Cải cách tư pháp: Vì dân phục vụ

Thứ Tư, 27/08/2014 | 16:40

>>Bài 1: Chín năm - một thành tựu

Bài 2:
Chất lượng tranh tụng là trọng tâm cải cách

Trọng tâm cải cách tư pháp (CCTP) theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị là nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp.

Các luật sư đang thực hiện tranh tụng tại một phiên tòa. Ảnh: K.P

Hình mẫu một phiên tòa cải cách…

Ông Dương Công Lập - Chánh án TAND tỉnh cho biết: Thật ra, mô hình một phiên tòa xét xử theo đúng tinh thần CCTP đã được quy định trong các Bộ luật Tố tụng, bao gồm Hội đồng xét xử (thẩm phán và các hội thẩm nhân dân), kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa và kiểm sát xét xử. Trong đó có sự tham gia của luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn, bị đơn dân sự, bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Phiên tòa CCTP phải được tranh tụng ở mọi góc độ không hạn chế thời gian để làm sáng tỏ bản chất vụ án, hành vi phạm tội... Nguyên đơn, bị đơn dân sự và bị cáo đều có quyền tranh tụng, cung cấp chứng cứ tại tòa trước đại diện Viện KSND và Hội đồng xét xử một cách dân chủ và công khai. Tất cả những hoạt động đó nhằm đảm bảo quyết định cuối cùng của Hội đồng xét xử căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng và thẩm tra chứng cứ tại phiên tòa. Chính sách hình sự của Đảng, Nhà nước đối với từng loại đối tượng phạm tội cũng được áp dụng tại phiên tòa này.

Ông Lập cũng nhấn mạnh thêm, phiên tòa đúng theo tinh thần CCTP luôn được chuẩn bị kỹ lưỡng, do đó không bao giờ xảy ra việc kết tội oan, không bỏ lọt tội phạm, đồng thời bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân. Mô hình phiên tòa CCTP còn nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi thẩm phán, kiểm sát viên trong việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, dự kiến nội dung thẩm vấn, tham gia tranh luận…

Thạc sĩ, Luật sư Trần Thanh Phong - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ: Hiếm có tòa án nào tôn trọng ý kiến luật sư như ở Bạc Liêu

Tôi đến Bạc Liêu không nhiều để TGPL cho thân chủ tại tòa. Nhưng điều đọng lại nhiều nhất ở tôi là thái độ tôn trọng ý kiến luật sư của Hội đồng xét xử ở Bạc Liêu. Hiếm có tòa nào trong khu vực ĐBSCL đưa phần lớn ý kiến của luật sư bào chữa vào bản án trước khi đưa ra quyết định. Tôi cho rằng, dù thắng hay thua, điều đó cũng khiến luật sư rất hài lòng và tinh thần CCTP cũng bắt đầu từ những việc làm như vậy.

Chất lượng tranh tụng chưa đạt…

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo CCTP tỉnh, từ khi có Nghị quyết 49, chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa trong tỉnh tuy có tiến bộ nhưng chưa đạt yêu cầu CCTP. Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh phân tích: Vấn đề này xuất phát từ hai nguyên nhân. Về khách quan, các phiên tòa ít có sự tham gia của luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý. Đơn cử 7 tháng của năm 2014, trong số 1.493 vụ mà TAND hai cấp trong tỉnh đã xét xử chỉ 76 vụ có luật sư, TGVPL tham gia. Điều đó dẫn đến các phiên tòa diễn ra không có sự tranh luận giữa luật sư với kiểm sát viên.

Mặt khác, nguyên nhân chủ quan xuất phát từ trình độ dân trí còn thấp. Tại tòa, nguyên đơn, bị đơn dân sự hoặc bị cáo không tự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp cho mình. Họ cũng không biết cung cấp chứng cứ để bảo vệ quyền lợi. Trong khi đó, luật cho phép các nguyên đơn, bị đơn dân sự nếu không biết cung cấp chứng cứ thì có quyền làm đơn yêu cầu tòa án đi thu thập chứng cứ. Nhưng trên thực tế, họ cũng không làm được việc này.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Tuấn, chất lượng tranh tụng tại tòa chưa đạt yêu cầu CCTP còn do nguyên nhân kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử ngại tranh luận, không đối đáp lại và năng lực hạn chế.

Giải pháp nào cho chất lượng tranh tụng?

Với vai trò cơ quan chủ quản các TGVPL, ông Nguyễn Bá Ân - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, hiện tại Sở đang quản lý 8 TGVPL. Ngoài ra, Sở Tư pháp còn hợp đồng thêm 9 luật sư làm cộng tác viên pháp luật dưới tư cách luật sư công. Hiện tại, tỉnh cũng đang đào tạo thêm 4 TGVPL và sắp được UBND tỉnh cấp thẻ. Các trợ giúp viên hoạt động trên phạm vi toàn tỉnh và họ có quyền tham gia tranh luận tại tòa như một luật sư. Đối tượng tham gia phiên tòa được hưởng chế độ trợ giúp pháp lý (TGPL) không thu tiền là hộ gia đình thuộc diện chính sách, những người yếu thế trong xã hội và bị cáo ở tuổi vị thành niên, hoặc người bị kết án ở khung hình phạt cao nhất. Theo ông Ân, trong điều kiện khó khăn về kinh tế gia đình hoặc hạn chế hiểu biết pháp luật, người dân thuộc diện được hưởng chế độ TGPL nên chủ động liên hệ Chi nhánh Trung tâm TGPL các huyện hoặc trực tiếp đến Trung tâm TGPL tỉnh để được tiếp cận dịch vụ TGPL công.

Tuy nhiên, ông Ân cũng thừa nhận rằng, với số lượng, chất lượng và kinh nghiệm tiếp cận vụ án của đội ngũ TGVPL hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội và yêu cầu CCTP.

Một giải pháp khác đang được nhiều người quan tâm hiện nay là các cơ quan tư pháp cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân. Giải pháp này nhằm giúp người dân tham gia tranh tụng tại phiên tòa đạt hiệu quả, đồng thời hạn chế được tình trạng khiếu nại, khiếu kiện gây ra nhiều tốn kém không cần thiết.

Tấn Đạt

Bài cuối: Nhiều việc cần làm

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.