Tin tức

CHÚ NĂM QUÂN ĐÃ VỀ CÕI VĨNH HẰNG

Thứ Hai, 01/06/2015 | 17:59

Vào hồi 21 giờ 40 phút ngày 30/5/2015, chú Lê Quân (Năm Quân) - nhân vật lịch sử của Bạc Liêu đã trút hơi thở cuối cùng, vĩnh biệt cõi đời.

Chú Lê Quân tên thật là Lê Đại, sinh ngày 23/12/1927, tại xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân, tại một làng quê nghèo khó tối tăm. Khi còn nằm trong bụng mẹ đã chịu cảnh chia lìa cha, đến năm 10 tuổi lại phải gánh nỗi đau mất mẹ. Tuổi thơ của ông là những năm tháng dài lê thê tủi cực, thân mồ côi cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Nơi làng quê tối tăm, nông dân bị địa chủ, thực dân đày đọa, rồi giặc Pháp gây cảnh chiến tranh chết chóc tràn lan, nông dân Phong Thạnh đứng lên đánh đuổi thực dân, địa chủ.

Lãnh đạo tỉnh trao Huân chương Độc lập cho đồng chí Lê Quân - nhân vật lịch sử, người tham gia giải phóng Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ

Quê hương đã hun đúc ý thức cách mạng cho ông. Tháng 5/1945, chú Năm Quân vào Đoàn Thanh niên cứu quốc và chính thức tham gia hoạt động cách mạng, rồi được bầu làm Ủy viên Xã đoàn Phong Thạnh, kiêm đội trưởng Liên đội cảm tử quân. Ngày 23/8/1945, theo lệnh cấp trên, chú Năm Quân đã trực tiếp tham gia bao vây dinh Tỉnh trưởng Bạc Liêu, gây áp lực hỗ trợ mũi đấu tranh chính trị buộc Tỉnh trưởng bù nhìn Trương Công Thiện tuyên bố đầu hàng, giao chính quyền cho cách mạng hồi 10 giờ ngày 23/8/1945.

Khi thực dân Pháp được đồng minh tiếp sức quay lại tiến chiếm Bạc Liêu, chú Năm Quân được tổ chức giao nhiệm vụ lãnh đạo đội bảo vệ cụ Vũ Đức, Tư lệnh Quân khu 9. Tháng 10/1946, chú được phân công về xã Phong Thạnh để gây dựng phong trào cách mạng vì cơ sở ta đã bị Pháp đánh tan rã. Trong những năm đầu tham gia cách mạng, chú luôn tích cực hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nên chỉ hơn 2 năm (ngày 6/1/1947), chú vinh dự được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Từ năm 1949 - 1961, chú được phân công làm Bí thư Đảng ủy xã Phong Thạnh, rồi Bí thư Huyện ủy Giá Rai, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng. Năm 1960, quân dân miền Nam nổi dậy đồng khởi, với cương vị là Bí thư Huyện ủy, đồng chí Năm Quân đã lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu làm nên cuộc đồng khởi Giá Rai thắng lợi, đánh tan nhiều đồn bót, giải phóng nhiều vùng nông thôn rộng lớn.

Đầu năm 1961, do yêu cầu nhiệm vụ, chú Năm Quân được phân công làm Trưởng Ban An ninh tỉnh Sóc Trăng. Đến năm 1963, được bổ sung làm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên huấn, kiêm Giám đốc Trường Đảng tỉnh. Tháng 6/1965, chú Năm Quân được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp phụ trách Tuyên huấn - Tổ chức; ngoài các chức vụ trên, chú còn được giao nhiệm vụ làm Trưởng phân ban Tỉnh ủy khu vực Bạc Liêu trực tiếp lãnh đạo các huyện Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Giá Rai và thị xã Bạc Liêu. Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1968, chú Năm Quân được Tỉnh ủy giao làm Trưởng ban chỉ huy tổng tiến công và nổi dậy thị xã Bạc Liêu; chú đã chỉ huy, lãnh đạo cùng với đồng bào, chiến sĩ Bạc Liêu tiến hành tổng tiến công và nổi dậy làm nên mùa Xuân 1968 đi vào lịch sử.

Tháng 1/1971, chú Năm Quân được Quân khu điều động trở lại làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng phụ trách Tuyên huấn - Tổ chức; sau đó được giao kiêm Bí thư thị xã Bạc Liêu.

Tháng 11/1973, tỉnh Bạc Liêu tái lập, chú Năm Quân được phân công làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, phụ trách Tuyên huấn và Tổ chức Tỉnh ủy.

