“Giải cứu” thị trường thịt heo: Trách nhiệm của ai?

Thứ Tư, 10/05/2017 | 16:26

Khi xảy ra tình trạng heo nuôi tồn ứ, rớt giá, một số người cho đó là trách nhiệm của nông dân do việc chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu kiểm soát. Nếu vậy thì oan cho nông dân lắm! Bởi, nuôi heo để có thêm thu nhập gia đình và tận dụng lượng thức ăn dư thừa để tránh lãng phí vốn là tập quán ở vùng nông thôn lâu nay. Và việc heo nuôi không có đầu ra là do công tác quản lý về phát triển chăn nuôi.

Vì sao cung nhiều hơn cầu?

Khi xảy ra tình trạng heo nuôi quá lứa không tìm được đầu ra thì ngành quản lý mới thống kê và đưa ra một con số thật “ấn tượng”. Đó là Việt Nam là nước đứng thứ 4 trên thế giới về tổng đàn heo với hơn 29 triệu con (tính đến tháng 2/2017), trong đó, đàn heo nái chiếm trên 4,2 triệu con. Nếu so với Thái Lan (được xem là nước công nghiệp về phát triển chăn nuôi) nhưng tổng đàn heo nái chưa đến 1 triệu con. Riêng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đến nay đã vượt con số 31 triệu tấn (vượt xa so với kế hoạch đạt 25 triệu tấn vào năm 2020). Sự phát triển quá nóng này đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia nuôi heo với số lượng lớn, đứng đầu các nước ASEAN và xếp thứ 10 của thế giới về chế biến thức ăn công nghiệp phục vụ chăn nuôi.

Thịt heo được đảm bảo đầu ra nhờ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ thông qua hệ thống Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu.

Phụ nữ vùng nông thôn huyện Hồng Dân chăn nuôi heo. Ảnh: K.T

Việt Nam là một quốc gia với kinh tế mũi nhọn là sản xuất nông nghiệp, nên việc phát triển mạnh về chăn nuôi là tất yếu. Song, chuyện đáng quan tâm ở đây chính là ngành quản lý vẫn chưa làm tốt công tác tổ chức phát triển sản xuất và để cho cung vượt cầu. Khó khăn ấy xuất phát từ việc thiếu những định hướng, quy hoạch mang tầm chiến lược cho phát triển chăn nuôi, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Thực tiễn đã chứng minh, chăn nuôi heo đã và đang là thế mạnh về sản xuất của Việt Nam. Do vậy, điều cần bàn là làm sao đưa thịt heo và các sản phẩm được chế biến từ heo trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh mang lại giá trị cao (như con tôm hoặc cá ba sa), chứ không phải hạn chế phát triển trong điều kiện thị trường xuất khẩu thịt heo còn nhiều tiềm năng. Vả lại, đã là thế mạnh thì phải phát huy, tại sao kìm hãm? Vì đến nay Việt Nam chỉ mới xuất khẩu heo sang thị Trung Quốc chưa đến 10% so với tổng đàn, và còn nhiều thị trường tiêu thụ thịt heo cần được khai thác.

Mặt khác, giải pháp hạn chế phát triển chăn nuôi heo, thậm chí khuyến cáo nông dân không nuôi heo liệu có khả thi khi nuôi heo đã trở thành nhu cầu của người dân. Bà Thị Khiếm (một hộ nuôi heo ở thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) cho rằng: “Đối với nhiều phụ nữ nông thôn, việc nuôi heo xem như một hình thức tiết kiệm rất hiệu quả. Nuôi heo vừa giải quyết lượng thức ăn dư thừa trong gia đình, vừa có thể tích lũy để nuôi con ăn học, hoặc hàng năm gia đình có đám tiệc thì không phải tốn tiền mua thịt heo”. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng không thể không sản xuất thức ăn chăn nuôi khi các phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp thải ra rất nhiều và có thể tái sử dụng để chế biến thức ăn gia súc.

Đâu chỉ có thịt heo!

