Nâng cao hiệu quả những mô hình sản xuất trên đất rừng

Thứ Năm, 27/08/2015 | 13:23

Trước thực trạng biến đổi khí hậu như hiện nay, những mô hình canh tác dưới tán rừng đang ngày càng kém hiệu quả. Vậy, trong tương lai, hướng đi nào sẽ là giải pháp bền vững cho hơn 4.000ha đất rừng của Bạc Liêu?

HIỆU QUẢ KINH TẾ THẤP

Từ lâu, những mô hình sản xuất dưới tán rừng như nuôi tôm, cua, cá… được cho là bền vững. Song, hiện nay nuôi trồng thủy sản trên đất rừng thường xuyên gặp rủi ro và cho hiệu quả kinh tế thấp.

Cán bộ Phòng NN&PTNT khảo sát mô hình nuôi tôm dưới tán rừng ở xã Định Thành (huyện Đông Hải). Ảnh: C.L

Ông Nguyễn Văn Chiến (ấp 12, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) cho biết: “Tôi nhận khoán hơn 6ha đất để giữ rừng và nuôi trồng thủy sản từ nhiều năm. Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản ngày càng gặp khó khăn. Phần lớn tôm nuôi được vài tháng là gặp rủi ro. Có năm tôi thả nuôi hơn 200.000 con tôm và cua giống nhưng cuối năm cũng chỉ huề vốn”.

Thủy sản nuôi dưới tán rừng chủ yếu bằng hình thức quảng canh, vì thế phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Nhiều hộ sản xuất trên đất rừng cho rằng, con tôm, con cá ngày càng khó nuôi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường. Do vậy, các loài thủy sản nuôi rất dễ chết. Ngoài ra, nguồn nước ô nhiễm cũng làm tăng rủi ro trong quá trình nuôi tôm. Bên cạnh đó, con giống thủy sản từ thiên nhiên gần như bị cạn kiệt hoàn toàn.

GIẢI PHÁP LÂU DÀI

Trước việc sản xuất ngày càng bấp bênh, nông dân vẫn loay hoay đi tìm các loài thủy sản hiệu quả hơn để thay thế. Tuy nhiên, không riêng gì Bạc Liêu, mà các tỉnh có rừng ngập mặn ở khu vực phía Nam như Cà Mau, Kiên Giang, những đối tượng thủy sản nuôi kết hợp với trồng rừng không nhiều. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ tôm, cua, cá…

Theo ông Nguyễn Hoàng Xuân, Chi cục phó Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh: “Những mô hình sản xuất trên đất rừng tuy có tính ổn định, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năng suất và sản lượng của tôm, cua qua các năm không tăng là do tập quán sản xuất của nông dân. Bà con thả nuôi xen tôm, cua, cá kết hợp liên tục rồi xổ theo con nước. Trong tương lai, nông dân nuôi thủy sản dưới tán rừng cần phải áp dụng khoa học - kỹ thuật, thay đổi tập quán nuôi. Chúng ta không cần tìm các đối tượng nuôi mới, mà cần tập trung nâng cao hiệu quả cho các loài thủy sản đang có”.

Còn ông Huỳnh Quốc Khởi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, cho rằng: “Những mô hình nuôi thủy sản trong rừng ngập mặn ở Bạc Liêu cho hiệu quả không cao là do nhiều nguyên nhân. Trong đó có yếu tố lớp mùn hữu cơ lá cây đước bồi lắng quá nhiều, nguồn nước lấy vào vuông bị ô nhiễm, độ che phủ của rừng dày làm hạn chế ánh sáng lọt xuống ao… khiến cho tôm, cá chậm phát triển. Vì thế, để mang lại hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản, bà con cần thực hiện đa canh - nuôi nhiều đối tượng; chọn nước sạch để đưa vào vuông tôm. Đồng thời phối hợp với ngành Kiểm lâm để nạo vét đáy ao thuộc phần đất được canh tác; tăng cường trồng rừng để làm chỗ trú ẩn cho tôm, cua, cá. Bà con phải tạo được một hệ sinh thái bền vững trên đất rừng để tránh môi trường ao nuôi biến động. Đặc biệt, phần lớn rừng đều nằm gần biển nên bà con cần thường xuyên gia cố bờ bao đề phòng nước biển dâng gây thiệt hại”.

PHẠM ĐOÀN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.