Đào tạo nguồn nhân lực cho sân khấu truyền thống Khmer Nam bộ: Cần sự đầu tư đúng mức

Thứ Sáu, 01/08/2014 | 15:32

Rô băm, Dù kê là hai loại hình sân khấu truyền thống đặc sắc của đồng bào Khmer Nam bộ nói chung, Bạc Liêu nói riêng. Tuy nhiên, với sự “xâm lấn” của nhiều loại hình giải trí hiện đại khác, hai loại hình nghệ thuật này đang ngày càng mai một dần. Và vấn đề đào tạo nguồn nhân lực để kế thừa đang trở thành nhu cầu bức thiết!

Những năm gần đây, có rất nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy hai loại hình nghệ thuật này, trong đó sân khấu Dù kê đặc biệt được chú trọng. Đơn cử như: Hội thảo về bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống Khmer Nam bộ vào tháng 3/2000 tại tỉnh Sóc Trăng; Hội thảo khoa học về “Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ - Di sản văn hóa dân tộc” do UBND tỉnh Trà Vinh phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ chủ trì vào tháng 11/2013; Liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ lần I - năm 2013 (trong khuôn khổ Festival Đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL lần I - Sóc Trăng 2013); cùng nhiều hội thi, hội diễn cấp khu vực, quốc gia và các công trình nghiên cứu, sưu tầm, khảo cứu khoa học… xoay quanh lĩnh vực này. Trong đó, vấn đề nguồn nhân lực được lưu tâm hàng đầu. Bởi lẽ, trong điều kiện thiếu thốn nguồn nhân lực dự phòng bổ sung, đặc biệt là nhân lực có chuyên môn sâu, trình độ cao, thật sự yêu mến, am hiểu để giữ gìn và phát huy hai loại hình nghệ thuật này là điều không dễ! Vì vậy, cần có sự đầu tư đúng mức, đúng hướng và đúng trọng tâm mới mong đạt hiệu quả.

Múa Rô băm tại Festival Đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL lần I - Sóc Trăng 2013. Ảnh: Đ.K.C

Vấn đề đặt ra là trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực bổ sung, trước tiên chúng ta phải đảm bảo một số nguyên tắc như: đào tạo phải có tính kế thừa. Kế thừa ở phương thức giảng dạy, truyền nghề sẵn có trong dân gian; kế thừa ở phương thức biên soạn, chuyển thể, sáng tạo những tác phẩm mới để tạo nguồn kịch bản cho sân khấu. Nghĩa là phải tạo ra được sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại để thu hút người học. Đào tạo phải có tính chọn lọc, phù hợp với nhu cầu thực tế, nghĩa là chọn lọc nội dung chương trình, đối tượng người học và cả đội ngũ giảng dạy. Đào tạo phải bám sát thực tiễn, đảm bảo nguyên tắc học phải đi đôi với hành, tạo điều kiện để đội ngũ kế thừa có cơ hội cọ sát thực tế, trực tiếp tham gia một số chương trình phục vụ nhân dân nhằm kích thích niềm say mê cống hiến, học tập trong họ…

Bên cạnh đó, trong quá trình đào tạo, chúng ta cũng cần lưu ý đến đối tượng người học và đội ngũ nhà giáo trực tiếp giảng dạy, vì đây là hai chủ thể không thể tách rời, mang tính chất quyết định sự thành bại của công tác tạo nguồn kế thừa. Rô băm, Dù kê đòi hỏi cao sự đĩnh đạc, trì chí, mềm mại duyên dáng và những tư chất thiên phú của người học, không thể nào một sớm một chiều là có thể lĩnh hội được trọn vẹn những tinh hoa của hai loại hình nghệ thuật độc đáo này. Vì thế, tránh sự đào tạo dàn trải, kém hiệu quả mà nên tập trung lựa chọn những đối tượng có tố chất, năng khiếu, tâm huyết và niềm đam mê mãnh liệt với nghệ thuật sân khấu truyền thống. Để đào tạo ra những trò giỏi thì đòi hỏi người thầy phải hay và tâm huyết. Cho nên đội ngũ nhà giáo cũng cần được chọn lọc cẩn thận, có sự am hiểu nguồn gốc, quá trình hình thành các loại hình nghệ thuật độc đáo, đặc biệt phải có kinh nghiệm thực tiễn trong biểu diễn, giảng dạy và đủ “lửa” để truyền nghề. Tuy nhiên, để tìm được những người thầy hội đủ những tố chất ấy vẫn là vấn đề nan giải.

Một vấn đề cần quan tâm trong công tác đào tạo nguồn nhân lực đó là kinh phí, chính sách hỗ trợ, đãi ngộ để người học và người dạy có thể đảm bảo được cuộc sống bản thân, gia đình khi theo nghề. Thực tế cho thấy đây là vấn đề bức xúc từ rất lâu của đội ngũ trót đam mê nghệ thuật truyền thống. Nhiều nghệ nhân, diễn viên Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Khmer Bạc Liêu từng chia sẻ rằng: Mọi thời gian, tâm huyết anh em nghệ nhân đều dồn sức cho đoàn, cho những chuyến lưu diễn phục vụ miễn phí đồng bào vùng sâu, vùng xa, nhưng đồng lương nhận được hàng tháng chỉ đủ để họ trang trải cuộc sống thường nhật. Động lực khiến họ bám trụ với nghề là tâm huyết, là tình cảm của “đại gia đình”…

Để hai loại hình nghệ thuật truyền thống có thể đứng vững với thời gian và không bị mai một, đã đến lúc cần có sự nhập cuộc, đầu tư đúng mức của địa phương và các ngành hữu quan để đào tạo nguồn nhân lực vừa hồng vừa chuyên đủ sức kế thừa, phát huy hai loại hình sân khấu truyền thống độc đáo này, nhất là sân khấu Dù kê đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập vào di sản thế giới.

THƯ CÁC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.