Giáo dục - Học Đường

Thành tích của cha mẹ - áp lực của con

Thứ Sáu, 05/01/2024 | 16:57

Ngày nay, mỗi gia đình thường chỉ có từ 1 - 2 con, vì vậy sự kỳ vọng lớn lao vào con mình của phụ huynh trở thành một xu hướng tâm lý khá phổ biến. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu kỳ vọng kia trở thành động lực để con phát triển, đằng này nhiều cha mẹ lại cụ thể hóa nó bằng thành tích để con “rượt đuổi”. Để rồi những đứa trẻ không còn được làm điều mình thích, dần đánh mất tuổi thơ, thậm chí bị áp lực đến rối loạn tâm lý, rơi vào trầm cảm…

Kỳ vọng lớn của cha mẹ tạo áp lực cho con trẻ. Ảnh minh họa: Đ.K.C

Con mình phải là nhất

Điều kiện kinh tế khá giả, từ khi con gái vào mầm non rồi tiểu học, chị Trúc Quỳnh (huyện Vĩnh Lợi) không bỏ lỡ bất kỳ hoạt động học tập, phong trào nào của con. Là một đứa trẻ lanh lợi, thông minh, lại có nhiều tài lẻ, con gái chị gần như trở thành “nhân vật chính” trong tất cả mọi hoạt động của lớp, trường. Hoạt động nào có bé tham gia cũng đều mang về giải thưởng. Dần dà, chị tự xem mình là “quản lý” của con, sắp xếp để con tham gia không sót bất kỳ một cuộc thi lớn nhỏ nào. Viện lý do để con làm quen, trải nghiệm với những sân chơi mới, từ đó tự tin, trưởng thành hơn nhưng thực chất là đang bắt con phải gặt thành tích để mình được tiếng thơm. Trong mắt chị, con chị phải là nhất, phải xuất chúng hơn người!

Cách đây không lâu, mục tiêu chị đặt ra cho bé không đạt như kỳ vọng, chị “giận lẫy” cả trường, lớp của bé. Chị cũng sẵn sàng “khai hỏa” nếu ai đó cho rằng bé nhà chị đang chịu nhiều áp lực. Chỉ tội đứa trẻ, suốt ngày gò lưng rèn chữ đến chai cả bàn tay; cần mẫn tham gia, luyện đề tới tận khuya các cuộc thi trên mạng Internet… Với một đứa trẻ tiểu học vốn có rất nhiều thứ cần làm cho tuổi thơ của mình, thì việc phải dùng toàn thời gian để học, để thi thố quả là áp lực lớn.

Một trường hợp một bé trai khác (ở TP. Bạc Liêu) còn đáng thương hơn khi lớn lên trong sự bảo bọc từ A - Z của cha mẹ. Cha em là bác sĩ, em lại là con một nên từ lúc nhỏ, mọi kỳ vọng gia đình đều dồn lên em. Mẹ em ở nhà làm nội trợ nên toàn thời gian làm “xe ôm” cho em “tầm sư học đạo”. Hết chạy trường, chạy lớp, chạy đến cả giáo viên, chỗ ngồi…, em còn cùng mẹ không bỏ sót bất kỳ gia sư có tiếng nào ở các lớp học thêm, thế nhưng kết quả cuối cùng không như mong đợi. Năng lực của em có hạn, nhưng mục tiêu mà cha mẹ bắt em vươn tới lại quá tầm tay.

Em trượt đại học y khoa TP. Hồ Chí Minh, rồi sống trong sự dày vò, chì chiết mỗi ngày của cha mẹ đến nỗi em không muốn gặp ai, trở nên lầm lì, ít nói. Vấn đề là trước đó con ai học giỏi, cha mẹ em cũng chê, bảo rằng không bằng con mình. Nhưng thực ra là họ đang tự huyễn hoặc mình, phóng đại năng lực của con để rồi phải “ôm trái đắng”. Chỉ thương cho em không được chọn nghề mình thích, mà chỉ cố gắng “đuổi hình bắt bóng” vì cha mẹ muốn như thế!

Đừng để hối hận vì sĩ diện hão

Thực tế đã chứng minh, khi sự kỳ vọng của cha mẹ không đặt trên một cơ sở có thật, không dựa trên sự thấu hiểu năng lực, sở trường của con thì sẽ dễ dẫn đến “tham vọng” quá lớn về thành tích của con cái. Từ đó, tạo ra những áp lực vô hình, để lại gánh nặng tâm lý và những tổn thương tinh thần không gì có thể bù đắp cho con trẻ. Khi chưa thành công, thế hệ trẻ rất dễ rơi vào tình trạng hoài nghi về năng lực, mục tiêu của mình. Áp lực lớn từ kỳ vọng của gia đình, xã hội sẽ khiến những đứa trẻ phải chạy đua trên chặng đường đi đến thành công, mà quên đi hoặc đánh mất cơ hội khám phá và thấu hiểu bản thân. Để rồi bản thân các em tự mắc bẫy vì những “tiêu chuẩn” do mình hoặc cha mẹ đặt ra. Dù ở Bạc Liêu chưa xảy ra, nhưng nhan nhản vụ việc đau lòng xung quanh câu chuyện kỳ vọng vẫn đầy ra đó như những hồi chuông cảnh tỉnh.

Theo thống kê của tổ chức UNICEF, 8 - 29% trẻ em trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó có đến 2 - 3% trẻ vị thành niên tự tử và 10 - 15% học sinh có ý định tự tử đều liên quan đến áp lực như: trầm cảm, rối loạn tâm thần, rối loạn nhân cách, chứng mất ngủ kéo dài… Chưa dừng lại ở đó, con số này dự báo vẫn đang tiếp tục tăng dần theo các năm, cho thấy mức độ nghiêm trọng về vấn đề sức khỏe tâm thần đến từ những áp lực tâm lý mà các em học sinh gặp phải. Cũng phải thừa nhận, một tỷ lệ không nhỏ trong số đó là các bệnh tâm lý do tác động của áp lực thi cử, cũng như sự kỳ vọng quá mức từ phía gia đình.

Suy cho cùng, thành tích của con cuối cùng cũng chỉ là “món trang sức” của cha mẹ, “đeo vào” hay “cởi ra” là chọn lựa của mỗi người. Song dẫu có lựa chọn thế nào cũng nên quan tâm đến cảm xúc, năng lực của con để điều chỉnh hài hòa. Hãy biến kỳ vọng của chúng ta thành động lực giúp con tự tin vào bản thân, phát huy tiềm năng và vươn tới thành công. Đồng thời, mỗi cha mẹ cũng cần thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành cùng con trong mỗi chặng đường; biết chấp nhận những thất bại, động viên, giúp con có cái nhìn tích cực trong mọi hoàn cảnh. Khi đó, sự kỳ vọng sẽ mang lại niềm hạnh phúc cho cả cha mẹ và những đứa trẻ.

Mai Khôi

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.