“Uống nước nhớ nguồn”

Thứ Hai, 24/07/2017 | 16:58

Những ngày tháng Bảy thường nghe và đọc thấy cụm từ “uống nước nhớ nguồn”. Đó là lúc để đồng tâm tưởng nhớ về công lao của những người con Tổ quốc đã chịu nhiều hy sinh, mất mát khó gì bù đắp nổi, Ngày Thương binh - liệt sĩ 27/7! Chúng ta chỉ có thể tri ân, tưởng nhớ để sống tốt, sống xứng đáng chứ không làm sao mà trả nghĩa cho hết những hy sinh ấy…

Một đất nước “từ thuở còn nằm nôi” đã phải chịu cảnh “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” như lời trong ca khúc “Đất nước” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn (phải chăng “bão giông” và “nắng lửa” ở đây đâu chỉ là thiên tai mà còn là giặc thù xâm chiếm), thế thì con người phải đứng lên để giữ gìn biên cương Tổ quốc! Việt Nam trong hoàn cảnh như thế, vượt qua “bão giông, nắng lửa” lại có những tượng đài bất khuất ngàn đời!

Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Ảnh: H.T


Trước tiên, xin nói về tượng đài vĩ đại nhất trong những tượng đài, đó là những người Mẹ Việt Nam anh hùng! Đất nước Việt Nam trải qua biết bao cuộc chiến tranh chống và thắng thù trong giặc ngoài, bao nhiêu cuộc tiễn đưa không thể đếm cũng như nỗi đau trong lòng hàng chục ngàn người Mẹ đã được Tổ quốc tôn vinh là Mẹ Việt Nam anh hùng không thể nào đong đếm nổi. Nếu ai đã từng làm mẹ thì sẽ thấu hiểu được nỗi đau mất đi một đứa con lớn đến dường nào! Vậy mà, vì đại cuộc, vì đất nước đang cần, có những người mẹ đã chấp nhận để con mình ra đi - đi là biết không mong gì trở lại. Hết thằng anh rồi đến đứa em, có những người mẹ có đến 5 - 7 người con hy sinh vì Tổ quốc. Xin một lần nữa được nêu tên những người Mẹ Việt Nam anh hùng đại diện cho hàng vạn Mẹ Việt Nam anh hùng trên đất nước Việt Nam, những người mẹ đã mang những vết thương lòng đến trọn cuộc đời: Mẹ Nguyễn Thị Thứ ở tỉnh Quảng Nam có chồng, 9 người con, 1 con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ; anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Mẹ Phạm Thị Ngư ở tỉnh Bình Thuận có 8 người con là liệt sĩ, Mẹ Trần Thị Mít ở tỉnh Quảng Trị có 9 người con là liệt sĩ, Mẹ Hồ Thị Hạnh ở tỉnh Trà Vinh có 10 người con là liệt sĩ… Chúng ta thấy rõ những mất mát ấy quá lớn, nhưng chắc chưa nhiều người thấu được thế nào là nỗi cô đơn trong lòng mẹ khi “các anh không về mình mẹ lặng im”, lặng im trong thương nhớ, trong mỏi mòn chờ đợi những chuyến đi mãi mãi không về của những núm ruột thương yêu…
Nếu ai đã từng qua Ngã ba Đồng Lộc thì chắc rằng sẽ không ngăn được dòng nước mắt khi nghe câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái đang xuân. Họ hy sinh khi “gối còn thêu dở, cơm chiều chưa ăn”. Chị Hồ Thị Cúc trong số tiểu đội 10 người con gái còn không tìm được thi thể, bài thơ “Cúc ơi” của tác giả Yến Thanh sau đó như một lời gọi hồn thiêng liêng chứa chan nước mắt: “Tiểu đội đã xếp một hàng ngang/ Cúc ơi, em ở đâu không về tập hợp?/ Chín bạn đã quây quần đủ hết/… Chỉ thiếu mình em…”. Và còn biết bao câu chuyện cảm động rơi nước mắt về những anh linh liệt sĩ. “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/ Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/ Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây/ Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật/ Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật/ Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào”. Đó là lời của một cựu chiến binh về thăm chiến trường Quảng Trị ngập trong máu lửa, đạn bom một thời, ông viết gửi cho những đồng đội nằm lại nơi này. Những chiến sĩ vĩnh viễn nằm yên trong lòng đất mẹ khi tóc hãy còn xanh… Những anh hùng liệt sĩ đã đổ máu xương cho đồng bào, dân tộc mình được độc lập, tự do. Những mái ấm gia đình tan tác, mẹ khóc con, vợ lìa chồng, con mất cha; những ấp ủ, dự định tươi xanh của những chàng trai cô gái còn chưa kịp thực hiện, có người ra đi khi chưa một lần được nắm tay người yêu mình. Trái tim nóng ấm vì Tổ quốc luôn mãi xanh dù các anh đã mãi nằm yên trong lòng đất mẹ…
“Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi…”, lời ca khúc “Vết chân tròn trên cát” của nhạc sĩ Trần Tiến như một điển hình đẹp đến vô ngần về hình ảnh người thương binh. Các anh tàn nhưng không phế, vẫn yêu đời, cố vượt lên khó khăn, bệnh tật để tiếp tục góp ích cho đời. Những tấm gương tiêu biểu về thương binh vượt khó làm kinh tế giỏi, thương binh được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động khiến chúng ta thêm yêu quý và tự hào về hình tượng người thương binh Việt Nam: trong thời chiến, các anh chiến đấu hết mình, trở về thời bình, các anh vượt qua khó khăn, xây dựng mẫu hình tàn mà không phế, tiếp tục giúp ích cho đời!
Mẹ Việt Nam anh hùng, những anh hùng liệt sĩ, thương binh chính là những suối nguồn to lớn, cao cả và thiêng liêng nhất để chúng ta có trách nhiệm tưởng nhớ và tri ân! 70 năm qua, phong trào đền ơn đáp nghĩa mà cả nước chung tay thực hiện đã khẳng định đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Những phần việc mang đầy ý nghĩa đã được khắp nơi tổ chức thực hiện bằng tấm lòng tri ân như phụng dưỡng, chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng, tặng nhà tình nghĩa, tình thương, sổ tiết kiệm… cho gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; nhận đỡ đầu, dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho con liệt sĩ, thương binh… 
“Uống nước nhớ nguồn”, hãy hành động và làm bằng con tim biết thấu hiểu nỗi đau mất mát mà những người đi trước đã hy sinh cho chúng ta hôm nay. Những ngày tháng Bảy, những nén hương, ngọn nến lại tỏa sáng trên những nấm mồ liệt sĩ, những khúc ca bi tráng lại trỗi lên nhắc chúng ta nhớ về một thời chiến đấu, một thời đã có những con người ngã xuống vì đất nước bình yên hôm nay!
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.