Giáo dục - Học Đường

Ngành Giáo dục Bạc Liêu: Nhiều khởi sắc trong dạy và học

Thứ Hai, 01/01/2024 | 16:52

Năm 2023, ngành Giáo dục Bạc Liêu đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn… Với quyết tâm đưa giáo dục tỉnh nhà sánh vai cùng các địa phương lớn trong cả nước, toàn ngành không ngừng nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “trồng người”.

Giờ trải nghiệm làm nhạc cụ cát-ta-nét bằng vỏ nghêu của học sinh Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm (TP. Bạc Liêu).

Kiện toàn cơ sở vật chất, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo

Nhằm chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết giao bổ sung biên chế cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập giai đoạn 2022 - 2026 để triển khai thực hiện tuyển dụng giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định 72 ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị. Tiếp tục quán triệt thực hiện Nghị quyết 12 ngày 18/2/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu (khóa XVI) về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đồng thời thực hiện việc rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ gắn với việc bảo đảm các quy định về định mức số lượng giáo viên đối với các cấp học; triển khai công tác tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được giao… Thực hiện tốt các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước.

Hiện toàn ngành có 9.718 công chức, viên chức và người lao động; trong đó có 665 cán bộ quản lý (CBQL) trường học, 7.533 giáo viên trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập (trong đó có 566 giáo viên hợp đồng).

Bên cạnh việc cử CBQL, giáo viên cốt cán tham dự đầy đủ các lớp tập huấn chuyên môn do Bộ GD-ĐT tổ chức, ngành cũng đã cử công chức lãnh đạo tham gia các lớp bồi dưỡng như: cập nhật kiến thức (đối tượng 3, 4), hoàn chỉnh chương trình cao cấp chính trị; quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính... Đặc biệt là giải quyết cho 1 giáo viên đi học tiến sĩ, 6 giáo viên đi học thạc sĩ.

Ngành còn phối hợp với Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) tổ chức tập huấn nghiệp vụ đánh giá ngoài đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; tổ chức tập huấn vận dụng cách đánh giá PISA vào đổi mới đánh giá phục vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho 300 CBQL, giáo viên THCS, THPT. Phối hợp với nhà xuất bản tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 cho CBQL, giáo viên...

Về cơ sở vật chất, các trường học tiếp tục được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố, đảm bảo cơ cấu các khối công trình phù hợp với từng cấp học, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện hoạt động giáo dục đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành, nhất là việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện toàn ngành có 5.289 phòng học, phòng bộ môn, gồm: 4.439 phòng học (trong đó có 3.660 phòng kiên cố, đạt tỷ lệ 82,45%); 850 phòng bộ môn (trong đó có 716 phòng kiên cố, đạt tỷ lệ 84,24%). Bên cạnh đó, các trường học còn thực hiện mua sắm thiết bị dạy học, thiết bị đồ chơi ngoài trời từ nguồn kinh phí hỗ trợ của các địa phương, nguồn chi thường xuyên của các đơn vị với tổng kinh phí hơn 7,2 tỷ đồng.

Học sinh Trường THCS Phong Thạnh Tây (huyện Phước Long) trong giờ học môn Tiếng Anh. Ảnh: C.K

Chất lượng giáo dục được nâng cao

Do đặc biệt quan tâm công tác kiện toàn cơ sở vật chất, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo nên chất lượng giáo dục năm học 2022 - 2023 được duy trì ở mức khá cao.

Bên cạnh đó, công tác phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học và THCS tiếp tục được các địa phương quan tâm thực hiện. Qua đó, góp phần củng cố, duy trì kết quả đạt chuẩn PCGD, xóa mù chữ của tỉnh. Năm 2022, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, PCGD tiểu học mức độ 3 và PCGD THCS mức độ 3.

Năm 2023 cũng là năm thứ 10 ngành Giáo dục tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hơn 10 năm triển khai Nghị quyết 29, trong bối cảnh có nhiều thời cơ thuận lợi, cũng không ít những khó khăn, thách thức đan xen, song với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT đã đạt được những kết quả rất tích cực.

Nói về những thành công trên, bà Lâm Thị Sang - Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: “Thời gian qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã chủ động tổ chức các hình thức học tập đa dạng, phù hợp với đối tượng, tâm lý lứa tuổi. Từ đó tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ từ giáo dục trang bị kiến thức đến phát triển phẩm chất, năng lực của người học, đảm bảo hài hòa về đức, trí, thể, mỹ. Với tay nghề vững chắc và lòng tâm huyết với nghề, đội ngũ nhà giáo đã phát huy được tính sáng tạo, tích cực của học sinh, giúp các em chủ động hơn trong học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực tự chủ, năng lực giao tiếp, hợp tác và ngày càng tự tin hơn trong học tập, rèn luyện phương pháp tự học, kỹ năng giao tiếp... nên chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao”.

Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.