Tháng 12/1974, chú được Khu ủy điều động, phân công làm Ủy viên Ban Tuyên huấn khu, đến tháng 4/1975, được phân công làm Đặc phái viên của Khu ủy về chỉ đạo giải phóng thị xã Bạc Liêu. Chú đã cùng với Ban Thường vụ Tỉnh ủy bàn bạc và đi đến nhất trí: Giải phóng Bạc Liêu bằng ba mũi giáp công, trong đó mũi chính trị và binh vận là chính. Và chú Năm Quân là người được cử làm đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng ra gặp Tỉnh trưởng chính quyền Sài Gòn - Nguyễn Ngọc Điệp để thương thuyết. Đó là một buổi sáng (7 giờ 30 phút) tháng 4/1975, một buổi sáng mà ngụy quyền Sài Gòn vẫn chưa tuyên bố đầu hàng cách mạng, chính quyền ngụy tỉnh Bạc Liêu vẫn còn nắm trong tay 12.000 quân; nơi ông đến là dinh Tỉnh trưởng và tòa hành chánh ngụy - hang ổ kẻ thù.

Đã bao lần tôi đọc trong lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử quân sự về cuộc đấu tranh, thương thuyết yêu cầu Tỉnh trưởng và bộ hạ ngụy quyền giao chính quyền cho cách mạng của chú Năm Quân, mà lần nào tôi cũng thầm cảm phục tài hùng biện, trí thông minh sắc sảo của ông khi phân tích tình hình để thuyết phục kẻ thù. Và cuối cùng, Đại tá Tỉnh trưởng ngụy đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, giao chính quyền cho cách mạng, trước khi Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng. Đó là một thắng lợi mang tính nhân văn sâu sắc. Lịch sử tái hiện lần thứ hai Bạc Liêu giành chính quyền không đổ máu. Lịch sử đẫm chất nhân văn ấy có công lao đóng góp của chú Năm Quân. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chú Năm Quân được giao lần lượt giữ các chức vụ: Giám đốc Sở Điền địa Khu Tây Nam bộ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Minh Hải, Phó ban Cải tạo nông nghiệp tỉnh, Trưởng Ban Quản lý ruộng đất Minh Hải, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Giá Rai, Giám đốc Công ty Vận tải sông biển Minh Hải, đến tháng 7/1989 chú nghỉ hưu.

Trong những bước ngoặt lịch sử của đất Bạc Liêu đều ghi dấu sự hiện diện của chú Năm. Chú đến để cùng chịu đựng gian khổ với đồng bào, đồng chí và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, nhân dân giao cho. Ta có thể nói rằng, trong những năm đất Bạc Liêu chiến tranh máu lệ, nơi nào gian khổ, ác liệt, hy sinh nhất là có mặt chú Năm Quân. Chính vì thế chú Năm là nhân vật lịch sử của đất địa này. Và đó chính là nhân cách cao đẹp của chú Năm Quân. Chú Năm đi rồi nhưng còn rất nhiều bài học quý ở lại. Ngoài sự rèn luyện dạy dỗ của Đảng và nhân dân, ở chú Năm Quân, chúng ta còn thấy sự vươn lên của chính bản thân. Từ một thiếu niên mù chữ, cảnh đời côi cút chú nói rằng đã học “lóm” được lớp 4. Vậy mà trong những năm kháng chiến và cả sau hòa bình chú nổi tiếng là người thông minh, nhớ giỏi, có tài hùng biện. Đây là một tư cách đáng quý, một bài học của hôm nay.

Tôi còn được nghe kể một câu chuyện cảm động về chú. Thời bao cấp nhà chú Năm nghèo lắm, thím Năm lại bệnh nằm một chỗ, đi làm về là chú “lùa” các con cùng mình ra trồng rau muống để cải thiện đời sống gia đình. Chú hướng nghiệp cho các con mình làm hành chính sự nghiệp chứ không làm kinh tế. Nhà nghèo mà lâu lâu chú Năm rước mấy chục người ở dưới quê lên, đó là người thân, ân nhân nuôi chứa chú trong những năm chiến tranh, chú ân cần thăm hỏi, giúp đỡ từng người theo khả năng của mình. Và chú dạy các con không được quên những ân tình ấy. Chính vì thế mà khi nghe chú bệnh, nhiều người từ những làng quê xa xôi của Sóc Trăng, Bạc Liêu đã không quản ngại đường sá xa xôi đến thăm chú…

Chú Năm ơi, 89 tuổi đời, với nhiều cống hiến cho quê hương… chú sống thật là xứng đáng. Giờ đây chú đã về cõi vĩnh hằng, cháu - người viết mấy dòng này thay một nén nhang thành tâm vĩnh biệt một người Bạc Liêu đáng kính, vĩnh biệt một nhân vật mà lịch sử Bạc Liêu mãi mãi ghi tên.

Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.