Giải bài toán đầu tư cho văn hóa

Thứ Hai, 06/05/2024 | 16:37

Đánh giá vai trò của văn hóa, Tổng Bí thư - Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa là bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Nhiệm vụ chấn hưng văn hóa luôn được Đảng và Nhà nước ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng, chấn hưng như thế nào, đầu tư từ đâu, có cần thiết “dành phần” cho văn hóa số tiền mấy trăm ngàn tỷ đồng khi nền kinh tế đất nước còn ngổn ngang những mục tiêu quan trọng mang lợi nhuận trước mắt rõ hơn?!

Bài toán đầu tư cho văn hóa chưa bao giờ thôi làm đau đầu ngành quản lý và các địa phương, nhất là trong thời kỳ bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay!

Bài 1:  ĐẦU TƯ... TỪ ĐÂU?

Có quá nhiều nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho việc chấn hưng văn hóa thời hiện tại. Bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội phát triển đang “tuồn” nhiều sản phẩm văn hóa độc hại vào Việt Nam, gây lệch lạc suy nghĩ, ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống, hành vi của nhiều người, nhất là thanh thiếu niên. Hệ thống thiết chế văn hóa các cấp đầu tư dàn trải, tốn tiền nhưng hiệu quả thì... hời hợt! Di sản văn hóa phi vật thể mang tầm nhân loại nhưng lại chưa phát huy giá trị ngay nơi được ra đời…

Những ngổn ngang đó đòi hỏi cần kíp phải giải bài toán khó: Đầu tư từ đâu để chấn hưng văn hóa?

Toàn cảnh Quảng trường Hùng Vương (TP. Bạc Liêu).

Băn khoăn với những “hạt sạn”

“Tôi rất bức xúc khi phát hiện bé con nhà tôi đang bị “đầu độc về mặt tinh thần” - đó là tâm trạng của một phụ huynh khi viết tâm thư “kêu cứu” việc một trường quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh phát quyển sách “Một thoáng ta rực rỡ nhân gian” của tác giả Ocean Vuong cho học sinh… đọc! Sự bàng hoàng của vị phụ huynh này khi tận mắt đọc được những trang viết mang nội dung khiêu dâm, đồi trụy (lại được chính giáo viên trao tay học sinh mang về nhà đọc) cũng chính là tâm trạng chung của nhiều người khi đọc những trang sách mà chị ấy chụp, đăng kèm với bức tâm thư đầy hoang mang!

“Mai mốt chuẩn bị nhập học là phải lôi hết sách của con ra đọc một lượt. Mua cuốn sách tham khảo nào thêm là đọc trước rồi mới đưa con. Quá trời thấy ghê rồi. Một, hai người không nói. Cả một tập thể học thức cao mà thế giới quan bị méo mó thì tác hại cho thế hệ sau cỡ nào. Bất bình thật chứ!”, chị H.N - một phụ huynh ở Bạc Liêu bày tỏ quan điểm.

Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh sau đó đã thu hồi toàn bộ sách có nội dung nhạy cảm mà trường này đã phát cho học sinh. Tuy vậy, thật như câu “mất bò mới lo làm chuồng”: quyển sách với những trang viết quá mức nhạy cảm, vượt giới hạn độ tuổi của những học trò lớp 11 đã gây bão dư luận những ngày qua. Vụ việc đặt ra câu hỏi: phải chăng đã có sự cẩu thả, hời hợt ở đây? Giáo viên đã xem qua nội dung sách chưa? Hay đã xem và cho đó là cách “vẽ đường cho hươu chạy… đúng”? Nhưng đúc kết từ ý kiến của phần đông công chúng, đó có thể xem là “hạt sạn” trong khi chúng ta đang “chấn hưng đạo đức, phát triển văn hóa, con người Việt Nam và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh” như chủ trương của Đảng, Nhà nước!

Cũng cách đây không lâu, ở Hà Nội, vụ nam sinh lớp 8 bị đánh đến chấn thương sọ não đã gây nhức nhối cả nước! Khi người ta mong phép màu đến với em thì cũng là lúc canh cánh niềm trăn trở: vì sao tuổi nhỏ bây giờ sớm tiêm nhiễm bạo lực đến như vậy? Vì người đánh cũng chỉ ở tuổi vị thành niên. Và rất nhiều vụ án đau lòng khác nữa liên quan đến tuổi vị thành niên cho thấy: những clip nóng, trò chơi bạo lực trên mạng xã hội hay các sản phẩm văn hóa độc hại đã tác động xấu đến tư tưởng, lối sống của nhiều người, nhất là thanh thiếu niên. Cái ác, phi nhân tính có dấu hiệu tăng đến mức đáng lo ngại!

