Những kỹ sư chân đất

Thứ Sáu, 19/01/2018 | 16:49

Chưa học qua bất kỳ một lớp đào tạo nào về cơ khí nhưng với ý chí, quyết tâm và niềm đam mê sáng tạo, nhiều nông dân trong tỉnh đã tự mày mò, nghiên cứu và cho ra đời nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Những công cụ này mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nông dân giải phóng sức lao động, giảm bớt thời gian và chi phí sản xuất.

Anh Thanh Hướng giới thiệu sản phẩm máy cấy lúa tự làm.

Ông Lê Văn Phán với máy xịt thuốc bảo vệ thực vật tự chế. Ảnh: C.L

Sinh ra trong gia đình đông anh em, từ nhỏ, anh Nguyễn Thanh Sang (tên thường gọi là Thanh Hướng, ở ấp Tràm Một, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi) đã theo cha mẹ ra đồng. Anh Thanh Hướng kể: “Ngày ấy làm ruộng có máy móc gì đâu, chỉ toàn làm thủ công, có khi cả ngày chỉ cấy hơn nửa công đất. Đôi khi vào vụ đông ken, kêu người phụ không có, cả nhà phải ra cấy đêm cho kịp vụ mùa”.

Từ sự trăn trở đó, anh Thanh Hướng dành nhiều thời gian để mày mò, nghiên cứu với mong muốn làm ra những chiếc máy phụ giúp nông dân. Mỗi khi nghe ở đâu có trưng bày, giới thiệu các loại máy móc mới phục vụ sản xuất nông nghiệp là ở đó có mặt anh.

Sau nhiều lần đi học “lỏm”, đầu năm 2016 anh mua vật liệu để làm một chiếc máy cấy lúa không dùng động cơ. Từ những bản vẽ trên cuốn tập học sinh, chiếc máy cấy tay đầu tiên của anh nông dân đam mê sáng chế dần được định hình. Suốt một tháng ròng, anh không bước chân ra khỏi nhà, chỉ loay hoay hết đo, cắt sắt rồi lại hàn.

Sau nhiều lần cấy thử nghiệm, vụ lúa năm 2017, chiếc máy cấy tay không động cơ của anh đã được trình làng với nhiều cải tiến vượt trội, mỗi ngày có thể cấy được 3 công. Thấy được sự tiện dụng và hiệu quả, nhiều nông dân trong ấp đã thuê anh đưa máy đến cấy, nhiều hộ đặt hàng anh làm chiếc máy cấy tương tự.

Thành công trong việc sản xuất chiếc máy cấy tay, anh Thanh Hướng tiếp tục nghiên cứu sáng chế ra hàng loạt máy móc, thiết bị như nâng cấp chiếc máy sấy và phân loại lúa giống của gia đình.

Cùng chung niềm đam mê sáng tạo như anh Thanh Hướng, ông Lê Văn Phán (ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân) đã chế ra chiếc máy xịt thuốc bán tự động. Cấu tạo chiếc máy phun thuốc đơn giản, gồm một cần xịt, cái mô-tơ đảo chiều mini, một bình ắc-quy nhỏ và một “chiếc bè” được lắp bằng keo. Song, ít ai biết rằng, để làm được sản phẩm tiện ích này, ông Phán phải tìm tòi, nghiên cứu, cải tiến ròng rã suốt mấy tháng liền.

Với ưu điểm nhỏ gọn, cơ động, không phải mang vác trên vai, thể tích “bè chứa” lớn nên chỉ cần pha thuốc một lần là máy có thể xịt thuốc hơn 1 công đất. Với sự tiện dụng trên, bà con trong xóm tìm đến ông Phán mượn máy dùng thử và ai cũng hài lòng.

Trong bối cảnh Bạc Liêu đang hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, lấy nông dân làm chủ thể phát triển, việc nhiều nông dân chủ động cải tiến, sáng tạo các công cụ lao động sản xuất hiệu quả đã góp phần quan trọng vào công cuộc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Họ được ví như những bông hoa đẹp góp phần điểm tô cho vườn hoa mùa xuân thêm ngạt ngào hương sắc.

Khôi Nguyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.