Liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn: Nhiều kết quả khả quan

Thứ Sáu, 10/10/2014 | 15:01

Thay đổi tập quán canh tác, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, tạo được sự liên kết giữa 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân), đầu ra được đảm bảo… Đó là kết quả tốt sau 2 năm triển khai thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML).

Nông dân xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi) thu hoạch lúa sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: H.L

Bạc Liêu là tỉnh nông nghiệp, trong đó diện tích trồng lúa chiếm hơn 55.000ha. Từ đó, việc tìm đầu ra cho sản phẩm lúa gạo là một vấn đề cấp bách. Trước đây, việc tiêu thụ lúa gạo chủ yếu thông qua các tiểu thương, đầu mối bán lẻ tiêu thụ nội bộ, thiếu tính bền vững. Điều này gây khó khăn cho nông dân trong tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến việc được mùa - mất giá. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nông dân e ngại trong đầu tư phát triển nông nghiệp.

Để khắc phục và tìm ra hướng đi mới cho nông dân, bên cạnh phát huy thị trường truyền thống, Bạc Liêu còn đẩy mạnh liên kết tiêu thụ lúa gạo thông qua mô hình CĐML. Mô hình CĐML thực hiện quy trình sản xuất khép kín với sự liên kết của “4 nhà” trên cơ sở hoạch định chính sách của địa phương, sự hỗ trợ kỹ thuật của các nhà khoa học, các doanh nghiệp tham gia cung ứng vật tư (bao gồm: giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…). Qua đó, từng bước thay đổi tập quán canh tác của nông dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, quy mô, sản lượng lớn. Đồng thời tạo điều kiện phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ, giúp giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Minh chứng cho điều này là từ năm 2012 đến tháng 8/2014, các công ty đã liên kết sản xuất với Bạc Liêu tổng diện tích 4.393ha và tiêu thụ gần 24.000 tấn lúa. Riêng từ tháng 1 - 8/2014, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đã liên kết sản xuất với diện tích 3.553ha (gồm các loại giống OM 5451, OM 4900, OM 6976, OM 7347) và tiêu thụ hơn 19.700 tấn lúa.

Ngoài ra, thời gian qua, nhiều công ty cũng đã liên kết với Bạc Liêu sản xuất và tiêu thụ lúa gạo thông qua mô hình CĐML như: Công ty Việt Long, Công ty Khánh Tâm (tỉnh Long An)… Nhờ vậy, đầu ra lúa gạo của tỉnh phần nào đã được giải quyết, nông dân không còn rơi vào cảnh bị chèn ép giá cả. Từ đó, an tâm hơn trong việc đầu tư, phát triển CĐML.

Theo nhiều nông dân, người tham gia mô hình CĐML được hưởng lợi rất nhiều. Không chỉ hưởng những chính sách ưu đãi về nguồn vốn, giống, phân bón, mà còn được cán bộ nông nghiệp chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong quá trình sản xuất. Song song đó, được tiếp cận với cách làm ăn mới, mang tính hiện đại và đầu ra sản phẩm được đảm bảo, ổn định với giá thu mua của công ty. Ông Nguyễn Văn Huỳnh (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) chia sẻ: “Tôi tham gia mô hình CĐML đã được 3 vụ, vụ nào cũng đạt hiệu quả cao, bình quân năng suất đạt hơn 50 giạ/công. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật, phun xịt thuốc phòng trừ sâu bệnh đúng lúc, đúng thời điểm nên diệt được sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận”.

Sau 3 vụ thực hiện mô hình CĐML (thu đông 2012, đông xuân 2012 - 2013 và thu đông 2013), bước đầu đã hình thành phương thức liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững; giúp nông dân tăng thêm lãi từ 2,8 - 6 triệu đồng/vụ/ha.

Để nhân rộng mô hình CĐML, tiến tới hoàn thiện vùng nguyên liệu, thời gian tới, Bạc Liêu tiếp tục kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài tỉnh liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm.

ĐỖ HOÀNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.