Nhiều chính sách mới mang lại cuộc sống tốt hơn cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Hai, 17/07/2017 | 16:19

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh - Trần Hoàng Duyên.

Qua thống kê sơ bộ, hiện Đảng, Nhà nước đang có 139 chính sách, 137 nghị định và hàng trăm quyết định của Thủ tướng Chính phủ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đáng chú ý, trong tháng 7/2017 này, Ban Dân tộc tỉnh quyết liệt triển khai nhiều chính sách mới hứa hẹn mang lại cuộc sống tốt hơn cho đồng bào dân tộc. Về vấn đề này, ông Trần Hoàng Duyên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết:

Giai đoạn 2017 - 2020, Chính phủ có nhiều chính sách đặc thù dành cho đồng bào DTTS. Cụ thể là Quyết định 582/QĐ-TTg và Quyết định 900/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã khu vực III, ấp đặc biệt khó khăn ở các xã khu vực II. Đặc biệt là Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/10/2016 phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 như: hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, nước sinh hoạt, tái định canh và định cư. Ngoài ra, Chính phủ còn có Nghị quyết 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định 59/QĐ-TTg, Quyết định 56/QĐ-TTg, Quyết định 18/QĐ-TTg… của Thủ tướng Chính phủ và một số chính sách khác dành cho đồng bào DTTS.

PV: Xin ông nói rõ hơn một số định hướng, mục tiêu cụ thể từ các chủ trương, chính sách trên?

Ông Trần Hoàng Duyên: Theo Quyết định 582, Bạc Liêu có 11 xã khu vực III, gồm: xã Minh Diệu, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình); xã An Trạch A, An Trạch và Long Điền (huyện Đông Hải); xã Tân Thạnh, Phong Thạnh Đông (TX. Giá Rai); xã Ninh Quới, Ninh Thạnh Lợi, Lộc Ninh (huyện Hồng Dân); xã Vĩnh Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) và 41 ấp đặc biệt khó khăn ở 14 xã khu vực II.

Quyết định 2085 sẽ góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng DTTS và miền núi từ 3 - 4%/năm; giải quyết đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho trên 80% số hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất. Cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hộ DTTS nghèo và hộ nghèo sống phân tán ở vùng đặc biệt khó khăn. Tạo điều kiện thuận lợi để hộ DTTS nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất. Cụ thể, hỗ trợ vốn tín dụng cho hộ nghèo được vay tối đa đến 50 triệu đồng, lãi suất giảm 50% so với lãi suất dành cho hộ nghèo. Quyết định 52 nói rõ về phát triển trí lực: đến năm 2020, có ít nhất 25% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ và 75% trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non. Tỷ lệ học sinh người DTTS đi học đúng tuổi bậc tiểu học là 97%, THCS là 93%, và 50% người trong độ tuổi đạt trình độ học vấn THPT và tương đương. Phấn đấu đến năm 2020, số sinh viên người DTTS (đại học, cao đẳng) đạt từ 130 - 150 sinh viên/10.000 dân (người DTTS), nhóm dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực đạt tối thiểu 130 sinh viên/10.000 dân. Đào tạo sau đại học cho người DTTS phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ khoảng 0,4%, năm 2030 là 0,7% trong tổng số lao động DTTS đã qua đào tạo, ưu tiên các dân tộc chưa có người ở trình độ sau đại học.

PV: Với nhiều chính sách mới như vậy, bằng cách nào để Ban Dân tộc tỉnh triển khai thực hiện đem lại hiệu quả cao, thưa ông?

Ông Trần Hoàng Duyên: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất quan tâm đến phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng trong vùng có đông đồng bào DTTS. Vì vậy, khi có chính sách đặc thù đối với đồng bào DTTS, Ban Dân tộc tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp với các sở, ban ngành cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức hội nghị triển khai và đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện. Đó là xây dựng kế hoạch tuyên truyền lồng ghép qua các chương trình, dự án; tổ chức tọa đàm lồng ghép vào tuyên truyền chính sách dân tộc cho đồng bào phật tử ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc. Việc tổ chức hội nghị triển khai, tổ chức tuyên truyền đều diễn ra kịp thời và tạo được sự nhận thức đầy đủ trong đồng bào các DTTS. Từ đó, đồng bào DTTS yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Kết quả triển khai các chính sách bước đầu cho thấy lòng tin của đồng bào dân tộc với Đảng, Nhà nước ngày càng sâu sắc hơn.

PV: Thưa ông, điều gì đang được đồng bào DTTS mong đợi  nhất hiện nay? Chính sách nào trở thành điểm nhấn, hứa hẹn tạo sự đột phá cho vùng có đông đồng bào DTTS trong thời gian tới?

Ông Trần Hoàng Duyên: Nhìn chung, các chính sách đặc thù của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào DTTS thì chính sách nào cũng có ý nghĩa sâu sắc và tầm quan trọng đặc biệt. Mỗi chính sách đều thể hiện sự chăm lo đến đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng trong vùng có đông đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, giai đoạn 2017 - 2020 Quyết định 582/QĐ-TTg, Quyết định 900/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xã khu vực III và ấp đặc biệt khó khăn tại xã khu vực II thì người DTTS được hưởng lợi nhiều nhất. Cùng với Quyết định 2085 (dành cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn) như: hỗ trợ đất ở cho hộ nghèo không có đất; xem xét hộ không có đất sản xuất, thiếu đất sản xuất, điều tra nhu cầu chuyển đổi ngành nghề, nhu cầu vay vốn tín dụng; hỗ trợ nước sinh hoạt cho hộ chưa có cây nước; điều tra lại nhu cầu tái định canh, định cư đã giúp đồng bào DTTS tiếp cận gần như toàn diện các chính sách về đời sống. Tóm lại, các quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ là cơ hội cũng như điều kiện ưu đãi tốt nhất của Đảng, Nhà nước, hứa hẹn mang lại cuộc sống ngày càng tốt hơn cho đồng bào các DTTS. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ chuyển đổi ngành nghề cho những hộ không đất sản xuất hoặc thiếu đất sản xuất đạt từ 80% trở lên và phấn đấu hàng năm giảm từ 3 - 4% hộ nghèo trong vùng có đông đồng bào dân tộc.

PV: Xin cảm ơn ông !

HỮU DUYÊN (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.