Trong nước

CPI bình quân 9 tháng năm 2016 tăng 2,07% so với cùng kỳ 2015

Chủ Nhật, 25/09/2016 | 17:12

Tại buổi họp báo công bố chỉ số giá tháng 9 và quý III/2016 diễn ra ngày 24/9, Tổng cục Thống kê, Bộ KH-ĐT đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2016 tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 3,14% so với tháng 12/2015.

Tính chung CPI bình quân 9 tháng năm 2016 tăng 2,07% so với cùng kỳ năm 2015.

Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê - Vũ Thị Thu Thủy cho biết, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 9/2016 tăng 0,07% so với tháng trước, tăng 1,85% so với cùng kỳ; 9 tháng năm 2016 so cùng kỳ năm 2015 tăng 1,81%. Như vậy, lạm phát cộng dồn của Việt Nam cho tới thời điểm này mới đang ở mức 3,14%, càng thêm cơ sở để khẳng định lạm phát năm nay sẽ được kiềm chế ở mức dưới 5%. Hơn nữa, nếu như tính theo cách mới mà Tổng cục Thống kê đang đề xuất - đó là tính bình quân, thì lạm phát năm nay đang ở mức 2,07%, còn cách khá xa mục tiêu điều hành. 
“Như vậy, mức tăng của lạm phát chung (tăng 2,07%) và lạm phát cơ bản (tăng 1,81%) khá gần với nhau, lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay so cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,64% đến 1,88%, điều này thể hiện, chính sách tiền tệ đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô”, Tổng cục Thống kê nhận định.

 

CPI tháng 9 tăng mạnh. Ảnh: HNV

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 10 nhóm tăng gồm có: Giáo dục tăng 7,19%; Giao thông tăng 0,55%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,18%; May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,14%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,09%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,09 %; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,05%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,04%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%. Riêng nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,07%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, bình quân 9 tháng 2016 so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục. Trong đó, cuối tháng 8 Việt Nam đã trúng thầu 150.000 tấn gạo xuất khẩu cho Philipines nên giá lúa gạo trong nước hồi phục sau 3 tháng (tháng 6,7,8) giảm, tuy nhiên mức tăng khá nhẹ do nguồn cung trong nước dồi dào.
Ngoài ra, giá dịch vụ giáo dục tăng ở 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,19% so tháng trước, đóng góp 0,42% vào mức tăng chung của CPI tháng 9.
Giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 19/8/2016 và ngày 5/9/2016 (giá xăng tăng 1.380 đồng/lít; giá dầu diezen tăng 720 đồng/lít), làm cho chỉ số giá của nhóm giao thông tăng 0,55% đóng góp 0,05% vào mức tăng chung của CPI.

Cũng tại buổi họp báo, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá khẳng định, năm nay Chính phủ đặt mục tiêu CPI tăng 5%, trong khi CPI 9 tháng là 3,14%, vẫn còn dư địa để đạt mục tiêu của Chính phủ đề ra. Những năm gần đây, Chính phủ điều hành theo hình thức kiềm chế lạm phát, nhất là các mặt hàng có sự  quản lý của nhà nước.

Cũng theo bà Đỗ Thị Ngọc, từ nay đến hết năm 2016, có nhiều yếu tố gây áp lực lên CPI đó là giá dịch vụ y tế, giá xăng dầu, chi tiêu dùng cuối năm... Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường. Chính phủ và một số Bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.

Theo ĐCSVNO

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.