Giáo dục - Học Đường

Trường THCS Hộ Phòng: “Có duyên” với các kỳ thi học sinh giỏi

Thứ Hai, 09/12/2013 | 17:54

Được mệnh danh là “Lá cờ đầu khối THCS” của huyện Giá Rai với thành tích đứng nhất toàn huyện nhiều năm liền về công tác đào tạo học sinh giỏi, thầy và trò trường THCS Hộ Phòng vẫn không ngừng phấn đấu để giữ vững và phát huy những thành quả đạt được.

Buổi dạy bồi dưỡng học sinh giỏi Văn của trường THCS Hộ Phòng. Ảnh: Đ.K.C

Ba mươi lăm năm thành lập và phát triển, ngôi trường giàu truyền thống hiếu học này đã chứng kiến biết bao lớp học trò khôn lớn, trở thành những con người hữu dụng cho xã hội. Nối tiếp truyền thống của các anh, các chị đi trước, thế hệ học trò sau này cũng đã không ngừng học tập, rèn luyện, trở thành những con ngoan trò giỏi và là niềm tự hào của thầy cô, gia đình.

Năm năm trở lại đây, hầu như năm nào trường cũng dẫn đầu toàn huyện về chất lượng giáo dục mũi nhọn và giải thưởng ở các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Cụ thể, trong năm học 2008 - 2009, trường đoạt 19 giải vòng huyện, 9 giải vòng tỉnh; năm 2009 - 2010, đoạt 43 giải vòng huyện, 14 giải vòng tỉnh; năm 2011 - 2012, đoạt 40 giải vòng huyện, 16 giải vòng tỉnh; năm 2012 - 2013, đoạt 33 giải vòng huyện, 15 giải vòng tỉnh. Đó là chưa kể đến những giải thưởng ở các hội thi “Prudential - Văn hay chữ tốt”, giải Toán trên máy tính cầm tay, giải Toán - tiếng Anh qua mạng Internet… Càng tự hào hơn, khi hầu hết những giải nhất, nhì trong các kỳ thi đều thuộc về học sinh của trường.

Để có được những kết quả này là cả sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của Ban giám hiệu, tập thể giáo viên trực tiếp tham gia công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và hơn hết là sự chăm chỉ, chí cầu tiến của mỗi học sinh. Thầy Nguyễn Thành Nhạn, Hiệu trưởng trường THCS Hộ Phòng, chia sẻ: “So về chất lượng đầu vào thì trường không bằng một số trường khác. Nhưng nhờ vào sự chủ động, kinh nghiệm và tâm huyết, chúng tôi đã giúp các em có những bứt phá ngoạn mục. Những đợt kiểm tra chất lượng đầu vào mỗi năm chính là cơ hội để chúng tôi phát hiện những “hạt giống” tốt. Từ đó, có kế hoạch chăm bồi xuyên suốt từ hè cho đến khi thi. Điều này, không chỉ giúp các em dễ dàng hệ thống lại những kiến thức cũ mà còn chắc tay, thuần thục trong những chương trình nâng cao. Không những vậy, chúng tôi còn may mắn sở hữu được những giáo viên dày dạn kinh nghiệm, nhiệt tình, năng nổ trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi”.

Có tận mắt chứng kiến một buổi dạy bồi dưỡng học sinh giỏi, chúng tôi mới thấu hiểu hết tâm huyết và trách nhiệm của những người thầy, người cô đối với những học trò của mình. Làm cách nào để các em thẩm thấu kiến thức một cách hiệu quả, khắc sâu, nhớ lâu, không chịu nhiều áp lực và quan trọng nhất là làm sao để các em có thể dễ dàng vận dụng khi bắt gặp những dạng bài ấy trong mỗi môn thi… Những điều đó luôn là trăn trở, những câu hỏi lớn mà những nhà giáo có trách nhiệm với nghề cao quý luôn đặt ra cho bản thân mình. Mười tám năm công tác nơi đây thì cô Đoàn Kim Liên (giáo viên dạy Ngữ văn) đã có đến 15 năm kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi Văn khối 9. Cô cho rằng, chính sự tác động của xu thế kinh tế thị trường đã khiến một bộ phận học sinh quay lưng lại với môn Văn, vì vậy việc tìm kiếm học sinh giỏi Văn để chăm bồi là điều không dễ. “Với tôi, khi phát hiện ra nhân tố mới, tôi luôn tạo điều kiện để các em tự đánh thức năng khiếu của mình. Và từ thích chuyển sang yêu, rồi quyết tâm theo đuổi chỉ là một ranh giới rất mong manh. Người giáo viên hãy luôn chủ động, kích thích ở các em sự ham thích đặc biệt đối với môn học thì tự khắc sẽ thu được những kết quả như mong đợi”, cô Liên lý giải.

Bề dày thành tích nhiều năm qua của thầy và trò trường chính là kết quả tất yếu của cả quá trình không ngừng phấn đấu và nỗ lực. Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa thành tích đã đạt được, để góp phần đào tạo thêm nhiều nhân tài cho quê hương.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.