến trường từ cuối năm lớp 9. Từ đó, hàng ngày Bồng đi phụ công để học nghề sửa xe Honda trong gia đình người chú ở ngoài chợ. Sự kiện đó, với Bồng, hôm nay mới là khởi đầu sự kiện của mọi sự kiện trong cuộc đời mình. Từ khi nghỉ học, cô bạn láng giềng đồng thời là bạn cùng lớp bên kia bờ Kinh Cùng - tên Hạnh, vẫn khuyên Bồng ban đêm tranh thủ học bổ túc văn hóa, bởi sớm muộn gì cũng có dịp chọn một hướng đi. Những lời Hạnh nói tưởng chừng như một gợi ý bình thường, khuôn sáo nhưng nó cũng trở thành sự kiện sau này khó quên trong đời. Nghe lời bạn, Bồng cũng đi học bổ túc ban đêm, nhưng học hành thì bữa đực, bữa cái. Bởi không phải hôm nào tiệm sửa xe cũng nghỉ sớm mặc dù Bồng đã hết sức cố gắng, bởi Bồng cũng hiểu, bằng cách này, Bồng sẽ giữ được tình bạn lâu dài hơn với Hạnh.


“Đời không như là mơ”. Ai nói câu đó trong hoàn cảnh này, bây giờ với Bồng đúng thật. Học xong nghề sửa xe Honda cũng là lúc đất trong vùng đã quy hoạch lại, đường sá thông thoáng, Bồng về nhà mở một tiệm sửa, vá xe và chỉ có thể nói là đắp đổi qua ngày, bởi khách đến sửa xe chỉ toàn là người trong xóm. Chuyện đáng lắm mới tính được tiền, còn lặt vặt, thông thường thì làm giúp. Ai cũng là chú, là cô, là dì, là mợ, là anh em…

Sự kiện khá bất ngờ đến với Bồng là năm đó Bồng trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Sau khi học quân sự, được phân công trực và lao động sản xuất ở một huyện đội trong tỉnh, nên hàng tuần đều có công việc được về nhà. Bồng và Hạnh vẫn thường xuyên gặp nhau. Tình bạn vẫn gắn bó, đậm đà với cô bạn láng giềng đang cuối cấp III. Bây giờ lớn là vậy mà Bồng và Hạnh vẫn xưng gọi nhau mày, tao như thuở nào. Gia đình hai bên nhiều lần nhắc nhở khi nhận ra tình cảm hai đứa ngày càng thêm sâu đậm. “Ủa! Tụi bây lớn cỡ này rồi, đứa nào cũng có đi học trường này lớp nọ mà còn mày, tao hoài không thấy mắc cỡ sao?”. “Kêu anh - em mới mắc cỡ chớ ba, với lại tụi con chỉ là bạn thôi mà!”... Đại loại là gia đình nhắc nhở, hai đứa chống chế bằng cách này, cách khác. Thật ra, hai gia đình đều biết và đều không phản đối chuyện tình cảm riêng tư của hai đứa.

Rồi Hạnh vào đại học, Bồng vẫn gắn bó với cái xóm Kinh Cùng, với cái tiệm sửa, vá xe đạp, xe Honda dù bây giờ, xóm khang trang hơn, tiệm lớn hơn và việc làm ăn cũng trôi chảy, có thu nhập khá hơn nhờ cái bến Honda ôm gần đó. Hạnh tốt nghiệp, ở lại thành phố làm việc, mọi việc vẫn bình thường cho đến một hôm - và chính là hôm nay - Hạnh lấy chồng.

Chuyện Hạnh lấy chồng cũng là điều bình thường trong xóm Kinh Cùng, nhưng điều bất ngờ là chồng Hạnh không phải là Bồng. Bất ngờ hơn cả là Bồng là người tích cực và chu đáo trong việc giúp dựng rạp, trang trí cổng vu quy. Bồng nói với mọi người rằng hồi nhỏ, lúc hai đứa còn đi học, có lần đi ngang một đám cưới, thấy người ta dùng bông đủng đỉnh kết làm cổng vu quy, Hạnh đứng lại xem thật lâu, rồi nói: “Nữa lấy chồng, thế nào Hạnh cũng kết cổng vu quy bằng bông đủng đỉnh. Thấy nó rung rinh, gần gũi mà dễ thương làm sao đâu á! Đừng có thấy bông trái miệt vườn mà chê, nhiều thứ ở chợ còn chưa qua nổi đâu nha!”.

Tưởng là nói cho vui, vậy mà có một người vẫn nhớ. Tất nhiên là chỉ mình Bồng nhớ, nên hôm nay Bồng nhất quyết làm cái cổng vu quy kết bằng bông đủng đỉnh thiệt đẹp như hồi nào - chớ bây giờ, chưa chắc Hạnh còn thích nữa - để làm kỷ niệm! Hạnh về trước mấy hôm nhưng gần đám quá nên chuyện giữa Bồng và Hạnh cũng không nhiều. Chuyện nhiều nhất vẫn là chuyện học hành của Bồng, xưa giờ Hạnh vẫn nhắc điều đó.

Tối nhóm họ, bà con dòng họ, lối xóm, bạn bè chật nhà, chật sân. Chưa chắc đêm đó là cái đêm đầu tiên Bồng uống rượu nhưng chắc là đêm Bồng uống nhiều nhất trong mọi khách mời có mặt. Tiệc chẳng thể tàn, Bồng uống rượu đến 2, 3 giờ sáng và gục ngay tại bàn tiệc. Bạn bè đưa Bồng về nhà - chỉ cách bề ngang của con Kinh Cùng. Bồng say đến nổi không thể tỉnh dậy vào lúc rước dâu là 6 giờ sáng. Đến 2, 3 giờ chiều Bồng mới ngồi dậy nổi, nhìn bên kia bờ Kinh Cùng, nhà Hạnh, nhiều người còn đang dọn dẹp. Bồng lững thững qua nhà tiếp dọn rạp, trong bụng vẫn muốn nghe một câu gì đó, ngoài lời cám ơn đã dùm giúp lễ vu quy.

Giờ này, có lẽ xe rước dâu đã về đến thành phố rồi. Trong lần về chuẩn bị đám, Bồng cũng chở Hạnh đi mua sắm, mượn đồ đạc và gởi thiệp hồng mời đám. Khi nói tới chuyện mai mốt chắc Hạnh ít về quê, xóm mình mấy người trẻ đều có việc này, việc kia từ từ ai cũng đi hết, chẳng mấy chốc, chắc xóm mình buồn hiu. Hạnh nói: “Anh cũng nên tính mà bay nhảy một chút đi, theo cách của mình. Không phải là chuyện đi hay ở, học hành nữa hay không mà là chọn một hướng đi, một nẻo đường tích cực hơn, sôi động hơn cho cuộc đời mình, biết đâu…”.

Lần đầu Hạnh gọi Bồng là anh. Có lẽ ngày Hạnh biết mình đã thành người lớn. Ngay trong lời nói chỉn chu ấy không khỏi làm Bồng thật sự bất ngờ. Hạnh đã lớn hơn nhiều so với suy nghĩ của Bồng. “Đừng do dự và nhất là không nên tự bằng lòng với mình rồi dừng lại. Cuộc đời không hề dừng lại, ngay như người chết - người ta còn gọi là đã ra đi nữa... chớ đâu phải đã nằm yên!”.

Mai mốt nếu có dịp đi xa, nhớ cái xóm Kinh Cùng chắc cũng sẽ nhớ nhất là lời sau cùng này của Hạnh - Bồng nghĩ vậy.

Trần Xuân Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.