Bài học từ một hợp đồng

Thứ Hai, 29/08/2016 | 16:18

Ở xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) vừa khép lại một vụ kiện liên quan hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản giữa Công ty Công nghệ nông thôn (CNNT) với 20 hộ nông dân. Kết thúc vụ kiện, chỉ vì bê bối trong cách làm ăn mà nông dân thì mất công ăn việc làm, công ty và cửa hàng vật tư nông nghiệp phải liên đới bồi thường thiệt hại cho nông dân.

Tập đoàn Lộc Trời liên kết sản xuất, bao tiêu lúa gạo của nông dân trong tỉnh. Ảnh: H.D

Câu chuyện bắt đầu từ một hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa Công ty CNNT (trụ sở tại TP. HCM) với 20 hộ nông dân ở xã Châu Hưng A. Nông dân hoàn toàn không biết về trụ sở công ty này, mà chỉ đặt niềm tin vào sự giới thiệu của chính quyền địa phương. Hai bên làm ăn với nhau mới một vụ lúa thì xảy ra chuyện.  

Theo hợp đồng (chỉ có đại diện chính quyền địa phương và công ty ký): “Phía công ty giới thiệu doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp (VTNN) cho nông dân. Trách nhiệm công ty là đảm bảo giống, phân bón đúng số lượng, chất lượng, chủng loại, quy cách và thời hạn đã cam kết; đảm bảo thu mua sản phẩm hàng hóa đúng số lượng thu hoạch thực tế…”. 

Còn trách nhiệm của nông dân là: “Phải tuân thủ các quy trình canh tác phù hợp với khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Giao, bán sản phẩm hàng hóa đúng theo quy cách về phẩm chất, số lượng (theo thực tế thu hoạch), đúng thời gian, địa điểm giao hàng đã được hai bên thống nhất”.

Song, đến thời điểm thu hoạch, công ty lại không thu mua lúa của nông dân theo hợp đồng. Nông dân chờ mãi đến khi lúa chín rục ngoài đồng nên buộc phải bán cho thương lái với giá thấp hơn của công ty 200 đồng/kg. 

Trong lúc Công ty CNNT vi phạm hợp đồng thì cũng là lúc 20 hộ nông dân bỗng dưng trở thành bị đơn do ông T. (chủ cửa hàng VTNN) khởi kiện ra tòa đòi nợ VTTN. Vụ việc khiến cho nông dân bức xúc vì họ cho rằng chỉ hợp tác làm ăn trọn gói với Công ty CNNT chứ không hề có giao dịch mua bán với cửa hàng VTNN.

Sau nhiều lần kéo nhau ra xã, lên tòa, tại phiên hòa giải cuối cùng, TAND huyện Vĩnh Lợi phán xử: Ông T. (chủ cửa hàng VTNN) không có tư cách khởi kiện nông dân. Vì trên thực tế, ông T. không ký kết gì với nông dân, mà chỉ là đối tác làm ăn với Công ty CNNT để cung ứng VTNN.

Đuối lý với nông dân, Công ty CNNT đành phải đồng ý hỗ trợ thiệt hại cho nông dân 8.000 đồng/giạ lúa đối với sản lượng lúa thực tế mà các hộ nông dân thu hoạch. Cửa hàng VTNN cũng liên đới hỗ trợ thêm cho nông dân 2.000 đồng/giạ lúa tươi. Tổng cộng có hơn 70 tấn lúa mà đối tác phải bồi thường thiệt hại cho nông dân về giá. Tại tòa, các hộ nông dân cũng đồng ý sẽ thanh toán tiền VTNN sau khi được Công ty CNNT đồng ý hỗ trợ thiệt hại.

Qua vụ việc này cho thấy, chính quyền các địa phương, ngành chức năng, các cơ sở kinh doanh và nông dân cần tìm hiểu thật kỹ đối tác của mình trước khi hợp đồng làm ăn. Đặc biệt, nên loại bỏ ngay từ đầu những đơn vị làm ăn theo kiểu “mượn đầu heo nấu cháo”, rồi bỏ mặc nông dân khi thấy cơ hội hưởng lợi không còn.      

HỮU DUYÊN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.