Để “giải cứu” cho thị trường thịt heo, Bộ NN&PTNT đã vận động các bộ, ngành và người dân giúp nông dân tiêu thụ thịt heo. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp mang tính đối phó và thiếu bền vững. Đồng thời sẽ làm ảnh hưởng đến sức tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản khác. Từ đó kéo theo sự mất cân đối về cung - cầu trong tiêu thụ thực phẩm, nhất là các bếp ăn tập thể hiện nay đang được vận động dùng thịt heo nhiều hơn cá, tôm, thịt vịt, thịt gà, thịt dê, thịt bò và các loại thực phẩm khác. Đó là chưa nói đến chuyện khi nhiều sản phẩm nông nghiệp không tiêu thụ được, nông dân sẽ chuyển đổi mô hình sản xuất từ chăn nuôi gia cầm sang chăn nuôi heo và càng làm cho tình trạng tồn ứ thịt heo thêm phức tạp, phá vỡ kế hoạch, quy hoạch sản xuất chung. Tình trạng trên hoàn toàn có thể xảy ra, cụ thể là nhiều nông dân ở huyện Phước Long đã từng phá chuồng heo để nuôi cá sấu khi nhu cầu cá sấu tăng cao.

Bạc Liêu được xếp vào một trong những tỉnh có số lượng heo nuôi lớn, nhưng đến nay đầu ra của con heo do nông dân  “tự bơi” là chính. Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: “Toàn tỉnh hiện nay còn tồn khoảng 247.000 con heo. Lĩnh vực chăn nuôi heo của tỉnh từ khâu sản xuất, giết mổ đến phân phối còn lỏng lẻo, chưa xây dựng được các mối liên kết. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho heo nuôi bị rớt giá, tồn đọng”. Do vậy, một trong những giải pháp cần được ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh làm tốt là tiến hành thống kê và quy hoạch lại chăn nuôi. Trong đó, quan tâm đến việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất giữa các trang trại chăn nuôi heo lớn gắn với các doanh nghiệp, cơ  sở giết mổ và kinh doanh thịt heo. Làm được việc này sẽ góp phần tháo gỡ những “nút thắt” vốn đẩy nghề chăn nuôi heo vào cái vòng luẩn quẩn, không tìm được đầu ra. Điều quan trọng hơn cả là từ quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với tiêu thụ sẽ giúp ngành quản lý nắm được nhu cầu của thị trường để chủ động phát triển đàn heo gây nuôi mới, đảm bảo đầu ra; đồng thời hình thành các vùng, khu chăn nuôi tập trung được đầu tư hạ tầng, lò giết mổ hiện đại, đúng quy chuẩn. Qua đó hạn chế nạn ô nhiễm môi trường, tạo thuận lợi cho ngành Nông nghiệp trong quản lý khâu đầu vào, sản phẩm đầu ra, chủ động phòng ngừa việc giết mổ lén lút, bơm nước vào heo.

Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nếu thị trường thịt đảm bảo nguồn cung thì khuyến khích các hộ chuyển đổi mô hình sản xuất khác, hoặc trang bị những kiến thức cần thiết cho họ gắn sản xuất chăn nuôi với đảm bảo vệ sinh môi trường thông qua mô hình biogas. Qua đó từng bước hướng đến loại bỏ việc chăn nuôi nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường và khó kiểm soát dịch bệnh.

Nỗi trăn trở hiện nay là sau các giải pháp “giải cứu” thịt heo, nhiều trang trại và nông dân sẽ “treo chuồng” không còn nuôi heo. Điều đó sẽ làm cho thị trường thịt thời gian tới lại sốt giá và tạo ra một đợt chạy đua nuôi heo mới khi cung không đủ cầu. Lúc đó, vết xe đổ sẽ lặp lại và đẩy người nuôi heo vào cảnh lao đao. Vì vậy, ngành quản lý cần thực hiện tốt quy hoạch và xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Thiết nghĩ, đó là vấn đề nóng bỏng cần được thực hiện trong thời điểm này.

P. Đoàn - K. Trung

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.