Ông Dương Công Lập - Chánh án TAND tỉnh: Áp dụng án lệ nhằm bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức

Thứ Sáu, 27/05/2016 | 17:31

Ông Dương Công Lập - Chánh án TAND tỉnh

Tháng 4/2016, một sự kiện pháp lý khá quan trọng thu hút sự quan tâm của xã hội là lần đầu tiên TAND Tối cao ban hành án lệ cho phép hệ thống tòa án trong cả nước vận dụng để xét xử. Nhằm để hiểu rõ hơn về vấn đề này, ông Dương Công Lập - Chánh án TAND tỉnh cho biết:

Mới đây, Chánh án TAND Tối cao đã công bố 6 bản án lệ. Bản án lệ thứ nhất là Quyết định giám đốc thẩm (GĐT) số 04 ngày 16/4/2014 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về vụ án giết người đối với bị cáo Đồng Xuân Phương (Hải Phòng). Thứ hai là Quyết định GĐT số 27 ngày 8/7/2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về một vụ “tranh chấp đòi lại tài sản” xảy ra tại tỉnh Sóc Trăng. Thứ ba là Quyết định GĐT số 208 ngày 3/5/2013 của Tòa Dân sự TAND tối cao về một vụ “ly hôn” tại TP. Hà Nội. Thứ tư là Quyết định GĐT số 04 ngày 3/3/2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về một vụ “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” tại TP. Hà Nội. Thứ năm là Quyết định GĐT số 39 ngày 9/10/2014 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về một vụ “tranh chấp di sản thừa kế” tại TP. HCM. Và bản án lệ thứ sáu là Quyết định GĐT số 100 ngày 12/8/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về một vụ “tranh chấp thừa kế” tại TP. Hà Nội.

Các án lệ trên có hiệu lực áp dụng kể từ ngày công bố.

PV: Sẽ còn bao nhiêu bản án lệ được công bố trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Dương Công Lập: Đó là 6 bản án điển hình ở 6 lĩnh vực của đời sống xã hội lần đầu tiên được chọn làm án lệ. Nói chung còn rất nhiều bản án nhưng phải chọn án nào chuẩn mực, có tình tiết mới và thật sự chín muồi thì mới được chọn làm án lệ (án mẫu). Không thể nói trước rằng tới đây sẽ ban hành thêm bao nhiêu án lệ. Bởi nó phụ thuộc vào thực tiễn các quan hệ xã hội phát sinh mà luật chưa thể lường trước được.

PV: Việc ban hành án lệ có ý nghĩa gì đối với đời sống xã hội và hoạt động xét xử của Tòa án, thưa ông? Khi nào thì Hội đồng xét xử được áp dụng án lệ?

Ông Dương Công Lập: Tôi cho rằng, việc ban hành án lệ là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống xã hội cũng như hoạt động xét xử của tòa án. Án lệ có giá trị thay cho pháp luật, là hình thức để khắc phục ngay những vụ việc xảy ra trong xã hội mà các luật, bộ luật chưa quy định. Nó cho phép lấp từng lỗ hổng pháp luật với từng vụ việc cụ thể, khắc phục được tình trạng xét xử không có điểm dừng. Vì mỗi lần sửa đổi luật rất tốn kém và mất nhiều thời gian.

Việc áp dụng án lệ nhằm kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức, đồng thời cũng làm cơ sở cho tòa án dễ dàng áp dụng xét xử một cách minh bạch, rõ ràng, không cho phép thẩm phán tùy nghi, muốn xử sao cũng được. Đã có án lệ thì khi có vụ việc tương tự bắt buộc phải xử y như nhau ở các cấp tòa án. Áp dụng án lệ còn nhằm để tránh oan sai. Nếu vụ việc thuộc trường hợp phải áp dụng án lệ mà thẩm phán không áp dụng thì bản án đó sẽ bị hủy.

PV: Các bản án lệ nêu trên khi nào sẽ được triển khai đến tòa án hai cấp trong tỉnh. Ở Bạc Liêu có vụ án nào áp dụng án lệ hay chưa, thưa ông?

Ông Dương Công Lập: Trước khi ban hành án lệ, TAND Tối cao đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo để đóng góp và lựa chọn bản án có tính phổ biến, điển hình trên cả nước với sự tham gia lựa chọn của các nhà làm luật, kể cả chuyên gia nước ngoài. Tất cả các hội thảo này đều có sự tham gia của đội ngũ thẩm phán tòa án cấp tỉnh và cấp huyện, nên họ đã nắm rất rõ.

Hiện nay, việc triển khai lại cho đội ngũ thẩm phán là cách để nhận biết án lệ, biết cách đọc, cách vận dụng án lệ vào bản án chứ không cần phải mở hội nghị, hội thảo nữa.   

Ở Bạc Liêu, từ khi công bố đến nay chưa có vụ việc nào áp dụng án lệ. Khi gặp trường hợp tương tự án lệ, thẩm phán không cần phải xin ý kiến ai mà có quyền vận dụng, diễn giải ngay vào việc xét xử của mình.

PV: Được biết, tới đây TAND Tối cao sẽ yêu cầu chánh án các tỉnh, thành phố phát động phong trào thi đua nâng cao chất lượng viết bản án của thẩm phán để xây dựng nguồn án lệ. Dự kiến sẽ đưa tiêu chí bản án được chọn làm án lệ là một trong những tiêu chí xét thi đua, là người đứng đầu ngành Tòa án Bạc Liêu, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Dương Công Lập: Án lệ là tình tiết mới, luật chưa quy định. Còn viết án lệ là một vấn đề khác. Bởi vì bản án lệ trước khi được công bố rộng rãi phải qua rất nhiều công đoạn, hội đồng, ban soạn thảo tham gia thẩm định, chỉnh sửa, cắt gọt, góp ý, hành văn… sao cho thật chặt chẽ, lô-gíc. Cho nên, bản thân mỗi thẩm phán chưa đủ khả năng làm được việc này. Riêng việc phát động thi đua để thẩm phán chọn tình tiết giới thiệu làm án lệ thì Tòa án tỉnh đang tính tới. Tôi đề nghị, các thẩm phán, thẩm tra viên trong quá trình tác nghiệp nếu phát hiện tình tiết đủ yếu tố làm án lệ thì mạnh dạn báo cáo lên TAND tỉnh để được giới thiệu lên TAND Tối cao.

TẤN ĐẠT (thực hiện)

Án lệ được hiểu là đường lối giải thích và áp dụng luật pháp của các tòa án về một điểm pháp lý. Đường lối này đã được coi như một tiền lệ, bắt buộc các thẩm phán sau đó phải noi theo trong các trường hợp tương tự. Nói nôm na, xử theo án lệ là việc tòa cấp dưới vận dụng các phán quyết có từ trước của tòa cấp trên để đưa ra một phán quyết mới tương tự trong một vụ việc tương tự.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.