Trẻ em vào đời sớm: Những cảnh ngộ đáng thương

Thứ Hai, 27/03/2017 | 16:54

Ăn mặc lem luốc, nói năng thô lỗ - đó là hình ảnh dễ bắt gặp nhất của nhiều trẻ em đang hằng ngày mưu sinh tại các khu du lịch ở Bạc Liêu. Thay vì được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa, các em phải năn nỉ khách du lịch mua vé số, hoặc chèo kéo du khách bán hàng để kiếm chén cơm manh áo.

Khi mệt lả các em ngủ ngay trên đường (Khu du lịch Nhà Mát, TP. Bạc Liêu). Ảnh: Thanh Trúc

Một phụ nữ ôm đứa trẻ ngồi xin ăn ở vỉa hè trong lúc trời mưa (đường Trần Phú, TP. Bạc Liêu). Ảnh: Đ.P

Tại các điểm du lịch trên địa bàn TP. Bạc Liêu vẫn còn nhiều trẻ em bán hàng rong hoặc xin tiền khách du lịch. Bất kể ngày đêm, cứ có du khách là các em tụ tập bán đủ thứ như vé số, bánh phồng tôm, đậu phộng, hạt sen, nhang, nước suối… Cùng với vẻ ngoài lem luốc, nhếch nhác là những lời chào mời thiếu lịch sự, và nếu khách không mua thì các em cứ chèo kéo đến khi bán được hàng mới thôi.

Một buổi chiều ghé vào một quán hải sản trong khu du lịch tại phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu), hình ảnh phản cảm mà chúng tôi nhận được là một em bé bán bánh phồng tôm đôi co với nhân viên của quán. Nguyên nhân là khi nhân viên của quán không cho em chèo kéo khách thì em đã cự cãi để được bán hàng. Theo anh Phạm Nguyện, du khách (tỉnh Cà Mau): “Là khách du lịch nên ai cũng cần có không gian riêng bên gia đình, bạn bè. Do vậy, hành động chèo kéo rất phiền hà du khách. Có lần tôi thấy tội nghiệp một em nhỏ bán vé số nên mua gần 20 tờ. Song, khoảng 5 phút sau vẫn em nhỏ đó cứ đi mời mọc và năn nỉ nhiều người ngồi gần tôi”. Rõ ràng, các em đã được “huấn luyện” cách “kể khổ” để đánh vào lòng thương hại của du khách.

Việc nhiều trẻ nhỏ bị đẩy vào đời quá sớm, không được học hành sẽ ảnh hưởng đến tương lai của các em. Còn thực tế là hàng ngày các em phải dầm mưa dãi nắng bán vé số hoặc làm các công việc nặng nhọc khác để kiếm sống, và vỉa hè trở thành chiếc giường của các em. Chị Trần Thanh Trúc - du khách, nhận xét: “Tôi đã từng thấy các em được giao việc là mỗi tối phải bán hết một số lượng vé số cố định. Nếu bán hết sớm thì về nhận bán tiếp. Thế là cuộc sống của các em cứ lẩn quẩn với những tấm vé số trên tay mà chẳng hề biết đến trường lớp, sách vở. Không biết các bậc phụ huynh nghĩ gì vì những đồng tiền ít ỏi mà bán rẻ tương lai của con em mình”.

Nhiều địa điểm khác trên địa bàn TP. Bạc Liêu cũng thường xuyên xuất hiện tình trạng những phụ nữ bế trẻ em đi ăn xin. Những em bé được bế đi trên phố bất chấp trời nắng, trời mưa chúng vẫn ngủ li bì, còn người lớn thì hành nghề… ăn xin. Cũng có tình trạng xin ăn theo ngày mưa, nghĩa là mỗi khi mưa thì bế trẻ ra ngồi dầm mưa bên lề đường xin ăn. Đứa trẻ được che một chiếc áo mưa mỏng và lúc nào cũng ngủ.

Thời gian qua, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo về tình trạng cho trẻ em uống thuốc ngủ để bồng ẵm các em đi ăn xin. Thiết nghĩ, ngành quản lý cần có giải pháp giúp những người ăn xin ổn định cuộc sống, để các em nhỏ có thể học hành. Qua đó không chỉ góp phần xây dựng một thành phố xanh - sạch - đẹp, văn minh mà còn đảm bảo tương lai cho trẻ em sau này.

Đoàn Phạm

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.