Du lịch nông thôn: Tiềm năng chưa được “đánh thức”

Thứ Tư, 02/09/2015 | 16:45

Xã hội càng hiện đại thì con người càng có nhu cầu sống gần gũi, giao hòa với thiên nhiên. Chính vì vậy, những năm gần đây du lịch xanh, du lịch sinh thái gắn liền với nông thôn bắt đầu “soán ngôi” các loại hình du lịch khác. Và với Bạc Liêu, một địa phương có nhiều thế mạnh về du lịch nông thôn thì việc đi tìm lời giải cho bài toán đánh thức tiềm năng du lịch nông thôn đang là vấn đề cấp thiết!

Thời gian qua, Bạc Liêu đang tìm kiếm những giải pháp thiết thực nhằm phát huy tối đa những tiềm năng sẵn có, tạo động lực phát triển đồng bộ các loại hình du lịch theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó, nhiệm vụ vực dậy lợi thế du lịch nông thôn để tạo ra sự đồng bộ, giảm dần khoảng cách phát triển du lịch giữa thành thị và nông thôn trở nên bức thiết khi du lịch được xem là ngành kinh tế động lực của tỉnh nhà.

Du khách tham quan làng nghề dệt chiếu Ngan Dừa (huyện Hồng Dân). Ảnh: H.T

Du lịch nông thôn là loại hình khai thác các vùng nông thôn như một nguồn tài nguyên quý giá cần được bảo tồn, phát huy nhằm đáp ứng lâu dài cho nhu cầu của cư dân đô thị trong việc tìm kiếm không gian yên tĩnh và giải trí ngoài trời, thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ có liên quan đến yếu tố con người gắn với thiên nhiên. Điều này được thể hiện sinh động thông qua các chuyến tham quan danh thắng, thưởng thức cảnh quan nông thôn và du lịch nông nghiệp. “Điểm hẹn văn hóa” Bạc Liêu có khá nhiều những danh lam thắng cảnh đẹp như: vườn nhãn cổ, vườn chim Lập Điền (huyện Đông Hải), vườn chim Phong Thạnh Tây (TX. Giá Rai), vườn chim huyện Phước Long, đặc biệt vườn chim Bạc Liêu (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) nằm trong trung tâm thành phố đang được đầu tư khai thác phát triển. Bên cạnh đó, các vùng sinh thái rừng phòng hộ ven biển; các trang trại nuôi trồng của các hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp; làng nghề làm nông cụ Ngan Dừa (huyện Hồng Dân), làng nghề đan đát Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long), làng nghề chế biến thủy sản thị trấn Gành Hào, làng nghề truyền thống muối Kinh Tư - Long Điền Tây (huyện Đông Hải), tuyến đường sông Vàm Lẽo (huyện Vĩnh Lợi)… cũng góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho bức tranh du lịch nông thôn và đang được tỉnh định hướng đầu tư để phát huy tối đa lợi thế.

Du lịch nông thôn còn gắn liền với những phong tục, tập quán đặc sắc trong đời sống văn hóa nông thôn. Và đây cũng chính yếu tố cốt lõi khi du khách tìm về với du lịch sinh thái nông thôn. Tuy nhiên, đến thời điểm này các địa phương vẫn chưa tìm ra hướng đi thích hợp nhất để đánh thức những tiềm năng đang “ngủ vùi”.

Phát triển du lịch nông thôn ở những vùng ven đô thị sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù tăng thu nhập cho người dân trong thời gian nông nhàn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho bà con. Sự phát triển này sẽ giải phóng sức lao động dư thừa trong cơ cấu lao động xã hội và khoác thêm áo mới cho những vùng quê nghèo khó! Và giải pháp căn cơ để phát triển du lịch nông thôn là đầu tư phải gắn với bảo tồn các công trình lịch sử, văn hóa, các hoạt động truyền thống về văn hóa dân gian, lễ hội thông qua sự quan tâm của du khách. Còn gì thú vị cho bằng được tự mình trải nghiệm với đời sống văn hóa nông thôn thông qua việc lưu trú tại nhà dân, cùng họ sinh hoạt, tham quan, mua sắm các sản phẩm làng nghề truyền thống; giao lưu với các nghệ nhân làng nghề về tài nghệ hoàn thiện sản phẩm; cùng người dân tái hiện lại lịch sử - văn hóa nông thôn thông qua các buổi trình diễn đờn ca tài tử, nói thơ Bạc Liêu, hò chèo ghe; cùng tham quan cảnh quan sông nước hữu tình và thưởng thức những món ăn tươi ngon do tự mình chế biến.

Một khi du lịch nông thôn phát triển sẽ kéo theo sự tăng trưởng về kinh tế - xã hội, phục hồi môi trường sinh thái tại địa phương, ý thức văn hóa của người dân theo đó cũng tự giác tăng cao. Và đặc biệt, phong trào “Người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch” sẽ càng sôi động, người dân nông thôn sẽ ý thức hơn, mạnh dạn hơn trong đầu tư mở rộng quy mô, phát triển các loại hình du lịch nông thôn như nhà hàng nông gia tại một số cơ sở đã có thương hiệu: quán “Hai Lúa”, cà phê “Hương Quê”, “Hương Đồng”, “Sông Quê”, “Quê Biển”, bánh xèo “A Mật”…

Để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra lợi thế cạnh tranh lành mạnh về du lịch trong vùng liên kết, thiết nghĩ thời gian tới tỉnh nhà cần quan tâm đầu tư có chiều sâu, trọng tâm trọng điểm để đánh thức tiềm năng, khai thác một cách có hiệu quả các thế mạnh của du lịch nông thôn Bạc Liêu.

THƯ CÁC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.