Hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững

Thứ Năm, 23/04/2015 | 10:44

Qua 18 năm chia tách tỉnh (1997 - 2015), thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, Bạc Liêu đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế - xã hội phát triển, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống nông dân ngày càng được nâng cao… Đó là tiền đề để Bạc Liêu tiếp tục phát triển, vươn lên, thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới.

Những thành tựu nổi bật

Trải qua chặng đường 18 năm xây dựng và phát triển, nông nghiệp - nông thôn Bạc Liêu đã đạt nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, doanh thu bình quân/ha đất nông nghiệp từ 5,42 triệu đồng năm 1997 tăng lên hơn 182 triệu đồng vào năm 2014. Từ sản xuất lúa 1 vụ, nay nông dân đã ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa 2 vụ, 3 vụ. Nếu trước đây, năng suất lúa chỉ 10 - 15 giạ/công thì nay đạt 40 - 50 giạ/công. Từ lấy lúa thịt sản xuất, nay nông dân đã sử dụng lúa giống chất lượng cao. Từ trồng lúa theo tập quán truyền thống đến áp dụng phương thức “3 giảm - 3 tăng”. Và nay, nhờ nông dân liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn nên tổng sản lượng lúa năm 2013 đạt 1.030.000 tấn, tăng 2 lần so với năm 1997.

Về nuôi trồng thủy sản, trước đây chủ yếu là khai thác từ tự nhiên, nuôi thả lan tự nhiên. Dần dần nhiều mô hình nuôi tôm được hình thành như: nuôi tôm thả bù tỉa thưa, nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, nuôi bán thâm canh, nuôi thâm canh, nuôi tôm bán công nghiệp rồi đến nuôi tôm công nghiệp. Nhờ đó, năng suất, chất lượng nông sản, thủy sản ngày càng được nâng lên. Ngành Thủy sản tăng nhanh cả về quy mô sản xuất, năng suất, sản lượng. Tổng sản lượng thủy sản năm 2014 đạt 283.896 tấn, tăng gần 6 lần so với năm 1997. Trong đó, sản lượng tôm 109.474 tấn, tăng gần 10 lần so với năm 1997. Sản lượng cá và thủy sản khác 174.422 tấn, tăng gần 5 lần so với năm 1997.

Nghề muối cũng có sự chuyển biến tích cực. Diêm dân từng bước thay đổi tập quán sản xuất muối đen sang sản xuất muối trắng, muối trải bạt trên nền sân kết tinh. Năng suất muối trải bạt cao hơn 20 lần so với làm muối truyền thống. Bình quân mỗi năm, diêm dân cung cấp cho thị trường hơn 151.000 tấn muối. Các mô hình sản xuất kết hợp như muối - tôm, muối - cá kèo ngày càng được nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Một số mô hình sản xuất mới cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha.

Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nông dân áp dụng như mô hình nuôi tôm trong nhà kính, nuôi tôm công nghiệp theo hướng thâm canh và bán thâm canh phát triển bền vững, nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi kết hợp tôm - cua, cá - lúa, tôm - cá - lúa, lúa - tôm càng xanh, lúa - màu, lúa - cá, tôm - rừng, muối - tôm, muối - cá kèo, mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi cá kèo công nghiệp, các mô hình: VACB, VAC, RVACB... đã góp phần nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị sản xuất, cải thiện đời sống nông dân.

Nông dân huyện Vĩnh Lợi thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: M.Đ

Định hướng phát triển

Qua 18 năm tái lập tỉnh, nhờ sự đầu tư của Nhà nước và công sức đóng góp của nhân dân nên hệ thống hạ tầng nông thôn từng bước hoàn thiện. Đó là xây dựng công trình đê biển dài 52,4km; đê sông dài 397km và bờ bao dài 2.201km. Đồng thời xây 35 cống, đập; 3 công trình kè chống sạt lở bờ biển, bờ sông. Thi công 33 kênh trục cấp 1 dài 720km; 304 kênh cấp 2 dài 1.616 km; 753 kênh cấp 3 vượt cấp dài 2.736km và 3.141 kênh cấp 3, kênh nội đồng dài 3.402km. Song song đó, xây 18 trạm bơm nước và 189 ô thủy lợi khép kín (diện tích mỗi ô thủy lợi là 30 - 100ha)…

Để nông nghiệp Bạc Liêu phát triển bền vững, tỉnh đã đề ra định hướng phát triển năm 2015 và hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Cụ thể, năm 2015, để thực hiện đạt tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản phải đạt 290.000 tấn, sản lượng lúa 1.035.000 tấn, sản lượng muối 160.000 tấn, độ che phủ của rừng, cây phân tán và cây lâu năm là 12,58% diện tích tự nhiên, kim ngạch xuất khẩu đạt 447,5 triệu USD…

Song song đó, triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ổn định diện tích đất chuyên trồng lúa, mở rộng diện tích lúa - tôm. Ưu tiên tập trung nạo vét các kênh mương bị bồi lắng, xây dựng các trạm bơm nước, áp dụng rộng rãi công nghệ tưới nước tiết kiệm. Điều chỉnh cơ cấu giống, mùa vụ phù hợp với từng tiểu vùng. Tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh 7 mô hình cánh đồng mẫu lớn ở các huyện trở thành các mô hình mẫu để triển khai nhân rộng. Hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh triển khai thực hiện chủ trương liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và xây dựng vùng nguyên liệu - cánh đồng lớn… Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ đa dạng sinh học. Tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ vào thực tế sản xuất; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo điều kiện thuận lợi cho nông, ngư dân tiếp cận các tiến bộ khoa học - công nghệ mới phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới…

Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Nông nghiệp Bạc Liêu không ngừng phát triển nhờ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật - công nghệ cao trong sản xuất. Từ đó, nhiều mô hình sản xuất mới xuất hiện, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sở NN&PTNT đang quy hoạch và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, điển hình là mô hình cánh đồng mẫu lớn. Hiện nay, ngành Nông nghiệp tổ chức xây dựng vùng lúa nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho nông dân và hướng đến xây dựng mô hình cánh đồng lớn…”.

Minh Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.