Cư dân ven biển: Thấp thỏm nỗi lo mùa mưa bão

Thứ Hai, 10/05/2021 | 15:44

Tuy miệt mài lao động nhưng cuộc sống quanh năm vẫn chồng chất khó khăn, thiếu thốn, nhất là vào mùa mưa bão thì việc mưu sinh của những cư dân ven biển trên địa bàn tỉnh càng nhọc nhằn, hiểm nguy gấp bội.

Bà con sống ven biển phần lớn là những hộ di dân tự do, thuộc diện hộ nghèo đến từ nhiều địa phương khác nhau. Do không có đất sản xuất nên họ tìm đến các vạt rừng, ven biển để mưu sinh, rồi dần dà chọn nơi đây làm chỗ trú ngụ, cất nhà tạm bợ, bất chấp tình trạng sạt lở, dông lốc và triều cường dâng cao.

Xóm Mương Bảy có gần 30 hộ, đây là một trong những xóm có số hộ sống đông và lâu nhất trong rừng phòng hộ. Gần 40 năm ở trong khu vực Mương Bảy (ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) cũng là ngần ấy năm gia đình bà Tô Thị Duyên sống trong nỗi lo mỗi khi bước vào mùa mưa bão. Bà Duyên chia sẻ: “Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề làm thuê và mò cua, bắt ốc ven các vạt rừng, làm ngày nào ăn ngày đó nên dù trời mưa to gió lớn chúng tôi cũng không dám ngơi nghỉ, vì ở nhà thì không có cái ăn”. 

Mấy ngày qua, mặc dù đã được chằng chống, gia cố bằng những tấm bạt cũ, cây gỗ tìm kiếm được nhưng căn nhà của bà Nguyễn Thị Hoa (ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh) vẫn nghiêng ngả vì nó đã quá cũ kỹ, mục nát. Bà Hoa lo lắng: “Vợ chồng già sống nhờ vào mấy công đất nuôi tôm thuê và cái quán nước nhỏ, thu nhập bấp bênh nên không có khả năng cất nhà kiên cố. Con cái đều nghèo, đi làm ăn xa nên không đỡ đần được mẹ cha. Căn nhà xuống cấp lắm rồi, chỉ sợ không trụ nổi trong mùa mưa bão năm nay”.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Hoa chằng chống nhà cửa đề phòng dông, bão. Ảnh: T.Q

Ven tuyến kênh 30/4 (ấp 14, xã Vĩnh Hậu) chạy ra cửa biển có hơn 100 hộ sinh sống, đa phần cũng là dân tứ xứ, người kỳ cựu sống lâu được chính quyền cấp cho sổ hộ khẩu, con cái của họ lớn lên lập gia đình rồi cũng cất nhà cạnh nhau.

Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu nên diễn biến thời tiết phức tạp, khó lường, điều dễ dàng nhận thấy nhất là mỗi mùa mưa bão đến thường xảy ra tình trạng dông lốc cục bộ gây đổ sập nhà cửa và đáng lo hơn là tình trạng sạt lở cửa biển gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân, nhất là cư dân sống ven biển và trong rừng phòng hộ. Nhằm giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra với cư dân sống ngoài đê biển, thời gian qua, ngành chức năng tỉnh đã cho xây dựng các khu tái định cư đưa dân vào ở, mỗi năm các địa phương đều có xây dựng kế hoạch, phương án theo từng cấp độ rủi ro thiên tai, đối với từng loại thiên tai, xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc, trường học, các cơ sở hạ tầng khác để tập trung dân sơ tán tránh trú bão; hướng dẫn người dân cách chằng chống nhà cửa khi có bão đổ bộ. Các ngành, các cấp còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tổ chức và người dân về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển…

Tuy nhiên, để những cư dân sống ven biển không còn canh cánh nỗi lo khi mùa mưa bão đến, ngoài việc sớm đẩy nhanh thực hiện các dự án tái định cư, các phương án chống bão, chống sạt lở thì trước mắt, các địa phương cần nhanh chóng hỗ trợ dân sửa chữa nhà, thực hiện các mô hình sinh kế, qua đó góp phần vào công tác giảm nghèo của tỉnh.

Minh Luân

Theo báo cáo của Đài Khí tượng - thủy văn tỉnh, trong năm 2021, có khoảng 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 3 - 4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Nam Bộ không cao. Tuy nhiên, tình hình thời tiết luôn có những diễn biến phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể xảy ra như dông, lốc, mưa đá, sét đánh, mưa lớn cục bộ... sẽ xuất hiện nhiều trong thời kỳ chuyển mùa.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.