Kỷ vật thời kháng chiến của tôi

Thứ Sáu, 27/04/2018 | 16:50

Chuẩn bị mừng đại lễ 30/4, đã hơn 40 năm rồi gia đình tôi đều dành thời gian để về lại chốn xưa, nơi còn lưu dấu tuổi thơ và biết bao ký ức hào hùng của một thời máu lửa và sâu đậm nhất vẫn là mối tình đầu của tôi.

Nói về những “chiến sĩ tay không đánh giặc” quê tôi thì có biết bao nhiêu chuyện kể về họ. Khi chiến trường cần quân, lớp lớp trai làng xung phong ra mặt trận, phụ nữ, người già thì tiếp lương, tải đạn và cung ứng hậu cần chu đáo, kịp thời tùy theo sức lực của mình. Khi tạm yên tiếng súng thì ca hát, vá may…, bộ đội với dân như con một nhà, đấm ấm nghĩa tình không sao kể xiết. Trong những lúc gian khổ, hiểm nguy vậy mà có biết bao mối tình nảy nở, bởi họ có chung lý tưởng, khát vọng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Xe chạy tới cây cầu mới bắc qua dòng sông lớn, xưa kia nơi đây là một khu quân sự, hàng rào kẽm gai bủa vây hàng chục lớp bao bọc một doi đất rộng, cũng tại đây nhiều chiến sĩ đặc công đã anh dũng hy sinh khi tình huống bất trắc. Giờ đây cái doi đất mênh mông đã hình thành tượng đài mang tên người anh hùng của quê hương tôi, dưới chân tượng đài là một công viên thơ mộng soi mình xuống dòng sông vẫn chở nặng phù sa. “Có phải chỗ này ngày xưa ba tham gia nhiều trận đánh, rồi chú Tư, cô Bảy cũng lần lượt hy sinh?”, con trai tôi hỏi. “Đúng rồi con! Đây là địa điểm huyết mạch mà ngụy quân, ngụy quyền xây dựng sào huyệt rất vững chắc nhằm khống chế toàn bộ đường sông và đường bộ, cắt đứt mọi lưu thông từ thành phố về các huyện vùng giải phóng. Vì vậy mà nó luôn nằm trong mục tiêu chiến đấu của bộ đội ta đó con. - “Còn cô Thùy, có phải cũng hy sinh ở đây không ba?”. - “Không, cô Thùy thuộc đội biệt động, cô hy sinh giữa lòng thành phố với sứ mệnh rất đặc biệt”.

Con tôi nhắc đến Thùy làm tôi nhớ về lứa tuổi thanh xuân, hăm hở xông pha không chút ngại ngần, lòng yêu nước đã trở thành ngọn lửa luôn cháy trong chúng tôi. Thùy được giao nhiệm vụ đánh bom bãi tàu hải quân bằng thủy lôi để bẻ gãy chiến dịch “hạm đội nhỏ trên sông” của địch. Thùy đã vượt qua hiểm nguy lần thứ nhất và hoàn thành nhiệm vụ, nhưng lần thứ hai em đã vĩnh viễn không trở về. Hai tháng sau tôi nhận được kỷ vật từ gia đình em trao lại, đó là một cặp gối thêu đôi chim bồ câu nhưng còn một con Thùy chưa hoàn thành.

 Mấy đứa con tôi khi lớn lên đều coi gia đình Thùy như bên ngoại, kỷ vật kháng chiến của tôi vẫn còn nguyên vẹn cặp gối thêu dang dở được lồng vào khung treo trong phòng lưu niệm. Lúc đầu các con tôi cứ thắc mắc: “Sao ba không treo hình cô Thùy? Ở bàn thờ cô bên nhà ngoại con cũng không thấy?”. Nghe các con hỏi mà tôi thắt cả ruột gan rồi giải thích thêm cho chúng hiểu: “Ngày đó, những người hoạt động tình báo, hay công tác biệt động thành bị hạn chế hoặc bị cấm chụp ảnh vì yêu cầu của tổ chức để bảo vệ tuyệt đối lực lượng chiến đấu trong lòng địch, vì vậy mà cô Thùy không có ảnh con à!”.

Sau này em gái Thùy thêu đôi bồ câu trắng trên nền vải màu xanh để thờ Thùy, đây là biểu tượng khát vọng hòa bình và Thùy đã cống hiến trọn vẹn cho khát vọng ấy. Còn tôi, tuy đôi chim em thêu còn dở dang, nhưng trong lòng tôi, nó đã liền cánh, đã tung bay trên bầu trời tự do từ ngày 30/4 lịch sử và nó cũng theo tôi đi hết đoạn đường dài của người lính Cụ Hồ.

Tôi tự hào về quê hương tôi, ở đó có những cô gái, chàng trai đã đem hạnh phúc riêng tư góp vào hạnh phúc chung của dân tộc. Tôi tự hào về đất nước tôi dẫu trải qua bao thăng trầm, gian khó vẫn đường hoàng tiến bước đi về phía tương lai, sánh vai cùng bè bạn trên con đường hội nhập và phát triển.

Bút Ngọc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.