Xây dựng và phát triển giao thông nông thôn: Để các công trình giao thông phát huy hiệu quả

Thứ Sáu, 16/09/2016 | 16:35

Trong xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông, ngoài khó khăn chính là thiếu vốn, vẫn còn nhiều chuyện đáng bàn. Đó là việc lãng phí và chưa phát huy được hiệu quả đầu tư, thậm chí còn tạo nên những lực cản kìm hãm sự phát triển.

Người dân tự làm mố cầu (cây cầu nằm trên tuyến đường 3/2 nối liền các xã Lộc Ninh - Ninh Thạnh Lợi - Ninh Thạnh Lợi A thuộc huyện Hồng Dân). Ảnh: P.Đ

Cỏ dại mọc lấn gần hết đường 3/2. Ảnh: P.Đ

Nhiều công trình bị “chết yểu”

Đối với một tỉnh hạ tầng giao thông còn gặp nhiều khó khăn như Bạc Liêu, mỗi công trình giao thông được đầu tư đều quan trọng và mang nhiều ý nghĩa. Đó là những công trình kết nối niềm vui và tạo thêm sức bật cho các vùng quê phát triển.

Tuy nhiên, một bất cập trong  thời gian qua, đó là một bộ phận người dân chưa thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng các công trình giao thông. Đơn cử như khi xây dựng công trình thì người dân tính đến chuyện bồi thường, mức giá đền bù cao, nhận được nhiều hỗ trợ từ Nhà nước… Họ không nghĩ đến việc khi các công trình hoàn thành sẽ mở ra cơ hội cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của chính gia đình mình. Việc “cò kè bớt một thêm hai” đã làm nhiều dự án, công trình giao thông bị “chết yểu” ngay khi lập dự toán. Nhiều công trình không thể mở rộng hay nâng cấp chỉ vì chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng quá cao. Hay khi đi vào giai đoạn xây dựng, nhiều công trình lâm vào cảnh “sống dở, chết dở” do bị người dân ngăn cản thi công. Nhiều nhà thầu phải “bỏ của chạy lấy người” vì không có thời gian, chi phí ngồi đợi giải quyết xong các khiếu nại…

Hệ lụy là nhiều công trình phải tạm dừng thi công, rồi bỏ thi công, mặc cho tiền Nhà nước đã đầu tư trước đó. Điển hình như tuyến đường 3/2 ở xã Lộc Ninh (huyện Hồng Dân). Con đường này nối liền các xã Lộc Ninh - Ninh Thạnh Lợi - Ninh Thạnh Lợi A với chiều dài gần 10km, nhiều năm qua không thể tiếp tục thi công vì gặp khó trong khâu giải phóng mặt bằng. Ông Danh Co (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân) cho biết: “Khi làm lộ, nhiều hộ dân ở đây đã nhận tiền bồi hoàn giải phóng mặt bằng, nhưng có hộ lại đòi thêm tiền và cứ ngăn cản thi công. Vì vậy, gần 10 năm qua, con lộ vẫn chưa hoàn thành”.

Theo ông Nguyễn Tấn Dững, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hồng Dân: “Qua nhiều năm vận động nhưng bà con cứ cản trở thi công tuyến đường 3/2. Do vậy, huyện Hồng Dân quyết định chọn một tuyến khác để xây dựng, nhằm đấu nối với các xã Lộc Ninh - Ninh Thạnh Lợi - Ninh Thạnh Lợi A và về đến khu căn cứ Tỉnh ủy”. Vậy là nhiều hộ dân trên tuyến đường cũ mất đi cơ hội có đường giao thông. Và dù có tiếc nuối thì cũng đã muộn.

Cần “làm tới đâu chắc tới đó”

Một bài học kinh nghiệm cần được rút ra trong việc đầu tư các công trình giao thông nông thôn (GTNT) thời gian qua chính là cần khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư. Do nguồn vốn đầu tư được bố trí không nhiều, nên khi được bố trí vốn cần tập trung làm tốt việc giải ngân, thực hiện phương châm đầu tư không dàn trải, thi công đến đâu chắc đến đó. Như tuyến đường về trung tâm xã Vĩnh Lộc - Vĩnh Lộc A được triển khai thi công từ cuối năm 2011, song phải tạm dừng thi công từ năm 2013 vì chưa được Trung ương bố trí vốn. Tuyến đường này đang bị xuống cấp nghiêm trọng, và khi muốn về trung tâm xã Vĩnh Lộc A thì phải đi vòng từ tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang.

Ngoài việc bị động về nguồn vốn được Trung ương phân bổ hàng năm, một số dự án GTNT vẫn còn thực hiện theo kiểu “làm cho có”. Dự án xây dựng cầu Xẻo Vẹt nối liền huyện Hồng Dân với huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) là một ví dụ. Dự án được khởi công vào tháng 4/2015 với tổng vốn đầu tư trên 53 tỷ đồng. Và sau lễ khởi công, giá đất tại khu vực này tăng đến chóng mặt (vì ai cũng hy vọng khi xây dựng cầu Xẻo Vẹt sẽ vực dậy kinh tế ở đây). Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai và người dân còn phải lệ thuộc vào những chiếc phà qua sông. Nguyên nhân chính là do chủ đầu tư không tiếp cận được nguồn vốn vay BOT khi các ngân hàng không còn mặn mà với các dự án GTNT.

Rồi nhiều dự án GTNT khác cũng triển khai thi công theo kiểu chờ vốn. Từ đó, làm nhiều nơi bị biến thành những bãi công trình thi công dang dở, gây mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông, gây ô nhiễm môi trường và làm mất lòng tin của người dân…

Phát huy tính cộng đồng

Cùng với đầu tư và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn xây dựng các công trình GTNT, một nội dung quan trọng khác cần bàn là phát huy tính cộng đồng trong xây dựng, bảo dưỡng và giữ gìn các công trình GTNT. Qua khảo sát ở nhiều địa phương, không ít người dân vẫn chưa quan tâm đến việc quản lý, bảo dưỡng hay duy tu các công trình GTNT, mà xem đó là trách nhiệm của Nhà nước. Cụ thể, những con lộ GTNT nằm gần các con kênh thủy lợi thường bị sạt lở hay sụt lún, nếu được người dân địa phương gia cố kịp thời sẽ hạn chế tối đa sự hư hại. Hoặc nhiều cây cầu GTNT khi bị bong tróc, bị sụp mố, người dân vẫn trông chờ vào chính quyền địa phương sửa chữa, thay vì sửa tạm để đảm bảo an toàn giao thông.

Từ những vấn đề trên cho thấy, để phát huy hiệu quả đầu tư từ các công trình giao thông, cùng với trách nhiệm của Nhà nước, người dân cũng cần thể hiện vai trò của mình trong việc chung tay, góp sức cho những công trình chung.

P. ĐOÀN - K. TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.