Thương hiệu vàng cho du lịch Bạc Liêu

Thứ Sáu, 23/02/2024 | 15:57

Công tử Bạc Liêu ra đi đã 60 năm. Nhiều người nói đến Công tử Bạc Liêu với “thành tích” ăn chơi hoang phí, tiêu tan sản nghiệp do cha ông để lại. Tuy nhiên, điểm đáng nói nhất là ông đã để lại cho Bạc Liêu thương hiệu “Công tử Bạc Liêu” - một thương hiệu vàng cho du lịch mà không nơi nào có được.

Tái hiện giai thoại về cậu Ba Huy được thực hiện tại Cụm nhà Công tử Bạc Liêu để tạo sức hấp dẫn cho điểm du lịch.

Quyền thế và sự giàu sang của Trần gia

Giữa năm trước, tôi có dịp ghé thăm Bạc Liêu lần thứ 2. Lần này đi du lịch nên tôi có thời gian thông thả hơn tìm hiểu về sự giàu có và sự phá sản của gia đình đại địa chủ Việt Nam. Qua thuyết minh của cô hướng dẫn viên du lịch, sự giàu có của ông Trần Trinh Trạch đạt đến mức mà ở Việt Nam thời đó không ai qua nổi. Trần gia có ruộng đất cò bay thẳng cánh từ Cà Mau đến Bạc Liêu đến Sóc Trăng ngày nay, được nhà văn Phan Trung Nghĩa trong  quyển sách “Công tử Bạc Liêu - Sự thật và giai thoại” miêu tả là: “Tất cả ruộng đất của Trần Trinh Trạch gồm 74 sở điền với 110.000ha đất trồng lúa và 100.000ha đất muối…”.

Ngoài ra, ông Trần Trinh Trạch còn kinh doanh muối, xay xát lúa gạo, cầm đồ, cho tá điền vay nặng lãi…, tất cả các dịch vụ này cái nào cũng loại “hốt bạc”. Tiền đẻ ra tiền, có tiền tạo ra quyền thế, bản thân ông đi lên từ “kẻ ăn người ở của nhà giàu”, nhờ được đi học tiếng Pháp nên có dịp ngoi lên trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Là người làm trong bộ máy của chế độ thực dân, ông có điều kiện để “khẩn hoang trên giấy” bằng cách xin cấp đất do nông dân khai phá và trở thành điền chủ nhỏ rồi từng bước thành địa chủ kếch xù. Chính vì thế, từ Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau, Cần Thơ đến Sài Gòn, Vũng Tàu… Trần gia đều có biệt thự sang trọng.

Du khách tham quan Cụm nhà Công tử Bạc Liêu. Ảnh: H.T

Thương hiệu “Công tử Bạc Liêu”

Khi đến Bạc Liêu, nhiều người thường ghé thăm cụm nhà Công tử Bạc Liêu. Trần gia ngày nay tiêu tan sự nghiệp, cả một cơ nghiệp đồ sộ như vậy giờ chỉ còn lại hai bức tựợng đồng của ông Trần Trinh Trạch và vợ được một nghệ nhân người Thụy Sĩ đúc vào năm 1929.

Ông Trần Trinh Trạch có 7 người con, nhưng không ai có khả năng phát huy được lợi thế tài sản của ông để hưng thịnh hơn nữa. Trong đó, tiêu biểu cho sự ăn chơi trác táng là “Công tử Bạc Liêu” Trần Trinh Huy, còn gọi là “cậu Ba Huy”.  Ông Trần Trinh Huy sinh năm 1900, mất năm 1973, được đi Pháp du học, có vợ đầm, về nước ăn chơi từ trẻ cho đến cuối đời, tiêu tiền như giấy. Về Bạc Liêu, tôi được nghe nhiều giai thoại về “Công tử Bạc Liêu” Ba Huy. Theo người Bạc Liêu, cụm từ “Công tử Bạc Liêu” là chỉ những người con trai nhà giàu ở Bạc Liêu ăn chơi “có tiếng”, tuy nhiên, khi xuất hiện Công tử Ba Huy chơi trội không ai sánh kịp thì gần như cụm từ này đã trở thành thương hiệu độc quyền của cậu Ba Huy.

Đằng sau những giai thoại về việc ăn chơi khét tiếng của Công tử Bạc Liêu, ngành Du lịch tỉnh Bạc Liêu cũng được thừa hưởng một thương hiệu có một không hai ở Việt Nam. Đó là một thương hiệu vàng mà du lịch Bạc Liêu nên có chiến lược để khai thác một cách bài bản. Bởi nói đến Bạc Liêu là du khách nghĩ ngay đây là xứ sở của Công tử Bạc Liêu, ai đến Bạc Liêu cũng muốn tham quan nhà Công tử, muốn giải mã sự tò mò về huyền thoại Công tử Bạc Liêu.

Văn Kim Khanh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.