Muốn lấy “hoa thơm lấn dần cỏ dại” thì cần có những tác phẩm đỉnh cao mang hơi thở thời đại, chữa lành những tổn thương, lấn át cái xấu, cái ác, cái phi nhân tính. Phải có những tác phẩm đáp ứng chân - thiện - mỹ, chỉ ra được thuần phong mỹ tục Việt Nam để công chúng hiểu thế nào là khái niệm “trái với thuần phong mỹ tục”. Đó là nhiệm vụ cấp thiết của lĩnh vực văn học, nghệ thuật - một trong những mảng quan trọng của văn hóa.

Bên cạnh những hồi chuông cảnh báo về sự băng hoại nhân cách, đạo đức con người là sự xuống cấp và mai một của nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Bảo tồn và phát huy giá trị những di sản này cũng đặt ra những yêu cầu cấp bách.

Lễ hội Kỳ yên được người dân gìn giữ, phát huy giá trị trong đời sống hiện đại. Ảnh: H.T

“Con số khủng” cần tầm nhìn xa

“Cần loại bỏ suy nghĩ văn hóa là cái bóng lệ thuộc vào kinh tế, không phát triển cũng “chẳng chết ai” - quan điểm này của một vị đại biểu khi thảo luận tại một kỳ họp Quốc hội gần đây cũng là vấn đề bấy lâu được “mổ xẻ” khi bàn đến cán cân chấn hưng văn hóa và phát triển kinh tế.

Ở tầm quốc gia, đã có lắm băn khoăn và nhiều bàn luận khi nhìn vào con số 350.000 tỷ đồng dự kiến cho “Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây trước mắt là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng để cụ thể hóa những chủ trương về văn hóa do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo.

Phân giai đoạn, phân nguồn đầu tư đều được cơ quan soạn thảo chương trình (Bộ VH-TT&DL) chỉ rõ, căn cứ từ việc lấy ý kiến các địa phương, chuyên gia, bộ, ngành. Đưa lý do nguồn đầu tư cho văn hóa ở giai đoạn trước vừa quá ít, vừa manh mún nên hiệu quả thấp. Bộ VH-TT&DL cũng khẳng định đầu tư nguồn lực dài hạn để chấn hưng, phát triển văn hóa là cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay… Thế nhưng, mức dự kiến 350.000 tỷ đồng cho một chương trình về văn hóa vẫn còn là con số đặt nhiều dấu hỏi và gây tranh luận!

Nhìn từ con số khủng của cả nước dành cho việc chấn hưng văn hóa, lại nhớ đến số tiền lớn từng gây tranh cãi ở Bạc Liêu cách đây 10 năm khi tỉnh mạnh tay đầu tư cho những công trình văn hóa nhân dịp đăng cai Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014. Đối với một tỉnh còn khá nhiều khó khăn, như một chiếc bánh nhỏ phải chia cho những đứa con trong một gia đình nghèo vậy, chia mà không công bằng, bị phân bì là lẽ đương nhiên! Nhưng đầu tư cho các lĩnh vực, việc cân, đo, đong, đếm như thế nào mới gọi là công bằng? Nhất là khi đầu tư cho văn hóa không thể sinh lợi nhuận trước mắt như đầu tư cho kinh tế.

Hàng trăm tỷ đồng xây dựng Quảng trường Hùng Vương, Trung tâm triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật, Nhà hát Cao Văn Lầu, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Tượng đài Mậu Thân - quần thể các công trình văn hóa - nghệ thuật tạo điểm nhấn cho không gian đô thị TP. Bạc Liêu lúc ấy có thể đưa đến suy nghĩ “mất cân đối ngân sách” khi tỉnh còn nghèo. Nhưng nhìn về lâu dài, đó là sự đầu tư cho tương lai. Và hiện tại là câu trả lời cho quá khứ. Sau 10 năm, những công trình ấy đã ngày một khẳng định giá trị, vai trò trong việc tạo nên diện mạo Bạc Liêu, sự khác biệt, dấu ấn văn hóa Bạc Liêu trong mắt bạn bè gần xa, là những địa chỉ du lịch văn hóa độc đáo (điểm du lịch tiêu biểu của Đồng bằng sông Cửu Long), dưới chân những tượng đài tri ân ấy còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau…

Vì không tạo ra lợi nhuận tức thì, nên khi đầu tư cho văn hóa, phải xác định đó là đầu tư tầm xa, đầu tư cho nguồn lực con người và sự phát triển bền vững.

Bài toán khó nhưng cần phải tìm lời giải cho đáp số thuyết phục. Quan trọng nhất vẫn là câu chuyện xây dựng cơ chế đầu tư... từ đâu sao cho hiệu quả?

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.