Kỳ vọng luồng gió mới cho cải lương

Thứ Hai, 01/04/2024 | 15:40

Bạc Liêu có 6 nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu cải lương (SKCL) tính đến thời điểm này (trong tổng số 8 NSƯT được Nhà nước công nhận) - đó là tín hiệu khởi sắc cho nền SKCL tỉnh nhà.

Từ những nghệ sĩ gắn bó, tâm huyết với nghiệp diễn, nỗ lực để mang về vinh quang, Bạc Liêu cũng đang kỳ vọng đội ngũ ấy sẽ thổi tiếp luồng gió mới cho cải lương trên đất này.

Hai Nghệ sĩ ưu tú Anh Chàng và Công Tràng (thứ nhất và thứ hai từ trái sang) trong vở cải lương “Đêm lạnh chùa hoang”.

Khởi sắc từ nỗ lực

Có thể ví đội ngũ NSƯT mà Bạc Liêu hiện có chính là thế hệ “măng mọc vững vàng” của SKCL trên vùng đất có nghệ thuật cải lương được gìn giữ và phát huy giá trị bằng nhiều cách - trong đó có cả một đề án phát triển nghệ thuật SKCL tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021- 2025. Nhìn trên bình diện chung, đó thật sự là nguồn nhân lực dồi dào, khi so sánh với toàn cảnh thực trạng “tre già” mà “măng chưa mọc” ở nhiều SKCL phạm vi toàn quốc; hoặc ở những nơi cải lương đang trên bờ vực của sự mai một, thiếu lửa để vực dậy phong trào, mà nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng cấu thành “ngọn lửa” ấy.

Những đêm SKCL sáng đèn tại sân nhà - Nhà hát Cao Văn Lầu, đội ngũ NSƯT của Bạc Liêu đã có khá nhiều vai diễn đi vào lòng khán giả. Có thể kể đến: vai ông Sáu của NSƯT Công Tràng trong vở “Dòng sông đỏ”; vai vua Phù Sai của NSƯT Giang Tuấn trong vở “Phạm Lãi biệt Tây Thi”; vai Hồ Bảo Xuyên do NSƯT Mỹ Hạnh và NSƯT Như Huỳnh cùng diễn xuất trong vở “Đêm lạnh chùa hoang”; hay các vai diễn phong phú cung bậc hỉ, nộ, ái, ố luôn gây ấn tượng đối với khán giả của NSƯT Anh Chàng... Những tên tuổi khác như nghệ sĩ Hải Đăng, Vĩnh Sơn, Minh Nghiêm, Diễm My, Hồng Nhiên, Hồng Thêm... vẫn đang nỗ lực trên hành trình nghề để chinh phục các danh hiệu cao quý, hơn cả là cống hiến tài năng cho SKCL tỉnh nhà.

Dù là thể loại cổ trang, xã hội, hài, bi kịch... thì các vai diễn của đội ngũ nghệ sĩ Bạc Liêu luôn góp phần khẳng định cải lương vẫn chiếm giữ cảm tình của khán giả hôm nay, giữa bao nhiêu loại hình giải trí hiện đại khác. Ngoài ra, còn nhiều vai diễn, trích đoạn mà các nghệ sĩ, trong đó đặc biệt là những NSƯT “đem chuông đi đánh xứ người” (tham gia những vở cải lương công diễn ngoài tỉnh với những nghệ sĩ kỳ cựu hoặc tham gia ghi hình phát sóng trên truyền hình quốc gia)...

Những buổi biểu diễn cuối tuần tại Nhà hát, khán giả lại chứng kiến sự cháy hết mình trong sáng tạo vai diễn, dù là ở vai chính hay phụ diễn. Say mê, tâm huyết, xả thân tận cùng với nhân vật bằng ngọn lửa của tình yêu nghiệp diễn, chính từ ngọn lửa đó, nỗ lực đó mà Bạc Liêu hiện đã có và sẽ có thêm nhiều NSƯT hứa hẹn cho tương lai SKCL.

Nghệ sĩ ưu tú Như Huỳnh biểu diễn trong chương trình khai mạc cuộc thi Tài năng diễn viên cải lương toàn quốc năm 2023 tại Bạc Liêu. Ảnh: C.T

Trông đợi đất diễn

Sứ mệnh của các nghệ sĩ, diễn viên cải lương là dùng tài năng, tâm huyết của mình để tiếp tục trọng trách tiền bối để lại: làm lan tỏa những sáng tạo, nét đặc trưng của nghệ thuật cải lương truyền thống trong bối cảnh hiện đại. Những vở tuồng đặc sắc với diễn xuất xuất thần của người nghệ sĩ có khả năng khắc họa sâu sắc đời sống văn hóa tinh thần của người dân và “thết đãi” khán giả những “bữa tiệc cải lương” độc đáo!

Còn nhớ, cuộc thi Tài năng diễn viên cải lương toàn quốc năm 2023 tổ chức tại Nhà hát Cao Văn Lầu đã mang đến cho khán giả mộ điệu nhiều cảm xúc, cái nhìn mới hơn về SKCL khi được tận mắt thưởng thức những vở tuồng có thể xem là tinh hoa của SKCL truyền thống và hiện đại. Lịch sử, văn hóa, truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc được tái hiện một cách đặc sắc qua nền nghệ thuật cải lương Việt Nam với những vở như “Kẻ sĩ Thăng Long”, “Đêm trước giờ hoàng đạo”, “Bến nước Ngũ Bồ”, “Sám hối”, “Nước mắt Thần phi”, “Thời con gái đã xa”, “Dòng sông đỏ” và nhiều vở mang tính đương đại khác. Những trích đoạn trong các vở diễn dự thi ấy chứng minh điều quan trọng và tiên quyết quyết định sự thành công của nghệ sĩ, diễn viên chính là có vở diễn hay, đất diễn tốt và phù hợp với khả năng của từng nghệ sĩ, diễn viên thì họ mới có thể thăng hoa, tỏa sáng trong vai diễn.

Nhìn từ cuộc thi, phản chiếu lại với thực tế mới thấy, thiếu kịch bản mới, đất diễn còn hạn hẹp để nghệ sĩ bộc lộ tài năng ca diễn chính là thực trạng chung của SKCL hiện nay, Bạc Liêu không ngoại lệ!

Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các tác giả, đạo diễn của nghệ thuật cải lương để đội ngũ này có thêm động lực làm mới các tác phẩm của mình - đây là yếu tố ngoại lực quan trọng cần quan tâm khi nội lực là đội ngũ diễn viên, NSƯT ở Bạc Liêu đã ngày càng dồi dào. Tạo đất diễn, sân diễn cho các nghệ sĩ nhiều hơn chính là giúp ngọc được mài giũa để tỏa sáng trên ánh đèn sân khấu Bạc Liêu. Đề án phát triển nghệ thuật SKCL giai đoạn 2021 - 2025 đã gần về đích thì càng cần những động thái triển khai cụ thể, thiết thực hơn từ phía những người có trách nhiệm.

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.