Nỗi đau tai nạn lao động biển

Thứ Hai, 22/01/2024 | 16:46

Nghề biển có thể nuôi sống nhiều ngư dân và mang lại sự sung túc cho gia đình, nhưng biển cũng đã gieo nên những giọt đắng cho nhiều phận người khi chẳng may bị tai nạn lao động (TNLĐ) dẫn đến mất tích, thiệt mạng hoặc bị thương tật vĩnh viễn.

Cứu nạn ngư dân tàu cá Bạc Liêu gần khu vực Côn Đảo. Ảnh: T.Q

Nước mắt người ở lại

Vào khoảng 16 giờ 30 phút, ngày 23/12/2023, trong khi đang hoạt động tại khu vực cách cửa Cung Hầu (tỉnh Trà Vinh) khoảng 14 hải lý về hướng Đông Nam thì tàu cá BL-91719-TS gồm 9 thuyền viên do anh Phạm Văn Nhiều (33 tuổi, phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) làm thuyền trưởng bị sóng đánh chìm. Có 6 thuyền viên được tàu cá tỉnh Trà Vinh cứu vớt vào chiều 24/12, còn 3 thuyền viên vẫn mất tích. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do biển động mạnh, sóng lớn.

Trong số 3 thuyền viên mất tích, có thuyền viên Lê Văn Nhanh (SN 2002, phường Nhà Mát). Được biết cách đây vài năm, vào năm 2019, trong quá trình đánh bắt trên biển, cha của Nhanh cũng đã rơi xuống biển tử vong. “Sau khi chồng mất, mọi sinh hoạt trong gia đình, rồi tiền thuốc uống cho mẹ, hỗ trợ người anh chạy thận mạn, nuôi 2 đứa cháu bị mẹ bỏ rơi đều trông chờ vào tiền lương làm ngư phủ của Nhanh. Nó hiếu thảo, hiền lành lắm. Nay thân xác con nằm yên giữa lòng biển lạnh, mãi mãi không được gặp lại, càng nghĩ tới tôi càng thêm thắt lòng”, bà Lê Thị Ánh - mẹ của Nhanh, nghẹn ngào chia sẻ.

Đau lòng không kém là trường hợp của thuyền viên Lâm Văn Lý (SN 1985, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi). Vào ngày 10/7/2023, trong quá trình hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản trên vùng biển Trà Vinh thì Lý bị lưới kéo rơi xuống biển. Dù các thuyền viên khác đã cố gắng tìm kiếm nhưng đến 7 giờ 30 phút ngày 11/7/2023, mọi người đau lòng phát hiện xác của Lý và đưa vào bờ. Hay như trước đó, vào ngày 27/7/2023, tàu cá BL-91629 TS có 8 thuyền viên đang đánh bắt trên biển thì thuyền viên Trần Hoàng Nhi (SN 1983, khóm Chòm Xoài, phường Nhà Mát) cũng không may bị tai nạn và tử vong.

Vấn đề an toàn lao động nghề biển hiện nay ngày càng đáng lo ngại, đặc biệt là trong mùa mưa bão. TNLĐ trên biển không những để lại di chứng nặng nề cho thân thể mà có nhiều trường hợp vĩnh viễn gửi thân mình trong lòng đại dương, bỏ lại những dự tính cho tương lai, cho gia đình còn dang dở.

Cần nâng cao kỹ năng tự vệ cho thuyền viên

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ việc tai nạn, sự cố trên biển chủ yếu do thời tiết xấu, đêm tối rơi xuống biển mất tích, bất cẩn trong lao động, không biết bơi, mâu thuẫn đánh nhau trong khi làm việc, thiết bị tàu hư hỏng, bệnh tật... Ngoài ra, việc vi phạm các quy định về an toàn trên biển, như: không mang áo phao, phao cứu sinh, máy thông tin liên lạc, đăng ký khai báo không chính xác vùng hoạt động, công tác trực canh, cảnh giới trên biển không thực hiện tốt… nên TNLĐ trên biển vẫn còn diễn ra. Bên cạnh đó, những yếu tố khách quan cũng ảnh hưởng rất nhiều tới công tác ứng cứu, dẫn tới khó giảm thiểu thiệt hại. Thông thường, sau khi nhận tin báo của ngư dân, cơ quan cứu nạn phải mất một thời gian nhất định mới tiếp cận được hiện trường. Có nhiều trường hợp, do địa điểm xa, sóng to gió lớn gây cản trở làm mất đi khoảng thời gian vàng cấp cứu nạn nhân.

Để giảm thiểu các vụ tai nạn, sự cố trong quá trình hoạt động tại ngư trường, bên cạnh sự phối hợp thực hiện của các cơ quan chức năng trong việc nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn cho ngư dân và tàu cá khi làm việc trên biển, các đơn vị, địa phương cần tăng cường rà soát, đánh giá lại lực lượng lao động trên tàu cá của tỉnh hiện nay. Từ thực tế các vụ TNLĐ để tổ chức tập huấn cho ngư dân về kiến thức an toàn hàng hải, kỹ năng tồn tại trên biển, khả năng chịu sóng gió khi gặp thời tiết xấu, kỹ năng tay nghề đối với từng loại nghề, các phương pháp sơ cấp cứu y tế tại chỗ trên tàu cá, cũng như cách thức phối hợp tìm kiếm cứu nạn. Cùng với đó, cần xem lao động trên biển là một nghề đặc thù, cần tuyển đúng người đủ sức khỏe, được đào tạo đầy đủ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.

Ngoài ra, cá nhân thuyền viên cần tự trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn cho bản thân, các chủ tàu cần trang bị đồ bảo hộ lao động cho các thuyền viên. Đồng thời, các thuyền viên cần ghi nhớ các tần số cứu nạn khẩn cấp, số điện thoại liên lạc của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam khi gặp sự cố trên biển. Khi kỹ năng, trình độ chuyên môn của thuyền viên được trang bị, phương tiện đảm bảo an toàn thì rủi ro trên biển sẽ giảm đi đáng kể.

Minh Luân

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.