Đồng loạt ra quân phòng trừ rầy nâu trên trà lúa hè thu

Thứ Sáu, 26/08/2016 | 15:57

Hiện nay, rầy nâu đang trong giai đoạn nở rộ và các trà lúa hè thu đang bị sâu bệnh phá hại. Ngành chức năng khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm ruộng và đồng loạt ra quân phòng trừ rầy nâu bằng phương pháp “4 đúng”.

Nông dân xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) phun thuốc phòng trừ rầy nâu.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT kiểm tra diện tích lúa nhiễm sâu bệnh ở xã Vĩnh Mỹ B (huyện Hòa Bình). Ảnh: M.Đ

Toàn tỉnh có 57.185ha lúa hè thu, trong đó có hơn 10.300ha lúa làm đòng, gần 29.000ha lúa trổ bông và hơn 17.700ha lúa chín. Đến nay, có 161ha lúa hè thu sạ sớm ở huyện Hồng Dân thu hoạch.

Theo thống kê của ngành chức năng, chỉ tính riêng tuần qua, diện tích lúa trong tỉnh nhiễm sâu bệnh cần phòng trừ là hơn 40.500ha. Các đối tượng gây hại chủ yếu là rầy nâu, nhện gié, sâu cuốn lá, sâu đục thân… Trong đó, diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu hơn 3.700ha với mật độ  từ 1.500 - 2.500 con/m2, cá biệt có nơi 3.000 - 5.000 con/m2...

Điểm nóng về rầy nâu là huyện Vĩnh Lợi. Ở xã Châu Hưng A, nông dân đang ra quân phun thuốc phòng trừ rầy nâu. Gia đình ông Võ Văn Tần (xã Châu Hưng A) có hơn 1,5ha trồng lúa hè thu. Mấy ngày qua, ông Tần phát hiện rầy nâu trên lúa và đã phun xịt thuốc phòng trừ. Ông Tần cho biết: “Khi cán bộ nông nghiệp khuyến cáo bà con đồng loạt phun thuốc trừ rầy, tôi và một số nông dân có ruộng liền kề đã phun thuốc  theo hướng dẫn. Sau đó, kiểm tra thấy mật độ rầy nâu giảm rất rõ”.

Ngành chức năng khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng nhằm kịp thời phát hiện sâu bệnh để phun thuốc phòng trừ; đồng thời áp dụng mô hình phòng trừ sâu bệnh bằng biện pháp IPM kết hợp với công nghệ sinh thái. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đang triển khai mô hình IPM kết hợp công nghệ sinh thái (còn gọi là mô hình ruộng lúa - bờ hoa) và tổ chức trình diễn 37 điểm ở các huyện, thị xã và thành phố.

Mô hình cánh đồng sinh thái thực hiện bằng cách trồng hoa thu hút thiên địch, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật. Các loài hoa được trồng trên bờ ruộng nhằm khống chế các loài côn trùng gây hại là hoa soi nhái, vạn thọ, xuyến chi, cúc mặt trời, trâm ổi, hoa mười giờ…

Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, ở các điểm áp dụng mô hình cánh đồng sinh thái, nông dân giảm chi phí thuốc trừ sâu khoảng 50%, năng suất lúa đạt cao, tăng thu nhập 2 - 3 triệu đồng/ha/vụ so với ruộng ngoài mô hình. Cùng với đó là quản lý tốt dịch hại, quản lý rầy nâu, không để bùng phát gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa.

Theo dự báo của ngành chức năng, rầy nâu nở rộ từ ngày 22 - 27/8/2016, mật số rầy nâu phổ biến từ 2.000 - 3.000 con/m2. Vì vậy, thời điểm nông dân phun thuốc phòng trừ rầy nâu hiệu quả nhất là từ ngày 25 - 30/8/2016. Ngoài ra, bà con cũng cần quan tâm một số loại bệnh như bệnh đạo ôn bông, lem lép hạt tiếp tục phát sinh gây hại trên diện rộng. Loại bệnh này nên phun thuốc phòng ngừa bệnh 2 lần trước và sau khi lúa trỗ. Còn bệnh cháy bìa lá nên phun thuốc phòng ngừa khi bệnh chớm xuất hiện… Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã chỉ đạo các Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác theo dõi sâu bệnh trên đồng ruộng; hướng dẫn nông dân tích cực phòng trừ để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

Minh Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.